Lực lượng Ukraine cho biết họ phải rút lui khỏi một số khu vực bên ngoài Lysychansk, đồng thời bị quân Nga dồn ép và bao vây tại thành phố lân cận Severodonetsk. Sievierodonetsk là thủ phủ tỉnh Lugansk. Lugansk, cùng với tỉnh Donetsk, hợp thành vùng Donbas ở miền Đông Ukraine.
Hai ngôi làng ở phía tây nam Lysychansk đã rơi vào tay Nga. Họ cũng đang tìm cách kiểm soát 1/3 thành phố khi tiến về phía bờ sông phía tây của Severodonetsk. Trong khi đó, quân tiếp viện của Nga đã đến vùng Donetsk nhằm kiểm soát một đường cao tốc chiến lược.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov, việc Ukraine rút quân diễn ra cùng lúc hệ thống tên lửa tiên tiến do Mỹ cung cấp tới nước này.
Tuyên bố của ông Reznikov được đưa ra hơn ba tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận nước này sẽ gửi tên lửa HIMARS cho Ukraine để Kyiv có thể nhắm tới các "mục tiêu quan trọng" trên chiến trường.
Quân Ukraine phải rút lui để tránh bị bao vây
Trong hơn một tháng qua, giao tranh ở Donbas tập trung xung quanh Severodonetsk. Nếu Nga đánh bại đợt phản công của Ukraine và kiểm soát được nơi này, đây sẽ là dấu ấn quan trọng trong mục tiêu “giải phóng” Donbas của Moscow.
Quân đội Nga đạt được những bước tiến khá chậm. Cho đến nay, họ thất bại trong việc kiểm soát hoàn toàn và chuyển sang tấn công những phần ở Luhansk do Ukraine nắm giữ, chẳng hạn như Lysychansk. Tuy nhiên, sự bế tắc đó dường như đang thay đổi.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết lực lượng Nga có khả năng đã tiến thêm gần 5 km về phía nam của Lysychansk kể từ hôm 19/6, sau khi tập trung binh sĩ để tràn vào các vị trí của quân Ukraine. Một số đơn vị Ukraine đã rút lui để tránh bị bao vây, bộ này cho hay.
Bản đồ của BBC thể hiện tình hình ở khu vực Luhansk, tính tới ngày 19/6. |
Thống đốc khu vực Luhansk Serhiy Haidai cho biết chính quyền đã phải chuyển 48 tấn nước đến những người dân mắc kẹt ở thành phố, trong bối cảnh Lysychansk chứng kiến khủng hoảng nước vì cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Ông cho hay lực lượng Ukraine tiếp tục cầm cự tại một nhà máy hóa chất ở ngoại ô Severodonetsk. “Tình hình cực kỳ khó khăn”, ông nói. "Nga đã huy động tất cả nguồn lực và hướng vào Severodonetsk".
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc không kích và pháo binh của Moscow là nhằm từng bước phá hủy toàn bộ Donbas. “Đó là lý do chúng tôi liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng tốc gửi vũ khí cho Ukraine”, ông nói.
Hôm 23/6, Lầu Năm Góc thông báo Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm gói vũ khí 450 triệu USD. Gói vũ khí mới nhất sẽ gồm có 4 HIMARS, 36.000 viên đạn 105 mm và 2.000 súng máy. Đây là lần cung cấp thứ 13 của Mỹ kể từ ngày 24/2, và tổng gói hỗ trợ vũ khí đã lên tới khoảng 6,1 tỷ USD.
HIMARS (hệ thống tên lửa cơ động cao) có thể phóng tên lửa với tầm bắn gấp đôi các loại pháo M777 mà Mỹ cũng đã cung cấp cho Ukraine.
Không giống chiến trận giành quyền kiểm soát các trung tâm đô thị như thủ đô Kyiv, trận chiến ở miền Đông chủ yếu sử dụng pháo binh. Các quan chức Ukraine liên tục thúc giục phương Tây viện trợ vũ khí tầm xa, lập luận những loại vũ khí này nắm vai trò quan trọng trong việc phòng thủ.
Trước đó, Mỹ từng lo ngại Ukraine sẽ dùng vũ khí tiên tiến do nước này viện trợ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga - một động thái Washington lo sợ sẽ khiêu khích quá mức Moscow.
Một cột mốc mới với Ukraine
Không chỉ vậy, hôm 23/6 cũng đánh dấu việc phương Tây đáp ứng một trong những yêu cầu lớn nhất của ông Zelensky: Liên minh châu Âu đồng ý đưa Ukraine trở thành ứng cử viên chính thức gia nhập khối.
Tư cách thành viên EU của Ukraine sẽ chính thức củng cố mối quan hệ của Kyiv với phương Tây, đồng thời nhắm vào mục tiêu hàng đầu của Nga là đưa Ukraine tiến gần vào quỹ đạo của Điện Kremlin.
Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên thường kéo dài một thập niên, thậm chí dài hơn, trong đó gồm các yêu cầu nghiêm ngặt về kinh tế, tư pháp và chính trị trong nước.
Ông Zelensky đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của 11 quốc gia - bao gồm Áo, Bỉ và Hy Lạp - trước quyết định hôm 23/6 và lên kế hoạch tiếp tục ngoại giao qua điện thoại.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu cách loại bỏ quả bom mắc trong một tòa nhà chung cư ở Kharkiv. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết bà đang gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu để thảo luận về các bước đưa ngũ cốc ra khỏi Ukraine. Từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu, khoảng 18 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine, làm gia tăng lo ngại về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Nga bác bỏ cáo buộc cản trở hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine. Hôm 23/6, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tiếp tục cáo buộc Ukraine và phương Tây về cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng, đồng thời kêu gọi Kyiv dỡ phong tỏa các cảng ở biển Đen để lô hàng ngũ cốc có thể lưu thông.
Ông Lavrov nhấn mạnh phương Tây đang muốn "can thiệp" vào quá trình này.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phủ nhận Nga "đánh cắp" ngũ cốc của Ukraine. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bác bỏ việc Kyiv chặn các tàu lưu thông, đồng thời nói Kyiv không tin Nga sẽ ngừng bắn nếu gỡ mìn.
“Chúng tôi khai thác biển để tự vệ, trong khi Nga khai thác để phá hủy tàu của chúng tôi”, ông nói.