Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

U80 tại Mỹ vẫn ‘nghiện’ đầu tư chứng khoán

Đây là thế hệ nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, giữ vững niềm tin cổ phiếu là kênh an toàn, nơi duy nhất giúp thu lợi nhuận khủng.

Khảo sát của Gallup vào tháng 4 cho thấy gần 2/3 người Mỹ độ tuổi từ 65 trở lên sở hữu cổ phiếu dưới nhiều hình thức như mua trực tiếp, quỹ tương hỗ hoặc tài khoản tiết kiệm hưu trí.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tỷ lệ nắm giữ chỉ khoảng 50%.

Tin rằng cổ phiếu là kênh đầu tư an toàn

Chuyên gia tài chính thường khuyên nhà đầu tư lớn tuổi chuyển tài sản rủi ro như cổ phiếu sang các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu.

Nhưng nhiều nhà đầu tư đã từ bỏ quy tắc phân bổ vốn lạc hậu này vì trong thập kỷ qua, thị trường chứng khoán là nơi duy nhất thu được lợi nhuận khủng trong bối cảnh lãi suất trừ lạm phát gần như bằng 0.

Theo dữ liệu thị trường của Dow Jones, từ khi chứng khoán Mỹ chạm đáy vào tháng 3/2009, S&P 500 ghi nhận tổng lợi nhuận hơn 700%, vượt trội so với tỷ suất sinh lời khoảng 46% của trái phiếu trong cùng kỳ.

Ngay cả khi lãi suất tăng cao vào năm ngoái giúp trái phiếu và tiền mặt hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư lớn tuổi tại Mỹ vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ thị trường chứng khoán.

chung khoan anh 1

Giới đầu tư lớn tuổi tại Mỹ chưa từ bỏ cổ phiếu, thậm chí coi đây là kênh trú ẩn an toàn. Ảnh: Investopedia.

“Hiệu ứng sợ bỏ lỡ (còn gọi là FOMO) đang xảy ra, khi tôi luôn thường trực nỗi sợ sẽ bỏ lỡ lợi nhuận đầu tư”, ông Shan Bhattacharya (76 tuổi) nói.

Phần lớn khoản đầu tư của ông Bhattacharya là vào cổ phiếu. Một phần danh mục cho cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao như Adobe, Apple và Nvidia. Ông Bhattacharya vẫn có lương hưu và trợ cấp nhưng thu nhập từ đầu tư giúp chi tiêu thoải mái và theo kịp lạm phát.

Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy thế hệ người già tại Mỹ (còn gọi là baby boomer) tính đến cuối năm 2022 nắm giữ 56% tài sản trong các quỹ tương hỗ và cổ phiếu của các hộ gia đình.

Theo nghiên cứu của giáo sư tài chính Ulrike Malmendier và Stefan Nagel, nhà đầu tư lớn tuổi thu được khoản lợi nhuận cao từ thị trường chứng khoán có khả năng chịu rủi ro tài chính tốt và sẵn sàng tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Gina Bolvin, Chủ tịch của Bolvin Wealth Management Group nhận định: “Thế hệ baby boomer vẫn tin rằng cổ phiếu là kênh đầu tư an toàn”.

Một thế hệ hưởng lợi từ chứng khoán

Sinh ra đúng vào thời kỳ kinh tế Mỹ bùng nổ, thế hệ baby boomers sở hữu nhiều cổ phiếu hơn thế hệ silent - những người đã phải trải qua cuộc đại suy thoái.

Nhiều người thuộc thế hệ baby boomers bắt đầu đầu tư vào khoảng những năm 1980, trong giai đoạn thị trường chứng khoán thành công.

Không những thế, họ cũng chứng kiến ​​​​các vụ sụp đổ lớn của thị trường. Có thể kể tới thứ Hai đen tối năm 1987, bong bóng dotcom năm 2000, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bùng phát của đại dịch Covid-19. Sau những sự kiện này, chứng khoán luôn phục hồi và tăng cao hơn.

chung khoan anh 2

Sau các đợt khủng hoảng kinh tế, thị trường cổ phiếu lại càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Ảnh: Vectorvest.

Thế hệ baby boomer gia nhập thị trường chứng khoán cũng trùng hợp với sự gia tăng của các quỹ chỉ số, cung cấp các lựa chọn đầu tư thụ động, đa dạng hơn. Quỹ chỉ số đầu tiên trên thế giới Vanguard 500 ra mắt năm 1976. Còn quỹ ETF đầu tiên SPDR S&P 500 ETF ra mắt năm 1993.

Sự trỗi dậy của các công ty môi giới như Charles Schwab trong những năm 1980 cũng khiến việc mua cổ phiếu trở nên rẻ và dễ dàng hơn.

Mỗi ngày, ông Minh Tu (65 tuổi) đều đến thư viện để đọc thông tin thị trường cổ phiếu của phiên hôm trước trên tờ The Wall Street Journal. Ông bắt đầu đầu tư nghiêm túc sau khi bị sa thải vào năm 2000. Thời điểm đó, Internet khiến việc nghiên cứu thị trường và giao dịch cổ phiếu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Những năm gần đây, ông tập trung vào các cổ phiếu hàng hóa trả cổ tức hấp dẫn để có thu nhập khi về hưu. Đã từng trải qua thời kỳ lạm phát cao đầu những năm 1980, ông thích đầu tư vào cổ phiếu thay vì đầu tư vào những tài sản tương đương tiền mặt.

“Đầu tư vào thị trường chứng khoán nhiều rủi ro, nhưng lạm phát có thể ăn mòn tài sản rất nhanh. Tôi chỉ cố gắng tiết kiệm tiền của mình càng nhiều càng tốt”, ông nói.

Trong khi đó, Henry Robitaille (79 tuổi) - giáo sư đã nghỉ hưu - cần kiếm 45.000-50.000 USD mỗi năm từ thị trường chứng khoán để đủ tiền chi tiêu sinh hoạt và đi khắp đất nước thăm các cháu.

Danh mục của Robitaille tập trung vào các cổ phiếu chi trả lợi tức hậu hĩnh, các công ty bluechip và cổ phiếu công nghệ. “Tôi tin tưởng vào cổ phiếu công nghệ, vì đó là những gì thay đổi tương lai”, Robitaille nói.

Còn Bhattacharya, người đã nghỉ hưu hiện sống ở vịnh San Francisco sử dụng số tiền kiếm được từ cổ phiếu trả nợ thế chấp, tiết kiệm để dùng khi về già và nuôi con trai học đại học.

“Khi đầu tư, bạn sẽ có lúc được lúc mất. Bạn mất tiền rồi sau đó lại kiếm được tiền. Trên hành trình đó bạn cũng thu được rất nhiều bài học”, ông nói.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Ấn Độ cứu châu Âu khỏi một 'bàn thua' khi mua dầu của Nga

Khi Nga bị phương Tây cô lập, Ấn Độ nhiều lần khẳng định sẽ không quay lưng với dầu Nga vì lợi ích quốc gia. Thế nhưng, việc làm này cũng mang lại lợi ích cho nhiều nước châu Âu.

Tiền bị 'hao hụt' khi chi tiêu ở các thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ

Tại thành phố New York, số tiền 250.000 USD sẽ chỉ có sức mua thực tế tương đương với 82.421 USD do mức thuế và chi phí sinh hoạt tại đây đều rất cao.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm