Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ukraine 'vỡ mộng'

Đầu thập niên 1990, Kyiv chấp nhận giải giáp toàn bộ kho vũ khí hạt nhân với hy vọng mở ra kỷ nguyên hòa bình ở châu Âu. Nhưng chính Ukraine giờ đứng trước nguy cơ chiến tranh.

Vào một ngày mùa xuân nắng ấm năm 1996, lãnh đạo quốc phòng Mỹ, Nga và Ukraine cùng nhau trồng một cây hoa hướng dương tại thành phố Pervomaysk. Hôm đó, Ukraine hoàn tất giải giáp toàn bộ kho vũ khí hạt nhân mà nước này kế thừa của Liên Xô.

Việc Ukraine chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân khi đó được kỳ vọng là bệ phóng cho một kỷ nguyên mới, chôn vùi vĩnh viễn nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa các cường quốc và mở ra nền hòa bình lâu dài tại châu Âu.

Thế nhưng sau 26 năm, Ukraine đang trở thành chiến địa đối đầu giữa các nước lớn, với nguy cơ một trong các cường quốc hạt nhân, Nga, có thể phát động chiến tranh làm rung chuyển cả châu Âu, theo AP.

Giải giáp 1.900 đầu đạn hạt nhân

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine là một trong 14 quốc gia tuyên bố độc lập. Khi đó, Ukraine sở hữu kho vũ khí khổng lồ mà Liên Xô để lại, chỉ đứng sau Nga và Mỹ.

Theo Arms Control Today, Ukraine được thừa hưởng khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân, tương đương 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Cùng với đó, Ukraine sở hữu 130 tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100N, 46 tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-23 Molodets và 33 bom hạng nặng.

Dưới sự vận động của các cường quốc hạt nhân, ngày 5/12/1994, lãnh đạo Ukraine đồng ý ký kết Bản ghi nhớ Budapest cùng Nga, Mỹ và Anh.

xung dot nga ukraine anh 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Nga và Ukraine tham dự buổi lễ phá dỡ hầm phóng tên lửa hạt nhân gần Pervomaysk năm 1996. Ảnh: AP.

Theo đó, Ukraine chấp nhận giải giáp toàn bộ kho vũ khí nguyên tử. Đổi lại, các cường quốc hạt nhân cam kết bảo đảm an ninh, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đường biên giới hiện hành của Ukraine, đồng thời không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống Ukraine.

Ba cường quốc cũng cam kết không cho phép vũ khí của các nước này hoặc do các nước này sản xuất được sử dụng để tấn công Ukraine trừ trường hợp tự vệ chính đáng hoặc theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tới năm 1996, quá trình giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Ukraine hoàn tất khi những quả tên lửa cuối cùng được đưa khỏi hầm phóng và chuyển giao cho Nga.

"Bản ghi nhớ Budapest dường như là điểm khởi đầu cho hành trình dài đẩy Ukraine vào cuộc khủng hoảng ngày hôm nay", AP bình luận.

Từng là một trong những quốc gia phát triển nhất ở Đông Âu, Ukraine giờ đối mặt tương lai bất định, bị đe dọa bởi nội chiến và xung đột vũ trang.

Ukraine mất quyền kiểm soát Donbass, vùng công nghiệp quan trọng ở miền Đông, khi Nga can thiệp và hỗ trợ lực lượng ly khai thành lập hai nhà nước tự xưng ở Donetsk và Luhansk năm 2014.

Cùng năm này, bán đảo Crimea thực hiện cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố độc lập. Không lâu sau đó, Moscow sáp nhập bán đảo Crimea trở thành một vùng lãnh thổ của Nga.

Tương lai bất định của Ukraine

Hành động của Moscow ở miền Đông Ukraine châm ngòi cho căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ - NATO với Nga. Từ năm 2014, Washington tăng cường viện trợ quân sự cho Kyiv.

Ukraine vẫn tiếp tục hành trình xích lại gần hơn với phương Tây, mong muốn gia nhập EU và NATO. Nhưng với Điện Kremlin, việc NATO liên tục mở rộng về phía Đông tạo ra đe dọa an ninh sống còn cho Nga.

Khi bức tường Berlin sụp đổ, để ngăn Moscow can thiệp vào Đông Đức, Washington cam kết sẽ không thu nhận thành viên mới từ khu vực Đông Âu. Nhưng giờ đây, Mỹ và các đồng minh NATO cho rằng chưa từng có bất cứ lời hứa nào như vậy.

Theo điều 10 Hiến chương NATO, mọi quốc gia châu Âu đều có thể được mời vào liên minh. Năm 2008, NATO tái khẳng định cơ hội gia nhập tổ chức này với Ukraine và Georgia, nhưng không đặt ra bất cứ mốc thời gian nào, cũng như không đưa ra lộ trình gia nhập chính thức.

Ukraine hiện vẫn chưa được mời gia nhập NATO. Khả năng Kyiv được kết nạp vào tổ chức an ninh tập thể do Mỹ lãnh đạo đến nay vẫn rất mờ mịt.

xung dot nga ukraine anh 2

Binh sĩ Ukraine chiến đấu chống phiến quân ly khai ở miền Đông. Ảnh: BBC.

Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sát cánh cùng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng lưu ý bởi Ukraine không phải thành viên NATO, Mỹ không có nghĩa vụ trực tiếp hỗ trợ bằng quân sự.

Ông Biden cũng nhấn mạnh hành động tấn công quân sự của Nga nhắm vào Ukraine, nước láng giềng trước đó đã tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân mà Nga có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sẽ là một trong những sự kiện để lại hậu quả nặng nề nhất từ sau Thế chiến 2.

Trong số các quan chức Mỹ tham dự buổi trồng hoa hướng dương năm 1996 tại Pervomaysk có Ashton Carter, người sau này trở thành thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trong hồi ký, ông Carter miêu tả quyết định giải giáp vũ khí hạt nhân của Ukraine là dấu ấn cho sự kết thúc thực sự của Chiến tranh Lạnh đã chia đôi châu Âu gần nửa thế kỷ.

Ông Carter cho rằng quyết định của Kyiv cho thấy ngay cả những quốc gia bất an nhất cũng có thể từ bỏ loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp, "thay vào đó họ đặt lòng tin vào một trật tự thế giới hòa bình".

Sau khi hoàn tất giải trừ vũ khí hạt nhân của Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry nói về triển vọng của "một nền hòa bình lâu dài" hậu Chiến tranh Lạnh.

Nhưng đến năm 2015, ông Perry khi đó đã nghỉ hưu cho rằng tinh thần thiện chí, hợp tác giữa các cường quốc hạt nhân đã chết yểu không lâu sau khi trật tự thế giới mới hình thành.

"Tôi phải đau đớn thừa nhận rằng bối cảnh và sự hợp tác khi đó (năm 1996) là điều không tưởng ngày nay", ông Perry nhận xét sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Hình ảnh hiếm thấy từ tiền tuyến cuộc đối đầu Nga - Ukraine

Binh sĩ Ukraine ở khu vực miền Đông đã sẵn sàng cho một cuộc chiến mà họ tin là chắc chắn sẽ xảy ra với Nga.

Ngoại trưởng Mỹ đòi Nga rút quân khỏi biên giới với Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố ông và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã hội đàm “thẳng thắn và thực chất” tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 21/1.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm