Ngoại trưởng 4 nước Ukraine, Litva, Latvia và Estonia ngày 15/4 đã lên án hành động leo thang quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine, kêu gọi Moscow giảm bớt căng thẳng trong khu vực và quay trở lại đàm phán, theo Reuters.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba khẳng định: "Lằn ranh đỏ của chúng tôi đối với nước Nga là biên giới quốc gia. Nếu Nga có ý định vượt qua giới hạn này, họ sẽ phải chịu hậu quả".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm một vị trí đóng quân của binh sĩ ở tiền tuyến Donbass. Ảnh: Reuters. |
Chính trị gia Dmytro Kuleba của Ukraine cứng rắn: "Cần phải cho Nga thấy rằng việc gia tăng leo thang ở khu vực Donbass sẽ gây ra những hậu quả rất đau đớn".
Cũng trong hôm 15/4, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov - nói rằng tình hình xung quanh Ukraine vẫn căng thẳng và còn quá sớm để nói về việc giảm leo thang.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang khi hơn 85.000 binh sĩ quân đội Nga được triển khai tới bán đảo Crimea và khu vực cách biên giới Ukraine 10-40 km, Washington Post ngày 10/4 dẫn phát ngôn của ông Serhii Deineko - chỉ huy lực lượng biên phòng Ukraine.
Điện Kremlin hôm 7/4 thừa nhận việc triển khai lực lượng, song khẳng định Moscow “không đe dọa bất kỳ ai”. Nga khẳng định việc điều động quân đội trên lãnh thổ của mình là chuyện hợp pháp và không đe dọa nước nào.
Ukraine đang hối thúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đẩy nhanh tiến trình kết nạp. "Gia nhập NATO là cách duy nhất kết thúc cuộc chiến ở Donbass. Một Kế hoạch hành động tư cách thành viên (MAP) của Ukraine sẽ là tín hiệu thật sự gửi tới Nga" - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định.
Những diễn biến mới nhất tại khu vực khiến dư luận quan ngại Nga và Ukraine có thể bị cuốn vào một cuộc đối đầu quân sự mới. Các nước kêu gọi các bên ngừng các hành động làm leo thang căng thẳng.
Tổng thư ký của NATO - ông Jens Stoltenberg - đã gọi việc Nga tập trung quân nói trên “gây quan ngại sâu sắc và không thể biện minh”. Ông cũng nhận định rằng đây là cuộc “tập trung quân lớn nhất của Nga kể từ khi Crimea được sáp nhập vào lãnh thổ Nga”.
Đồng thời, NATO cũng thể hiện sự thận trọng trước yêu cầu của Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng việc Ukraine gia nhập NATO không phải là vấn đề cấp thiết. Người phát ngôn Chính phủ Đức Ulrike Demmer sau đó cũng xác nhận NATO vẫn chưa có động thái xem xét kết nạp Ukraine bất chấp đề nghị từ nước này.
Nhà Trắng ngày 13/4 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và có bàn thảo về tình hình ở Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, ông Biden tái khẳng định sự hậu thuẫn của Washington với Kyiv, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc Nga gần đây tăng cường hiện diện quân sự đáng kể tại Crimea và gần biên giới Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga giảm căng thẳng.
Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng đã đề nghị gặp trực tiếp người đồng cấp Nga "trong những tháng tới" để "thảo luận về toàn bộ các vấn đề mà các nước đang đối mặt".
Mặc dù vậy, tương lai cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vẫn còn khó đoán khi Điện Kremlin hôm 15/4 cho biết Nga sẽ đáp trả bất kỳ lệnh trừng phạt mới "bất hợp pháp" nào của Mỹ đối với Nga. Đồng thời khẳng định bất kỳ lệnh trừng phạt nào cũng sẽ làm giảm cơ hội gặp mặt giữa hai vị tổng thống.