Máy bay không người lái X-47 trên tàu sân bay Mỹ. |
Ở Washington, các quan chức chính phủ và quân sự thực sự khó chịu về sự cạnh tranh ngày càng tăng của các nước sản xuất máy bay không người lái (UAV) trên thế giới. Họ không muốn mất đi vị trí hàng đầu trên thị trường đầy tiềm năng và thống trị khả năng sử dụng các UAV quân sự của Mỹ.
Cuối tháng 11/2013 tại Đại học Georgetown, Mỹ, lần đầu tiên diễn ra hội thảo quốc tế "Máy bay không người lái UAV trên thế giới". Hội thảo được tổ chức bởi Đại học Luật gia Quốc gia Mỹ, Viện nghiên cứu chính sách, Tổ chức bảo vệ nữ quyền và chống chiến tranh Code Pink, tạp chí The Nation, hai đoàn đại biểu đến từ Yemen and Pakistan, các chuyên gia khai thác sử dụng máy bay không người lái (UAV) trên biên giới Mỹ - Mexico.
Các nội dung chủ yếu được đề cập là: Những vấn đề sử dụng UAV trong quân sự, những vấn đề pháp lý về việc sử dụng UAV ở Mỹ và sự phát triển UAV trên toàn thế giới. Một ngày trước cuộc hội thảo, các thành viên tích cực của tổ chức Code Pink đã tổ chức một cuộc biểu tình trước Nhà Trắng, yêu cầu chấm dứt việc sử dụng "UAV – sát thủ".
Máy bay không người lái MQ-1 Predator. |
Sự phát triển mạnh mẽ UAV quân sự đã dấy lên sự bất an với những người bảo vệ nhân quyền và những kẻ phá hoại nhân quyền – các viên chức chính phủ và quân sự. Các nhà nhân quyền nhấn mạnh quyền con người theo Hiến pháp Mỹ và khẳng định UAV quân sự Mỹ đã tạo ra tiền lệ giết người và mở ra "chiếc hộp Pandora".
Các quan chức chính phủ và quân sự thực sự khó chịu về tính cạnh tranh ngày càng tăng trên thế giới và không muốn mất đi vị trí hàng đầu và thống trị khả năng sử dụng các UAV quân sự.
Theo thông tin của các cơ quan tình báo Mỹ, đến mùa đông năm 2012, 76 nước đã sử dụng UAV. Trung Quốc là nước có dàn máy bay UAV hùng hậu nhất, sử dụng để theo dõi các hoạt động buôn bán ma túy từ Myanmar và trinh sát, kiểm soát các quần đảo tranh chấp trên vùng nước Biển Đông, biển Hoa Đông. Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi hoạt động của người Kurd ở miền bắc Iraq, Bolivia dùng UAV để tìm kiếm các cánh đồng trồng coca trên dãy Andes, Iran bán UAV trinh sát cho Syria.
Máy bay không người lái Trung Quốc. |
Hiện nay chỉ có Mỹ, Anh và Israel đang sử dụng UAV như vũ khí tầm xa và họ không muốn Trung Quốc, Nga hay một nước nào đó sử dụng loại vũ khí tương tự.
Peter W. Singer giám đốc Trung tâm an ninh và tình báo Thế kỷ 21 từ Viện Brookings Institution khẳng định: đến nay trên thế giới có 87 nước sở hữu UAV, 26 nước trong số đó đã mua hoặc tự chế tạo các UAV có tính năng kỹ chiến thuật như UAV MQ-1 Predator, có thể mang vũ khí tấn công.
Có bao nhiêu UAV quân sự như vậy rất khó xác định do các chương trình phát triển được coi là bí mật quốc gia, nhưng theo các chuyên gia quân sự Mỹ thì có khoảng 15 nước (Trung Quốc, Nga, Iran…) đã chế tạo thành công và đưa vào sản xuất hàng loạt UAV tấn công.
Ngoài UAV MQ-1 Predator có được thương hiệu rộng rãi trên thị trường thế giới còn có UAV tấn công IAI Heron. Từ 2001 đến 2011, 41% UAV trên thị trường quốc tế, theo thông tin của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế "Stockholm International Peace Research Institute", do Israel cung cấp. Israel đã bán UAV cho ít nhất là 24 nước kể cả Mỹ, hơn 80% sản phẩm của công ty Israel Aerospace Industries được xuất khẩu.
Máy bay không người lái Heron Israel. |
Thống kê của công ty tư vấn Frost & Sullivan cho thấy từ 2005 đến 2012. Israel đã bán cho 49 đối tác nước ngoài tổng số là 4,6 tỷ USD, Mỹ chỉ bán được có 2 đến 3 tỷ USD.
Nhưng người Mỹ lo lắng nhiều nhất không phải là Israel mà là Trung Quốc, với số lượng khổng lồ các UAV đang được sản xuất, Trung Quốc có thể lấn chiếm thị trường và bán UAV giá rẻ cho các nước, vốn thù địch với Mỹ và đồng minh. Theo thông tin tử Đài Loan chỉ riêng Không quân Trung Quốc đã sở hưu 280 UAV. Cho đến hôm nay, con số đã tăng rất nhiều.
Công ty an ninh mạng FireEye nhận xét trong 2 năm gần đây, hackers đại lục đã hơn 20 lần đột nhập máy chủ các công ty Mỹ nghiên cứu về UAV. Trên thế giới hiện nay có 50 nước đang phát triển khoảng 900 mẫu UAV, chỉ riêng Hải quân Mỹ có khoảng 7500 máy bay, trong đó có 5 350 UAV loại RQ-11 Raven (năm 2012).
Thị trường UAV quân sự hiện có nhiều hướng phát triển. Hướng phát triển thứ nhất là các UAV có khả năng hoạt động không chỉ trong vùng không có lực lượng phòng không hoặc phòng không yếu mà có thể tác chiến trong vùng có hỏa lực phòng không hiện đại, đây là định hướng phát triển của Mỹ.
Hướng phát triển thứ hai là chế tạo các loại vũ khí nhỏ cho UAV. Hiện nay trên thế giới có khoảng 20000 UAV, chỉ có 400 chiếc có thể mang vũ khí. Nếu có thể chế tạo các loại vũ khí nhỏ có uy lực lớn, thì số lượng UAV chiến đấu sẽ tăng rất nhiều, số lượng tên lửa có trên một UAV cũng tăng và gây khó khăn lớn cho hệ thống phòng không đối phương. Hướng phát triển thứ ba là thu nhỏ kích thước của các UAV chiến đấu.
Chế tạo UAV nằm trong khả năng công nghệ của nhiều nước, được sử dụng rộng rãi không chỉ lực lượng không quân các nước mà tất cả các cơ quan, tổ chức chính quyền bao gồm lực lượng chống tội phạm và chống khủng bổ có quyền sử dụng vũ khí. Đến nay, các UAV chiến đấu đã giết hơn 5000 người và con số này tiếp tục tăng với tốc độ cao.
Cách đây không lâu tập đoàn Teal Group Corp đã công bố thống kế các giao dịch thương mại UAV đã tăng từ 5,2 tỷ USD lên đến 11, 6 tỷ USD, đầu tư nghiên cứu phát triển và thiết kế sản phẩm tăng từ 1,9 tỷ USD đến 4 tỷ USD. Mỹ chiếm 65% thị phần nghiên cứu và thiết kế chế tạo nguyên mẫu thử nghiệm và 51% sản phẩm bán ra.
Ngân sách đầu tư cho trang thiết bị UAV chiếm hàng đầu là các radars, các đầu thu video, hệ thống điện tử cho UAV. Đầu năm 2013 con số là 2,3 tỷ USD và dự kiến tăng đến 4,6 tỷ USD vào năm 2022.
Trong vòng một thập kỷ, thế giới sẽ mua khoảng 22.010 UAV loại nhỏ, 2259 UAV cấp chiến thuật tổ đội đặc nhiệm, 1.695 cấp chiến thuật binh chủng hợp thành, 828 UAV tầm bay trung bình với thời gian bay dài, 436 UAV cất cánh trên hạm tàu , 105 UAV tầm bay cao và thời gian bay dài, 87 UAV tấn công.
Nhu cầu sử dụng UAV trong nước Mỹ cũng rất cao. Theo thông tin của tổ chức "Electronic Frontier Foundation" Cục Hải quan và cơ quan Bảo vệ biên giới thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã thực hiện hơn 500 chuyến bay UAV Predator (không chỉ ở khu vực biên giới) để hỗ trợ các cơ quan quyền lực khác như Cảnh sát địa phương, FBI, Cơ quan bài trừ ma túy vv..).
Tháng 4/2012 tổ chức "Electronic Frontier Foundation" công bố danh sách hơn 60 cơ quan Mỹ nhận được từ Văn phòng hàng không dân dụng Liên bang Mỹ (FAA) quyền sử dụng UAV.
Cũng năm 2012, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật giao trách nhiệm cho FAA đến tháng 9.2015 xây dựng hệ thống pháp quy đưa UAV thương mại vào hệ thống giao thông đường không Mỹ. Có nghĩa là cấp biển số cho các UAV. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có 15.000 UAV được bay ở Mỹ, và đến 2030 sẽ là 30.000 chiếc.
Lực lượng không quân Mỹ đến năm 2010 có 41% là UAV trong tổng số các phương tiện bay. Năm 2011, Không quân Mỹ tiếp nhận 300 trắc thủ - phi công UAV nhưng chỉ tiếp nhận có 250 phi công F-16. Theo thống kê của Brookings Institution, Không quân Mỹ có khoảng 1.300 trắc thủ điều khiển UAV (8,5% tổng số phi công) và sẽ là 1.750 vào năm 2017.
Tháng 12/2012 ông John Henry Hoeven, Thượng nghị sĩ Mỹ từ Bắc Dakota, trong cuộc họp đặc biệt chuyên đề UAV, đã nói: "Lực lượng vũ trang Mỹ sử dụng UAV trên toàn thế giới, chúng ta đang dẫn đầu trong công nghệ chế tạo UAV và chúng ta cần phải tiếp tục. Đây là vấn đề an ninh quốc gia và cũng là vấn đề thêm nhiều chỗ làm việc…Chúng ta kiên quyết phát triển công nghệ và hệ thống để trong tương lai sao cho có thể sử dụng UAV đồng thời cùng với hàng không thương mại, vận tải và đa dụng. Đấy là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm duy trì quyền lãnh đạo của nước Mỹ".