Theo Cục Giao thông vận tải đường bộ Thái Lan, các tài xế nhận khách thông qua Uber không được đăng ký, cũng không được bảo hiểm điều khiển xe thương mại và rằng hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng không phù hợp với các quy định của Thái Lan.
“Họ phải ngừng hoạt động ngay lập tức”, Cục trưởng Thiraphong Rodprasert nói với phóng viên sau khi gặp các quan chức của hãng Uber, GrabTaxi và EasyTaxi để thảo luận về việc quản lý dịch vụ taxi qua Internet.
Biển hiệu của hãng Uber tại Mỹ. |
Tại Thái Lan, ứng dụng của Uber hoạt động như tổ chức môi giới giữa các chủ xe tư nhân và hành khách và có hệ thống cước riêng. GrabTaxi và EasyTaxi làm việc với các hãng taxi truyền thống, sử dụng đồng hồ đo để tính cước.
Theo ông Thiraphong, các tài xế sử dụng xe cá nhân cho mục đích thương mại có thể bị phạt 2.000 baht (61 USD) và Cục Giao thông đường bộ đang thảo luận với các chuyên gia pháp lý để áp dụng các khoản tiền phạt cao hơn. Đại diện Uber tham dự cuộc họp đã từ chối bình luận.
Trước đó, TP Portland, thuộc bang Oregon - Mỹ ngày 8/12 đã khởi kiện Uber, cáo buộc hãng này hoạt động bất hợp pháp. Đơn kiện yêu cầu tòa án ra lệnh cho Uber ngừng hoạt động cho đến khi hãng này tuân thủ các quy định của thành phố. “Mối quan tâm chính của chúng tôi là sức khỏe và an toàn của người dân”, Thị trưởng Charlie Hales nói.
Cũng hôm 8/12, Tòa án Phúc thẩm Thương mại và Công nghiệp ở The Hague - Hà Lan ban hành lệnh cấm dịch vụ UberPOP, vốn cho phép tài xế nghiệp dư đăng ký với Uber qua điện thoại di động và chuyên chở bằng xe của họ với cước thấp hơn phân nửa so với mức giá thường. Uber có thể bị phạt đến 100.000 euro và tài xế có thể bị phạt đến 40.000 euro nếu tiếp tục hoạt động ở Hà Lan.