Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Ứng dụng di động cần sáng tạo nhưng phải gần với cuộc sống’

Đó là lời khuyên của ông Nguyễn Long, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam dành cho các bạn sinh viên tranh tài tại cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015.

Chiều 24/9, hàng trăm sinh viên từ nhiều trường đại học trên địa bàn TP HCM như ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc tế, ĐH Bách Khoa… đã có mặt tại ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM để tìm hiểu thêm về cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015. Cuộc thi do Công ty công nghệ Huawei và Hội Tin học Việt Nam tổ chức, mở ra một sân chơi bổ ích cho sinh viên cả nước thể hiện khả năng và tạo ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, có ích cho cộng đồng.

Sinh viên tham gia buổi giao lưu, giải đáp thắc mắc của cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015.
Sinh viên tham gia buổi giao lưu, giải đáp thắc mắc của cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015.

“Khi thực hiện bài thi, thí sinh nên chú ý điều này: ứng dụng di động cần phải mang tính sáng tạo nhưng phải thiết thực cho cộng đồng và có tính tương tác cao’, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, ông Nguyễn Long nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Long, sinh viên hãy bắt đầu từ những gì đơn giản, gần gũi nhất rồi nhanh chóng hiện thức hóa ý tưởng của mình, sau đó lắng nghe phản hồi từ người dùng và hoàn thiện. “Là sinh viên, các bạn khó tạo ra sản phẩm hoàn thiện ngay từ đầu, thay vào đó, hãy cứ bắt tay vào làm rồi hoàn thiện dần dần”, ông cho biết.

Ông Nguyễn Long (ngồi giữa, cầm micro) là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, trưởng ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015.
Ông Nguyễn Long (ngồi giữa, cầm micro) là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, trưởng ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015.

Ngoài phần trao đổi của trưởng ban tổ chức, người chiến thắng Sáng tạo ứng dụng di động 2013 với ứng dụng Bus Map – bạn Lê Yên Thanh (sinh viên năm cuối, ĐH KHTN TP HCM) cũng có mặt và chia sẻ kinh nghiệm với các sinh viên muốn tham gia năm nay. “Các bạn cần cân bằng giữa sự sáng tạo và tính thực tiễn. Hãy bắt đầu xây dựng ý tưởng bằng việc tìm cách giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, mình đã làm ứng dụng Bus Map từ nhu cầu tìm đường đi xe buýt của bản thân”, Yên Thanh bổ sung.

Lê Yên Thanh là thí sinh chiến thắng mùa đầu tiên của cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động, tổ chức năm 2013.
Lê Yên Thanh là thí sinh chiến thắng mùa đầu tiên của cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động, tổ chức năm 2013.

Sau chia sẻ của ban tổ chức và thí sinh mùa trước, các bạn sinh viên bắt đầu đặt câu hỏi tìm hiểu kỹ về cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015. Rất nhiều bạn quan tâm đến phần thể lệ về điểm bình chọn. Năm nay, sau khi thí sinh đưa ứng dụng lên website www.khuyenkhichsangtaoviet.net, cộng đồng trực tuyến sẽ tham gia bình chọn và phần điểm này chiếm 30% kết quả vòng một. 

Khi đưa ứng dụng lên website, thí sinh được phép cập nhật, nhưng mỗi lần thay đổi, số lượt bình chọn đang có sẽ bị xóa và người dùng bình chọn lại từ đầu. Điều này đòi hỏi người thi phải chuẩn bị thật chu đáo trước khi giới thiệu sản phẩm và nếu muốn cập nhật thì lựa chọn thời điểm thích hợp.

Sinh viên đặt câu hỏi cho ban tổ chức cuộc thi và các cựu thí sinh.
Sinh viên đặt câu hỏi cho ban tổ chức cuộc thi và cựu thí sinh.

Nhiều bạn trẻ đã sẵn sàng để bước vào cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động 2015. Bạn Trần Quốc Thông, sinh viên năm ba ĐH KHTN TP HCM bày tỏ: “Mình đã lập được một nhóm để bắt tay vào thực hiện ứng dụng di động mang đi dự thi. Cả nhóm sẽ tập trung học nhanh ngôn ngữ lập trình cho Android, sau đó sẽ phát triển ý tưởng theo hướng thiết thực nhất”.

Cuộc thi diễn ra theo 3 giai đoạn. Từ 10/9 đến 10/11, thí sinh đăng ký dự thi, đăng tải sản phẩm/ứng dụng di động dự thi của mình trên website www.khuyenkhichsangtaoviet.net và kêu gọi bình chọn. Sau đó, từ 11 đến 15/11, ban tổ chức sẽ công bố các sản phẩm/ứng dụng có điểm số cao để tham gia thuyết trình, xét chọn và xếp hạng. 

Trong giai đoạn cuối (16/11-25/11), những thí sinh có bài thi vào vòng chung khảo sẽ tham gia thuyết trình trước hội đồng giám khảo. Giải thưởng hấp dẫn dành cho người chiến thắng bao gồm một giải đặc biệt trị giá 150 triệu đồng, 2 giải nhất, mỗi giải trị giá 100 triệu đồng.

Trong thời gian diễn ra cuộc thi, Huawei Việt Nam công bố chương trình “Mua 1 máy smartphone Honor 4C dành 1 USD cho chương trình công ích (CSR)” kể từ ngày 10/9. Theo đó, các khách hàng khi mua mỗi máy smartphone Honor 4C sẽ được công ty trích lại 1 USD để thực hiện một hoạt động công ích. Số lượng máy tham gia chương trình này là 10.000. Các sinh viên đoạt giải của cuộc thi năm nay sẽ là những “đại sứ ICT” cùng thực hiện chương trình xã hội này với Huawei Việt Nam vào cuối năm nay.

Giang Minh Nguyệt

Bạn có thể quan tâm