Các tài xế Uber mong muốn được hãng công nhận là nhân viên. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý dừng lại với việc Uber thỏa thuận trả cho các tài xế 20 triệu USD nhưng mối quan hệ vẫn là đối tác, tài xế vẫn chỉ được xem là những người làm việc độc lập theo hợp đồng.
Một phần của thỏa thuận này là Uber phải cam kết thay đổi cách họ khóa tài khoản của các tài xế, minh bạch quy trình này. Hãng này đã công bố chính sách mô tả quy trình khóa tài khoản của các tài xế, cũng như xây dựng cơ chế để tài xế có thể khiếu nại. Hãng đồng thời tổ chức các lớp học nhằm cải thiện kỹ năng lái xe cho các tài xế.
Uber dàn xếp chi 20 triệu USD cho tài xế, nhưng vẫn không công nhận họ là nhân viên. |
Vụ dàn xếp này nhằm xoa dịu căng thẳng cũng như tạm gác vấn đề gai góc mà Uber gặp phải, đặc biệt trong thời điểm doanh nghiệp sắp niêm yết trên sàn chứng khoán. Tháng 12/2018, Uber đã bí mật nộp kế hoạch niêm yết với định giá lên tới 120 tỷ USD.
Để động viên tài xế cũng như ghi nhận vai trò của họ trong phát triển công ty, Uber dự kiến cho phép tài xế được mua cổ phần khi phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu.
Trong một tuyên bố, một phát ngôn viên của Uber cho biết công ty đã thay đổi rất nhiều kể từ thời điểm các tài xế nộp đơn kiện năm 2013.
Shannon Liss-Riordan, luật sư của các tài xế, trong một tuyên bố cho rằng dàn xếp này là "rất đáng kể". “Chúng tôi ước tính các tài xế sẽ nhận được khoảng 37 cent cho mỗi dặm họ lái xe cho Uber”, bà nói.
Câu chuyện vị thế của tài xế Uber từ lâu đã là vấn đề tranh cãi. Với tư cách là các đối tác làm việc độc lập, họ không được hưởng chăm sóc sức khỏe hay các lợi ích khác từ Uber, điều giúp hãng này tiết kiệm khá lớn. Uber thì cho rằng tài xế được hưởng đặc quyền khác thay thế, đặc biệt là lịch trình linh hoạt và sự chủ động.
Tranh cãi đẩy lên cao trào và tiếp đó là các vụ kiện. Uber và các công ty dịch vụ vận chuyển khác đối mặt với các vụ kiện tập thể của nhóm các tài xế.