Lô cốt mở rộng khắp tuyến đường có dự án đường sắt trên cao chạy qua khiến người dân Hà Nội hàng ngày phải chôn chân nhiều giờ trong tiết trời nóng bức hay mưa rào.
|
Đường Láng đoạn giao với phố Yên Lãng (Hà Nội) những ngày qua rơi vào cảnh ùn tắc bất thường. Giờ cao điểm, các phương tiện phải nhích từng mét.
|
|
Nguyên nhân là hệ thống rào chắn của công trình đường sắt trên cao được dựng lên chiếm hết nửa lối đi.
|
|
Tuyến đường vốn hẹp bỗng dưng thêm nút thắt cổ chai khiến đầu giờ sáng và cuối giờ chiều luôn tắc nghẽn.
|
|
Gần số nhà 111, nhiều người còn họp chợ ngay sát rào chắn khiến giao thông thêm rối.
|
|
Có những đoạn lối đi chỉ vừa hai ôtô nhỏ. Tài xế chỉ cần một chút bẩt cẩn là có thể đụng vào bạt che nắng, mái hiên bên lề đường.
|
|
Đường Nguyễn Trãi hướng từ Ngã Tư Sở về Khuất Duy Tiến trước đây không thường xuyên ùn tắc nay xe cộ ùn ứ kéo dài theo hướng vào trung tâm thành phố.
|
|
Đường đang rộng, đến số nhà 110 Nguyễn Trãi một số lô cốt mọc lên chiếm nửa lối đi. Những nút thắt này kéo dài tới khu vực chợ Thượng Đình khiến xe rồng rắn qua đây.
|
|
Ông Lê Văn Dương - Phó giám đốc BQL dự án đường sắt trên cao cho biết, để đảm bảo an toàn các hạng mục thi công sau sự cố sập giàn giáo, đơn vị thiết kế của nhà thầu đã phối hợp cùng trường Đại học Giao thông Vận tải tính toán bố trị lại hệ đà giáo và kết cấu công trình. "Công trình đã hoạt động trở lại sau 5 tháng tạm dừng, việc rào chắn là để người dân không lưu thông phía dưới khu vực thi công. Hai bên làn đường ở khu vực nhà ga Đại học Quốc gia đã mở rộng 8 m nhưng cũng không tránh khỏi việc ùn tắc vào giờ cao điểm", ông Dương nói.
|
|
Qua lại những tuyến đường này trong tiết trời khô ráo đã khổ, lúc mưa gió còn vất vả hơn. Theo dự kiến, năm 2016 dự án này sẽ được khai thác.
|
Tháng 10/2011, Bộ GTVT khởi công xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Dự án có tổng mức đầu tư gần 553 triệu USD, gồm vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Đầu năm 2014 dự án được các bên liên quan đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu (tăng hơn 315 triệu USD).
Tháng 7/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý việc vay bổ sung vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc trị giá 250,62 triệu USD cho dự án.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài hơn 13 km, khổ đường 1,435 m và 12 nhà ga trên cao; 13 đoàn tàu sẽ được khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.