Hôm 7/9, trong lúc chuẩn bị cho U22 Việt Nam tập luyện trước thềm trận đấu với Trung Quốc, HLV Park Hang-seo đã có cuộc gặp đầy cảm xúc với HLV Guus Hiddink. Đứng trên sân vận động, bên cạnh những băng ghế huấn luyện, những ký ức “như mới ngày hôm qua” ùa về khiến ông Park không khỏi xúc động.
HLV Park tái ngộ Guus Hiddink. Ảnh: VFF. |
Ông Park Hang-seo rơi lệ
17 năm về trước, HLV Park được điền tên trong ban huấn luyện tuyển Hàn Quốc chuẩn bị cho vòng chung kết World Cup 2002. Đây mới là lần đầu tiên, ông tham gia huấn luyện đội bóng đỉnh cao từ khi giải nghệ năm 1988. Ông Park khi đó 43 tuổi, chỉ là trợ lý trong đội ngũ dưới quyền Guus Hiddink.
Với ông Park Hang-seo, Guus Hiddink chẳng khác nào người thầy đầu tiên của ông trong công việc huấn luyện. HLV trưởng tuyển Việt Nam và U22 Việt Nam thừa nhận: “HLV Guus Hiddink ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của tôi”. Trong dịp gặp lại nhà cầm quân người Hàn Quốc ngày 7/9, ông Park đã rơi lệ.
Tại World Cup năm ấy, HLV Hiddink cùng ông Park và các cộng sự khác đã trải qua nhiều thăng trầm trong hành trình đưa Hàn Quốc cán đích ở hạng 4 thế giới, mốc son trong lịch sử bóng đá châu lục. Ngay sau đó, ông Hiddink đột ngột chia tay bóng đá Hàn Quốc.
Quãng thời gian làm việc cùng nhau ngắn, nhưng lại giúp ông Park học được nhiều thứ khi xây dựng triết lý bóng đá cho riêng mình. Triết lý ấy được ông áp dụng ở mỗi đội bóng mình từng đặt chân đến, nhưng chỉ khi tới Việt Nam, ông mới thực sự gặt hái được thành công.
HLV Park không được nhiều người biết đến trước khi sang Việt Nam. |
Vị thế giờ đã khác
17 năm sau World Cup 2002, ông Park và Hiddink sắp sửa có lần đầu tiên đối đầu với tư cách HLV trưởng của 2 đội tuyển trẻ. Những con người của quá khứ vẫn còn đó, nhưng hoàn cảnh giờ đã đổi thay.
Báo chí Hàn Quốc từng tiết lộ ông Park gần như “vô danh” khi làm việc dưới quyền HLV Guus Hiddink ở đội tuyển Hàn Quốc. Họ tin Pim Verbeek (trợ lý người Hà Lan) mới là cánh tay phải của Hiddink.
“Ông Park khi đó chỉ là trợ lý rất bình thường trong đội ngũ huấn luyện tuyển Hàn Quốc”, nhà báo kỳ cựu Hong Jae-min, người sáng lập FourFourTwo Hàn Quốc chia sẻ với phóng viên Zing.vn.
“Thời bấy giờ, người ta không quan tâm nhiều đến các trợ lý của huấn luyện viên trưởng. Mỗi trợ lý của tuyển Hàn Quốc có nhiệm vụ và vai trò riêng, người hâm mộ chỉ biết đến ông Park khi ông ấy nắm quyền ở ASIAD 2002, nhưng giờ đây mọi thứ đã khác”, nhà báo này tiếp tục.
Kể từ đầu năm 2018, sự nghiệp và danh tiếng của thầy Park lan tới gần như khắp châu Á sau hàng loạt bước nhảy vọt thần kỳ của đội tuyển Việt Nam. Cái tên Park Hang-seo được người ta nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam, xuất hiện trên khắp các mặt báo thể thao của truyền thông Hàn Quốc.
Ở chiều ngược lại, Hiddink đã qua thời đỉnh cao. Dù sở hữu hàng loạt danh hiệu đồ sộ với bóng đá châu Âu, HLV người Hà Lan vẫn chưa thể tìm thấy vinh quang cho mình ở đấu trường châu Á kể từ sau World Cup 2002.
Đội hình mạnh nhất của U22 Việt Nam đấu U22 Trung Quốc. Đồ hoạ: Minh Phúc. |
Đi tìm nhân tố mới cho SEA Games và U23 châu Á
Về mặt chuyên môn, trận giao hữu với tuyển U22 Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng với U22 Việt Nam trong phần còn lại của năm 2019 và đầu 2020. Ông Park cần tìm ra những nhân tố mới để cùng với bộ khung Quang Hải, Tiến Dũng hình thành nên lực lượng đủ mạnh cho SEA Games 2019 và xa hơn là vòng chung kết U23 châu Á 2020.
HLV Park Hang-seo không đặt quá nặng chuyện thắng thua, bởi đây chỉ là trận đấu giao hữu, nơi ông cần kiểm chứng các phép thử cho tương lai. Ban tổ chức trận đấu phía Trung Quốc mới đây cũng chấp nhận yêu cầu thay 11 người đến từ phía U22 Việt Nam, điều này giúp ông Park có cơ hội thử nghiệm gần như toàn bộ cái tên trong danh sách triệu tập.
Đấu U22 Trung Quốc là cơ hội tuyệt vời để các cầu thủ cọ xát, làm quen và hình thành tư duy chơi bóng khi đối đầu với dàn cầu thủ vượt trội về thể hình trong tương lai. Trước trận đấu với thầy trò ông Park Hang-seo, U22 Trung Quốc giành kết quả hoà chật vật trước U22 CHDCND Triều Tiên.
U22 Trung Quốc cũng có nhiều việc cần làm. Đã bổ nhiệm Hiddink, họ không thể thỏa mãn với các mục tiêu thông thường. Olympic kế tiếp diễn ra ngay tại nước láng giềng Nhật Bản cũng là giấc mơ mà họ nhắm tới.
Vì Park và Hiddink và mục tiêu Olympic của hai nền bóng đá, cuộc đối đầu lúc 17h chắc chắn rất đáng xem.
Người trong cuộc nói gì trước trận?
- HLV Park Hang-seo chia sẻ: “U22 Việt Nam đang chuẩn bị cho SEA Games 30, sau đó là U23 châu Á 2020. Với chúng tôi, trận giao hữu là cơ hội tốt để kiểm tra năng lực của tất cả cầu thủ. Trận đấu này sẽ bổ ích vì U22 Trung Quốc là tập thể có trình độ và thể lực tốt. Tôi sẽ đánh giá kỹ các học trò”.
- HLV Guus Hiddink nói: “Các cầu thủ phải cạnh tranh để có được suất đá chính. Tôi gọi tới 30 cầu thủ dịp tập trung này. Cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, và đương nhiên chúng tôi muốn thắng ngay cả khi chỉ đá giao hữu”.
Trận giao hữu giữa U22 Việt Nam và U22 Trung Quốc sẽ diễn ra lúc 17h ngày 8/9 tại sân Huangshi Olympics Sport Center, Vũ Hán, Trung Quốc.