Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quân đội Ukraine mạnh hơn trước, nhưng vẫn khó chống lại Nga

Quân đội Ukraine được đánh giá mạnh hơn so với thời điểm năm 2014, nhưng vấn nạn quan liêu và cơ cấu chỉ huy rối rắm khiến lực lượng này khó đẩy lùi cuộc tấn công toàn diện từ Nga.

Cang thang Nga - Ukraine anh 1

Khi xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai do Nga hậu thuẫn nổ ra ở miền đông Ukraine cách đây 7 năm, những người lính Ukraine chiến đấu trong đôi giày thể thao rách, khoác trên mình những chiếc áo mỏng manh. Các chỉ huy của họ cũng thiếu kinh nghiệm và bối rối trong xử lý tình huống, đôi khi gây ra hậu quả chết người.

Ngày nay, quân đội Ukraine thiện chiến hơn, và được trang bị tốt hơn, nhờ vào kinh nghiệm trận mạc sau nhiều năm xung đột cường độ thấp, và sự hỗ trợ từ quốc tế, theo Politico.

Tuy nhiên, trước loạt động thái tăng cường quân sự của Nga ở vùng biên giới, các chuyên gia cho rằng quân đội Ukraine vẫn khó đẩy lùi một cuộc tấn công toàn diện từ Nga.

Khoảng cách về ngân sách

Năm 2019, Ukraine chi khoảng 3,4% GDP cho quốc phòng, tăng so với tỷ lệ 2,2% của năm 2014, theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Thụy Điển.

Trong khi đó, Nga dành 3,9% GDP cho ngân sách quốc phòng năm 2019.

Nhìn vào số tiền thực tế, sự chênh lệch trong khoản chi cho quốc phòng còn lớn hơn nữa. Tính theo USD, ngân sách quốc phòng của Ukraine chỉ 5,2 tỷ USD, quá ít so với con số 65 tỷ USD của Nga trong năm 2019.

Cang thang Nga - Ukraine anh 2

Binh sĩ Ukraine tại một chốt tiền tuyến trên khu vực ly khai được Nga hậu thuẫn. Ảnh: AFP.

Tuần trước, trung tướng Ruslan Khomchak, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine cố trấn an những lo ngại về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Ông nói họ đã chuẩn bị cho "một đáp trả thích đáng trước các tình huống khác nhau".

Quân đội Ukraine ngày nay được mở rộng quy mô và tổ chức tốt hơn. Họ không cần phải dựa vào các tiểu đoàn tình nguyện, được tập hợp vội vàng như khi quân đội Nga đổ bộ để hỗ trợ lực lượng ly khai hồi năm 2014.

Những năm gần đây, các đồng minh phương Tây đã tăng cường hỗ trợ sĩ quan huấn luyện và vũ khí giúp duy trì năng lực quốc phòng của Ukraine.

Quy mô lực lượng vũ trang Ukraine hiện có khoảng 255.000 quân chính quy và 900.000 quân dự bị. Trong khi đó, Nga có quân số chính quy khoảng 1 triệu người và 2 triệu quân dự bị, theo Global Firepower.

Xét về trang bị, Ukraine đứng thứ 13 thế giới về xe tăng với 2.430 chiếc, đứng thứ 7 về xe bọc thép với 11.435 chiếc và 2.040 khẩu pháo kéo xe.

Còn Nga dẫn đầu thế giới về đội xe tăng và pháo kéo xe, với số lượng lần lượt 13.000 chiếc và 4.464 khẩu, xếp thứ 3 thế giới về số xe bọc thép với 27.100 chiếc.

Cang thang Nga - Ukraine anh 3

Phần lớn lực lượng tăng thiết giáp Ukraine là những sản phẩm được sản xuất dưới thời Liên Xô. Ảnh: Reuters.

Lực lượng vũ trang Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào xe tăng, máy bay và xe bọc thép có từ thời Liên Xô. Họ cũng gặp khó khăn trong việc hiện đại hóa quân đội.

Ngược lại, Nga đã hiện đại hóa quân đội sâu rộng từ năm 2008.

Xuất khẩu vũ khí năm 2020 của Ukraine khoảng 1 tỷ USD, nhưng Kyiv không thể mua hoặc sản xuất một số thiết bị tiên tiến để đối phó Nga.

Các vũ khí mà Ukraine cần có gồm hệ thống phòng không và tên lửa, để chống lại cuộc tấn công bằng vũ khí dẫn đường công nghệ cao của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.

Taras Chmut, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ có tên Trung tâm Quân sự Ukraine, cho biết các cuộc tấn công phối hợp nhắm vào cơ sở hạ tầng, như cầu, đường sắt và trạm điện có thể khiến nền kinh tế Ukraine tê liệt.

“Người Nga không cần phải chiếm nhiều lãnh thổ để đạt được mục tiêu của mình”, ông nói.

Tương tự, không quân Ukraine vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc không chiến, ông Chmut cho biết thêm. Năm ngoái, chỉ huy không quân Ukraine thừa nhận toàn bộ phi đội của họ sẽ lỗi thời trong thập kỷ tới.

Theo một phân tích của Politico, việc một số vũ khí có tính sát thương cao của Ukraine hiệu quả tới đâu còn phụ thuộc vào chiến thuật của Nga.

Tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp cho Ukraine có thể vô dụng, nếu Nga tổ chức xâm lược bí mật, hoặc quy mô nhỏ hơn mà không liên quan đến lực lượng thiết giáp.

Mykola Sunhurovskyi, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Razumkov ở Kyiv, cho biết các vũ khí hiện đại như tên lửa Javelin tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa. Nhưng ông nói Ukraine sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc chuyển giao công nghệ để sản xuất tại địa phương.

Tham nhũng cũng là một cản trở đối với kế hoạch hiện đại hóa quân đội Ukraine. Tập đoàn quốc phòng nhà nước Ukroboronprom từ lâu được xem là một điểm nóng về tham nhũng.

Ngoài vấn đề trang bị, tính chuyên nghiệp của binh sĩ cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Cơ cấu chỉ huy rối rắm

Ông Taras Chmut, người từng phục vụ trong quân đội Ukraine giai đoạn 2015-2017, nói các chỉ huy đã chuẩn bị tâm lý vững vàng hơn sau vụ việc năm 2014, qua đó xây dựng quân đội sẵn sàng chiến đấu hơn.

Nhưng ông Chmut nêu lên thực trạng rằng những người lính giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết đang bị buộc phải xuất ngũ bởi tình trạng quan liêu và chất lượng lãnh đạo ngày càng giảm sút.

Đại tá Serhiy Sobko, một cựu binh từng được tặng huân chương Anh hùng Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước rằng các sĩ quan có thành tích kém trong năm 2014, hoặc né tránh hoạt động chiến đấu, lại được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo chủ chốt trong 2 năm qua.

Cang thang Nga - Ukraine anh 4

Tổng thống Ukraine bắt tay một sĩ quan trong chuyến thăm của ông đến miền Đông. Ảnh: AP.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy kêu gọi Ukraine gia nhập NATO, nhưng các chuyên gia cho rằng đó là một viễn cảnh xa vời. Theo một bài báo của Trung tâm châu Âu mới, trụ sở tại Kyiv, quân đội Ukraine đã đáp ứng 96 tiêu chuẩn của NATO trong 18 tháng, so với 196 yêu cầu trong 5 năm của người tiền nhiệm.

Tuy vậy, các chuyên gia cho biết với tốc độ áp dụng tiêu chuẩn như hiện tại, cần ít nhất 13 năm nữa trước khi Ukraine hoàn toàn tương thích với NATO.

Những người khác tỏ ra bi quan về tốc độ hiện đại hóa quân đội. Mykola Vorobiov, một nhà báo mảng quân sự và từng nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ cho biết các chỉ huy thường chán nản với thủ tục giấy tờ liên quan đến hoạt động hàng ngày.

“Những người lính thường nói đùa rằng quân đội Ukraine đang biến thành quân đội giấy”, ông nói. Với quy trình xin và cấp phép như hiện nay, ông Vorobiov nói quân đội Ukraine có thể mất hàng giờ để chờ lệnh bắn trả đối phương, cản trở năng lực của các chỉ huy.

Trong bối cảnh lo ngại về leo thang chiến tranh những ngày gần đây, Tổng thống Zelenskiy đã đến miền Đông Ukraine để thăm và động viên những người lính tiền tuyến.

Tuy vậy, nhà phân tích quốc phòng Butusov nói rằng giới lãnh đạo Ukraine phần lớn bị phân tâm bởi các vấn đề chính trị cấp bách và không có khả năng đưa ra tầm nhìn xa về quốc phòng.

“Vấn đề của chúng ta trong việc chuẩn bị cho chiến tranh là chúng ta không thể đưa ra kế hoạch hành động, chúng ta không thể tổ chức sử dụng các nguồn lực, và không thể tập hợp nhân lực và trí tuệ để ra quyết định”, ông Butusov nói.

Nga cảnh báo phương Tây biến Ukraine thành 'thùng thuốc súng'

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng Mỹ và EU đang đẩy cao căng thẳng ở Ukraine khi tăng cường hỗ trợ quân sự cho quốc gia này, theo TASS.

NATO yêu cầu Nga 'dừng khiêu khích ngay lập tức'

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi Nga ngừng các hành động khiêu khích và chấm dứt việc tăng cường lực lượng sát biên giới Ukraine.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm