Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

UNFPA Việt Nam: 50% phụ nữ không lên tiếng khi chồng bạo hành

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho hay một trong những khó khăn lớn khi giải quyết bất bình đẳng giới là việc nhiều vấn đề gắn liền với những giá trị văn hóa và xã hội.

Bà Naomi Kitahara (trái) - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam - trong chuyến đi tới Bắc Kạn gần đây. Ảnh: UNFPA.

Trao đổi với Zing, ông Bjorn Andersson - Giám đốc UNFPA khu vực châu Á - Thái Bình Dương - cho hay điều ông ấn tượng nhất trong chuyến công tác tại Việt Nam chính là nguồn năng lượng của những người tham gia thảo luận tại cuộc gặp liên quan tới dự án “Làm cha trách nhiệm” hôm 6/10.

Chia sẻ tại sự kiện do UNFPA tổ chức sáng 7/10, ông Andersson nói có nhiều người đã đề cập về cách trở thành người chồng có trách nhiệm và biết ủng hộ, chia sẻ.

“Tôi rất ấn tượng với sự tận tụy, biết tiến lên phía trước và thay đổi xã hội (của những người tham gia)”, ông nói, cho biết thêm ông cảm nhận điều đó qua những câu chuyện cá nhân được chia sẻ trong cuộc gặp.

Ông Andersson đang đề cập tới chuyến thăm tỉnh Bắc Giang, nơi UNFPA hỗ trợ chương trình can thiệp “Làm cha trách nhiệm” trong khuôn khổ dự án giải quyết việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại Việt Nam.

Không lên tiếng

Tại sự kiện, bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam - cho biết dù có số liệu khảo sát, nhiều người thường không báo cáo khi họ bị bạo lực trên cơ sở giới.

“90% phụ nữ không tìm tới bất cứ dịch vụ nào, trong khi 1/2 người không kể chuyện này với bất cứ ai, kể cả gia đình hay bạn bè”, bà cho hay. “Rất nhiều người đã không báo cáo (câu chuyện của họ), vì vậy điều đó thực sự là vấn đề”.

Bên cạnh đó, bà chỉ ra cái khó liên quan đến các giá trị văn hóa xã hội về vấn đề này ở Việt Nam, cũng như việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.

“Hiện nay, khi một phụ nữ bị bạo hành, họ không có nơi nào họ có thể tìm tới. Điều này phải được khắc phục”, trưởng đại diện UNFPA ở Việt Nam chia sẻ.

binh dang gioi viet nam anh 1

Ông Andersson trong chuyến đi tới Bắc Kạn. Ảnh: UNFPA.

Bà Kitahara khẳng định tin tốt là Chính phủ đang nghiêm túc xem xét thực trạng này. “Chúng tôi rất mong chờ Quốc hội thông qua biện pháp xử lý bạo lực gia đình trong tháng này”, bà nói, cho biết thêm cần cất tiếng nói về vấn đề này nhằm cùng nhau cải thiện tình hình.

Bên cạnh đó, ông Anderson đánh giá việc thay đổi lối sống liên quan tới bất bình đẳng giới là điều cần thiết để đất nước thịnh vượng, tiến tới phát triển bền vững và phát triển xã hội. Do đó, ông cho rằng cần có sự phối hợp giữa chính sách của Chính phủ, chiến lược cấp quốc gia cùng với sự hỗ trợ từ cộng đồng địa phương.

“Ngoài ra, điều này đòi hỏi sự đầu tư, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, để chúng được tiếp cận với giáo dục. Cần phải phát huy giáo dục, và giáo dục cùng học tập suốt đời là rất quan trọng. Nếu làm được điều này, chúng ta có thể gặt hái lợi ích về mặt nhân khẩu học trong 10-15 năm tới”, ông nói với Zing.

Hợp tác chặt chẽ

Đề cập tới hợp tác giữa UNFPA và KOICA nhằm giải quyết bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam, bà Quỳnh Anh - đại diện UNFPA - cho hay Việt Nam và Hàn Quốc chia sẻ những vấn đề chung về bạo lực với phụ nữ, đặc biệt là bạo lực tình dục.

Bà cho hay Hàn Quốc có được những khung luật pháp chính sách để giải quyết vấn đề này, ví dụ như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình,...

"Vào thời điểm đó, Hàn Quốc có triển khai mô hình Trung tâm một cửa Hoa hướng dương để hỗ trợ những phụ nữ bị bạo lực, cung cấp dịch vụ toàn diện và thiết yếu cho họ. Mô hình này đã được đánh giá là có hiệu quả và là một trong những điểm đáng để các nhà cung cấp dịch vụ ở Việt Nam học tập kinh nghiệm”, bà Quỳnh Anh chia sẻ.

Tại thời điểm đó, UNFPA và KOICA tại Việt Nam có cam kết mạnh mẽ trong việc hỗ trợ chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Trên tinh thần này, trong giai đoạn 2017-2021, các bên đã xây dựng và thực hiện dự án “Thí điểm triển khai mô hình phòng ngừa và ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam”, chia thành 2 hợp phần chính.

“Một hợp phần tập trung vào xây dựng thí điểm mô hình một cửa hỗ trợ nạn nhân phụ nữ và trẻ em gái. Mô hình này học tập từ Trung tâm Hoa hướng dương của Hàn Quốc. Còn hợp phần còn lại sẽ là về truyền thông kỹ năng nhận thức thay đổi thái độ hành vi”, bà Quỳnh Anh nói.

binh dang gioi viet nam anh 2

Ông Cho Han-Deog - Giám đốc quốc gia văn phòng KOICA, ông Bjorn Andersson và bà Naomi Kitahara trong sự kiện sáng 7/10. Ảnh: Phương Linh.

Cả hai hợp phần này đều có những thành công nhất định. Ví dụ, hợp phần mô hình đã hỗ trợ tư vấn cho 300 người bị bạo lực trên cơ sở giới, còn hợp phần truyền thông thực hiện 3 chiến dịch quốc gia, tiếp cận 10 triệu người hưởng ứng thành hành động quốc gia về bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới.

Trong giai đoạn tiếp nối 2022-2023, bà Quỳnh Anh cho biết dự án sẽ nỗ lực tiếp tục duy trì kết quả đạt được trong giai đoạn I, như nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên và người cung cấp dịch vụ, đẩy mạnh vận hành Ngôi nhà Ánh dương,...

Bước sang giai đoạn 2023-2026, bà Quỳnh Anh nói UNFPA và KOICA Việt Nam sẽ đề xuất dự án mới. Đại diện từ UNFPA chia sẻ dự án kỳ vọng đạt 4 mục tiêu chính, trong đó xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Cho Han-Deog - Giám đốc quốc gia văn phòng KOICA - nhận định dự án đã thiết lập thành công mô hình dịch vụ về bạo lực giới. Ngoài ra, dự án cũng tăng cường năng lực của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và nhà cung cấp dịch vụ trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.

“Vì vậy, dự án đã góp phần vào những thay đổi tích cực trong thái độ về việc ngăn chặn bất bình đẳng giới và bạo lực với phụ nữ”, ông Cho kết luận.

Tiềm năng lớn của Việt Nam khi biến rác thải thành nhiên liệu

Các chuyên gia nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng trong quá trình đồng xử lý rác thải nhựa tại các lò nung xi măng hiện nay, song cũng đứng trước không ít thách thức.

Thế nào là thành phố an toàn cho phụ nữ?

Thiết kế không gian đô thị thân thiện, an toàn hơn với phụ nữ không chỉ cải thiện bình đẳng giới mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các nhóm đối tượng khác sinh sống tại thành phố.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm