Rõ ràng, sự ăn ý và khả năng ra quyết định ở trạng thái tấn công sẽ là yếu tố mang tính quyết định, ảnh hưởng lớn tới thành tích của đội chủ nhà.
Tính toán của HLV Park
Từ thời điểm danh sách 20 cái tên tham dự SEA Games 31 được HLV Park Hang-seo công bố, không ít người đã có thể nhìn thấy toan tính của vị chiến lược gia người Hàn Quốc.
Bản danh sách có tới 7 cái tên với sở trường ở vị trí tiền vệ trung tâm, 4 tiền đạo cắm đúng nghĩa và chỉ duy nhất một cầu thủ đang được sử dụng trong vai trò tiền vệ biên ở cấp độ CLB là Lê Văn Đô, người được HLV Park kéo xuống chơi ở vị trí wing-back.
Từ bộ khung đội hình của lứa cầu thủ sinh sau năm 1999 tới cách HLV Park lựa chọn ba cái tên ở độ tuổi ngoài 23, có thể thấy ban huấn luyện của đội tuyển đã cố định một hệ thống chiến thuật duy nhất xuyên suốt hành trình SEA Games.
Những tiền đạo và tiền vệ trung tâm chất lượng nhất được giữ lại nhằm phục vụ cho sơ đồ 3-5-2, trong bối cảnh chúng ta không có được các tiền vệ tấn công biên đủ chất lượng.
Với một trục giữa chất lượng từ vị trí của ba trung vệ, ba tiền vệ trung tâm và hai tiền đạo, U23 Việt Nam đủ khả năng tạo ra sự áp đặt lên đối phương, hạn chế các tình huống tấn công bằng sức mạnh thể chất ở khu trung tuyến. Không khó để nhận thấy sự thắng thế của đội chủ nhà trước các đối thủ ở khả năng tranh chấp và cầm nhịp, điều chắc hẳn đã nằm trong những tính toán của HLV Park Hang-seo.
Sơ đồ 3-5-2 được lựa chọn cho U23 Việt Nam. |
Bên cạnh khả năng kiểm soát khu vực trung tuyến, vị trí của hai cầu thủ chạy cánh cũng là điểm nhấn chiến thuật của U23 Việt Nam tại vòng bảng. |
Tuy nhiên, vấn đề ở 1/3 cuối sân vẫn là điều khiến màn trình diễn của U23 Việt Nam tại vòng bảng chưa thực sự hoàn hảo.
Thành bại tại hai wing-back
Tập trung quân số lớn ở khu trung lộ đồng nghĩa việc thời cơ xử lý bóng cho các cầu thủ chơi ở vị trí wing-back là lớn hơn trong cách vận hành hệ thống 3-5-2. Không bất ngờ khi đây là vị trí đã được HLV Park Hang-seo thay đổi nhiều nhất và đồng thời là vị trí mang đến nhiều thời cơ ăn bàn nhất cho U23 Việt Nam sau vòng bảng.
6 tình huống dẫn tới bàn thắng của U23 Việt Nam tại vòng bảng. |
Lê Văn Đô và Lê Văn Xuân, hai cầu thủ chơi wing-back được HLV Park Hang-seo tin tưởng nhất đã góp dấu giày vào 5 trong 6 bàn của đội chủ nhà. Một điều đặc biệt là cả hai cầu thủ này đều có khả năng chơi ở cả hai biên, điều khiến HLV Park Hang-seo liên tục đưa ra những sự điều chỉnh trong trận đấu.
U23 Việt Nam không thể ghi bàn trong hiệp 1 ở cả 4 trận đã qua tại vòng bảng và cũng thật trùng hợp khi trong cả 4 trận, chiến lược gia người Hàn Quốc đều tạo ra những sự điều chỉnh ở hai vị trí wing-back sau giờ nghỉ. Hệ quả, 3 trong 4 trận ấy, chúng ta có những bàn thắng sau những thay đổi.
Thời lượng thi đấu của các cầu thủ ở vị trí wing-back lệch trái. |
Thời lượng thi đấu của các cầu thủ ở vị trí wing-back lệch phải. |
Sau những gì đã diễn ra tại vòng bảng, có thể thấy cả Văn Đô và Văn Xuân đều có vai trò quan trọng trong việc tạo ra những cơ hội ăn bàn của U23 Việt Nam.
Nếu như Văn Xuân sở hữu một nền tảng thể lực và sức mạnh tuyệt vời cùng khả năng đưa bóng vào khu vực vòng cấm địa bằng cả hai chân gọn gàng thì Văn Đô cũng đang dần hoàn thiện mình qua từng trận đấu. Từ việc chưa thể làm quen với hành lang cánh phải, cầu thủ thuộc biên chế CLB Phố Hiến đã bắt đầu có những tình huống thoát xuống đáy biên và thực hiện những tình huống trả ngược tuyến hai dựa trên nền tảng kỹ thuật cá nhân tốt của mình.
Văn Đô với sở trường là các tình huống đi bóng từ ngoài hành lang cánh trái vào trung lộ. |
Số 7 đã dần làm quen với vị trí wing-back lệch phải. |
Văn Xuân có khả năng đưa bóng vào vùng cấm địa tốt bằng cả hai chân. |
Không có nhiều thay đổi về nhân sự khi bộ khung đội hình đã được định hình nhưng có thể nói tính đa năng của Văn Đô và Văn Xuân mang tới là sự đa dạng cho U23 Việt Nam ở những trận đấu quyết định việc tranh chấp huy chương.
Đặt trọn khả năng sáng tạo vào hai cầu thủ lần đầu tiên tham dự SEA Games có thể là một canh bạc với HLV Park Hang-seo. Nhưng qua từng trận đấu, cặp wing-back trưởng thành từ lò đào tạo PVF đang có những tiến bộ nhất định ở chất lượng các đường chuyền trong khu vực 1/3 cuối sân.
Một bài toán nhỏ dành cho HLV Park Hang-seo sẽ là việc sắp xếp nhân sự ở khu vực trung tuyến để tạo ra sự hỗ trợ tốt nhất cho cặp đôi này. Cả Huỳnh Công Đến và Lý Công Hoàng Anh đều đã thể hiện không tồi khi được sử dụng và cả hai đã tạo ra những dấu ấn khác nhau mỗi khi có mặt trên sân.
Nếu như Công Đến có sự đa dạng về mặt vị trí khi vừa có thể chơi như một tiền vệ tấn công, vừa có khả năng chọn vị trí lùi sâu để giúp Hoàng Đức và Hùng Dũng đẩy cao lên phía trước thì Hoàng Anh với sức mạnh và sự càn lướt của mình ở hành lang cánh sẽ trực tiếp giảm nhẹ gánh nặng cho các cầu thủ chơi biên.
Huỳnh Công Đến có tầm hoạt động rộng và cơ động mỗi khi có mặt. |
Hoàng Anh mạnh trong các tình huống xâm nhập với sức mạnh. |
Tiền vệ của Topenland Bình Định có xu hướng hoạt động rộng ra hai hành lang cánh. |
Khai thác điểm yếu của U23 Malaysia
Xếp sau U23 Thái Lan ở bảng B dù đã có chiến thắng trực tiếp trước đối thủ này, hành trình ở vòng bảng của U23 Malaysia có thể nói là không trọn vẹn. Đội bóng của HLV Bradley Maloney để thủng lưới ở cả 4 trận với những vấn đề hiện hữu trong khả năng hạn chế cơ hội ghi bàn của đối phương.
Hiếm khi người hâm mộ thấy được một ĐTQG Malaysia sử dụng hệ thống gồm 3 trung vệ và nó dường như đang trở thành một trong những điểm yếu lớn nhất mà đội bóng của HLV Maloney gặp phải, đặc biệt ở khả năng duy trì vị trí của hàng hậu vệ.
Hai lỗi cơ bản mà hàng ngang phòng ngự 5 người của U23 Malaysia gặp phải là việc họ không thể kiểm soát, duy trì được sự đồng bộ trong cách di chuyển ngang hàng của nhóm 5 cầu thủ. Xa hơn, một khi họ đủ tập trung để làm điều đó thì khả năng phán đoán tình huống và phản xạ để kiểm soát các khoảng trống sau lưng lại hoàn toàn bị động. Ngay cả những đội bóng yếu như U23 Singapore hay U23 Lào cũng đủ sức tạo ra những cơ hội mười mươi chính diện với khung thành U23 Malaysia.
Tổ chức xộc xệch của hàng phòng ngự 5 người U23 Malaysia. |
Khả năng đọc tình huống và phản xạ theo hướng bóng là rất bị động. |
Đó sẽ là cơ hội không thể tốt hơn để U23 Việt Nam khai thác với phương án tấn công chủ đạo từ những wing-back. Cả Văn Xuân và Văn Đô đều đủ khả năng thực hiện những tình huống tạt bóng chất lượng để tận dụng khả năng chơi đầu của bất cứ ai trong 4 tiền đạo hiện tại của HLV Park Hang-seo.
Khả năng tạt bóng ấn tượng của Văn Xuân. |
Với nền tảng chắc chắn từ trục giữa sân, hy vọng đôi cánh của U23 Việt Nam là Lê Văn Xuân và Lê Văn Đô sẽ đạt được trạng thái phong độ tốt nhất và sự thoải mái trong lối chơi để giúp U23 Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu bảo vệ tấm huy chương vàng tại kỳ SEA Games lần này trong bối cảnh đối thủ không được đánh giá quá cao.