Đó là nội dung nêu trong báo cáo sơ kết công tác 9 tháng thực hiện Quyết định 24 về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được đề án của công ty TNHH GrabTaxi, công ty CP Ánh Dương, công ty CP Vận tải 57 Hà Nội và có văn bản hướng dẫn các công ty thực hiện ở một số địa phương.
Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông, vẫn còn đơn vị không chấp hành quy định là Uber. Cụ thể, Uber vẫn không có phù hiệu xe hợp đồng, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định.
Trong 2 năm qua, Bộ Giao thông đã nhiều lần làm việc với đại diện của Uber để trao đổi, hướng dẫn hãng xây dựng đề án để xem xét cho phép hoạt động thí điểm theo đúng quy định tại Quyết định 24.
"Đến thời điểm hiện tại, Bộ và các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa nhận được Đề án hoạt động thí điểm của Uber”, báo cáo nêu rõ.
Hơn 2 năm hoạt động ở Việt Nam nhưng Uber vẫn chưa có đề án thí điểm phần mềm gọi xe. Ảnh: Getty Images.
|
Bộ Giao thông yêu cầu 2 sở GTVT TP.HCM và Hà Nội cung cấp danh sách phương tiện dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu hợp đồng cho cơ quan thuế để tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Đồng thời, Bộ khuyến cáo các đơn vị vận tải không ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định. Các sở cũng tập trung cao điểm đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, cuối năm 2015, Bộ GTVT đã trả lại đề án thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử của Uber do đơn vị này chưa đáp ứng nhiều điều kiện theo pháp luật Việt Nam. Uber muốn công ty mẹ tại Hà Lan trực tiếp ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ thay vì thành lập một pháp nhân tại Việt Nam. Điều này khiến cơ quan quản lý lo ngại sẽ khó khăn trong việc thu thuế cũng như đối tượng chịu trách nhiệm với bên sử dụng là người gọi xe khi có tranh chấp xảy ra.
Tháng 9/2016, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 11818 hướng dẫn phương án thu thuế Uber. Theo đó, Bộ này yêu cầu Uber Hà Lan uỷ quyền cho công ty con ở Việt Nam hoặc một bên thứ ba kê khai, nộp thuế cho cả Uber lẫn các tài xế.
Về phía Uber, đơn vị này cho hay đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ. Khi vấn đề về thuế được giải quyết, Uber mong muốn được công nhận chính thức tại Việt Nam sau hơn 2 năm có mặt.