Sáng 5/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cho biết cách đây vài ngày đã có đoàn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào TP.HCM làm việc liên quan đến ông Tất Thành Cang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.
"Ông Tất Thành Cang là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì Trung ương phải làm trước. Quy trình xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào các vấn đề chung của công việc", bà Thủy nhấn mạnh.
4 vi phạm của ông Tất Thành Cang
Trước đó, ngày 4/6, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM đã ra thông báo về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm điểm xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm liên quan đến Dự án khu dân cư Phước Kiển do Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.
Bà Lê Thị Thủy trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Thắng Quang. |
Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất kết luận ông Tất Thành Cang (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy) có 4 vi phạm cụ thể sau: Quyết định không đúng thẩm quyền; vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý tài sản, đầu tư trong các doanh nghiệp nhà nước về kinh doanh bất động sản; không đảm bảo quy trình, nguyên tắc xử lý công việc của Đảng bộ TP; thiếu kiểm tra trong triển khai thực hiện các quyết định của mình.
Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang và giao cho Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tập hợp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan để báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Ảnh hưởng uy tín Đảng bộ TP.HCM
Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, trong quá trình thực hiện hợp tác chuyển nhượng phần đất đã đền bù (gần 32 ha) của dự án, Công ty Tân Thuận đã tham mưu đề xuất với lãnh đạo Văn phòng Thành ủy về việc chỉ định hợp tác, chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là không đúng quy định tại Điều 3 của Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất đai tại tác công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu Đảng bộ TP ban hành kèm theo quyết định số 1087 ngày 31/3/2009 của Ban thường vụ Thành ủy và các quy định liên quan khác của Chính phủ.
Tập thể lãnh đạo công ty đã không họp bàn bạc, thảo luận để thống nhất chủ trương chuyển nhượng và giá chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án cho Quốc Cường Gia Lai dẫn đến việc đề xuất giá chuyển nhượng chưa đảm bảo giá trị ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng và thấp hơn giá do Hội đồng thẩm định giá TP thẩm định, đồng thời thấp hơn giá do Công ty xây dựng phương án giá dự kiến thỏa thuận đền bù tiếp theo với người dân.
Vì vậy ngày 18/4 Ban thường vụ Thành ủy đã kết luận yêu cầu công ty Tân Thuận hủy đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng.
Việc hủy hợp đồng chuyển nhượng nêu trên qua đàm phán chưa gây thiệt hại kinh tế cho công ty Tân Thuận, tuy nhiên đã gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ TP và của công ty. Những khuyết điểm, vi phạm nêu trên trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo Công ty Tân Thuận.
Vụ việc sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu không được Ban thường vụ Thành ủy phát hiện, chỉ đạo xử lý ngăn chặn kịp thời.