Chiến thắng 2-1 theo thế lội ngược dòng trước Philippines không thể là kết quả ấn tượng, nhất là khi nhìn vào việc đối thủ có thành phần chỉ toàn sinh viên chơi bóng, cùng một số ít đá tại giải vô địch quốc gia Philippines vốn không được đánh giá cao.
U22 Việt Nam chơi thiếu ấn tượng trước U22 Philippines bị đánh giá yếu hơn và chỉ có thể giành chiến thắng với tỷ số 2-1. Ảnh: Ngọc Anh. |
U22 Việt Nam còn thiếu gì?
Trước Philippines, U22 Việt Nam đã chơi tấn công thiếu sắc bén. Những phương án tiếp cận khung thành của thầy trò Nguyễn Quốc Tuấn tỏ ra đơn giản và dễ đoán. Bóng thường xuyên được đưa ra cánh trước khi đẩy vào trung lộ nhờ những đường bóng dài. Trong hiệp 1, có rất ít tình huống cầu thủ U22 Việt Nam phối hợp bóng sệt trên mặt sân để tiếp cận khung thành đối thủ.
U22 Philippines cho thấy họ không phải đội bóng có sự tổ chức quá tốt khi chỉ biết chơi co cụm trong phần lớn thời gian. Nếu không có những miếng tấn công sắc sảo, việc xuyên thủng mảnh lưới Philippines chỉ bằng các tình huống treo bóng vào vùng cấm là điều không thể.
Ngay cả trong những biến số xảy ra rất tự nhiên là khi thủ thành Philippines mắc sai lầm trong việc chọn vị trí, Lê Xuân Tú hay Trần Bảo Toàn cũng dứt điểm ra ngoài.
Có hai góc nhìn nên được nhìn nhận từ kết quả này. Đầu tiên là U22 Việt Nam đã chơi không tốt thật và tỏ ra thiếu tự tin lẫn quyết đoán trong những pha bóng quyết định. Chỉ tới khi những thay đổi được HLV Nguyễn Quốc Tuấn đưa ra sau khi chúng ta bị dẫn bàn (Trần Danh Trung và Lê Minh Bình vào sân), mọi thứ mới đổi khác.
U22 Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trước U22 Philippines. Ảnh: Ngọc Anh. |
Những pha bóng sệt diễn ra thường xuyên hơn, bóng được đẩy vào trung lộ nhiều và hành lang trong nhiều hơn thay vì khu vực hai biên. Cũng nhờ sức ép từ những tình huống triển khai bài bản này, U22 Việt Nam đã có 2 bàn liên tiếp chỉ trong 4 phút để lội ngược dòng thành công.
Thứ hai là yếu tố sân bãi cùng thời tiết ảnh hưởng ít nhiều tới U22 Việt Nam. Mặt cỏ nhân tạo cùng nhiệt độ từ 30-35 độ C tại Phnom Penh khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn mức bình thường. Bản thân ông Tuấn cũng chia sẻ điều này trong phòng họp báo khi khẳng định mặt sân cỏ nhân tạo, hấp hơi càng "khiến học trò của tôi kiệt sức".
Góc nhìn đầu tiên sẽ đưa ra những giải pháp rất rõ cho thầy trò Nguyễn Quốc Tuấn trong các trận đấu tới, hãy chơi bóng một cách đa dạng hơn, cố gắng đưa bóng vào khu vực hành lang trong vào trung lộ (nơi được coi là khu vực lý tưởng để tạo ra bàn thắng) thay vì chỉ chơi bóng bổng từ hai đường biên.
Góc nhìn thứ hai sẽ đặt ra thử thách buộc phải chinh phục cho thầy trò Nguyễn Quốc Tuấn trong phần còn lại của giải đấu, hãy làm quen với điều kiện khắc nghiệt này. Vì ít nhất là ở lượt đấu cuối cùng của vòng bảng, U22 Việt Nam sẽ một lần nữa phải chơi bóng dưới điều kiện nhiệt độ nắng nóng như thế, ở một sân vận động như thế.
Chỉ khác, đối thủ sẽ mạnh hơn U22 Philippines nhiều lần: U22 Thái Lan.
U22 Việt Nam cần làm quen với nhiệt độ khắc nghiệt tại Phnom Penh (Campuchia). Ảnh: Ngọc Anh. |
Hãy chọn góc nhìn phù hợp
Có khá nhiều yếu tố khách quan đã ảnh hưởng một cách trực tiếp tới U22 Việt Nam. Và việc thầy trò Nguyễn Quốc Tuấn chơi thiếu ấn tượng trước U22 Philippines có thể coi là hệ quả cho điều đó.
Đầu tiên là nhân sự. Trong trận đấu giao hữu kết thúc với tỷ số hòa 0-0 với CLB Ulsan vào hôm 26/1 tại sân Hàng Đẫy, U22 Việt Nam đã thể hiện bộ mặt tích cực trong hiệp 2 trước đối thủ đứng thứ 3 tại K.League mùa trước và khi đó đã sử dụng những hảo thủ tới từ Brazil hay Mỹ trên sân. Đó là thời điểm U22 Việt Nam mới chỉ tập trung được vỏn vẹn 10 ngày, và sự gắn kết vẫn chưa thực sự chặt chẽ.
Bùi Tiến Dụng cùng đồng đội có chiến thắng tối thiểu ở trận ra quân tại giải U22 Đông Nam Á. Ảnh: Ngọc Anh. |
So với trận hòa trước đội Ulsan, U22 Việt Nam lội ngược dòng trước Philippines không còn Đinh Thanh Bình vì tiền đạo này bị gọi về phục vụ CLB Viettel. Đinh Thanh Bình là nhân tố cuối cùng mà HLV Park Hang-seo loại khỏi đội hình ĐT Việt Nam tham dự Asian Cup 2019.
Khả năng của Đinh Thanh Bình đã được khẳng định và việc thiếu vắng tiền đạo này là thiệt thòi lớn của U22 Việt Nam tại giải lần này. Bên cạnh Đinh Thanh Bình, còn 2 cầu thủ khác cũng bị CLB Viettel gọi về là Trương Tiến Anh và Nhâm Mạnh Dũng. Cả hai cũng đều được đánh giá cao.
Lương Hoàng Nam của HAGL và Bùi Tiến Dụng của Đà Nẵng có trong danh sách, đều không ra sân trước U22 Philippines. Việc không có trên sân nhiều quân bài có chất lượng đã được khẳng định là nguyên nhân khiến U22 Việt Nam thiếu đi chất lượng ở những pha bóng phía cuối sân đối thủ.
5 trong 11 cầu thủ có mặt trên sân National Olympic tại Phnom Penh (Campuchia) chỉ trên dưới 20 tuổi. Kinh nghiệm rõ ràng là điểm yếu của U22 Việt Nam. Bản thân HLV Quốc Tuấn trong bài trả lời phỏng vấn hôm 30/1 cũng khẳng định rằng việc lựa chọn lứa cầu thủ U20 thi đấu tại giải U22 Đông Nam Á sẽ khiến U22 Việt Nam “gặp bất lợi khi đối đầu với những đối thủ lớn hơn”.
Chiến thắng trước U22 Philippines vẫn giúp U22 Việt Nam đi đúng đường tại giải U22 Đông Nam Á. Ảnh: Ngọc Anh. |
Thứ hai là thời gian luyện tập. Kỳ nghỉ Tết kéo dài 5 ngày đã thay đổi ít nhiều nhịp độ luyện tập của các cầu thủ. Sự thiếu gắn kết trong hiệp 1 của U22 Việt Nam đã thể hiện rõ điều đó. Chỉ đến khi sức ép được tạo ra, những đôi chân U22 Việt Nam mới dần vào nhịp và dẫn lối tới chiến thắng.
U22 Việt Nam đã chơi không tốt trước U22 Philippines. Nhưng nhìn ra sự thật đó cũng là để thông cảm và thấy may mắn cho thầy trò Nguyễn Quốc Tuấn. Chiến thắng vẫn sẽ mang trọn vẹn ý nghĩa tích cực như cái tên của nó.
Việc nhìn lại những điều chưa được lúc này sẽ là bản lề để lứa cầu thủ này tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong phần còn lại của giải U22 Đông Nam Á, và xa hơn là vòng loại U23 châu Á.
U22 Việt Nam đang tạm xếp trên U22 Thái Lan sau lượt thi đấu đầu tiên tại bảng A U22 Đông Nam Á. Đồ họa: Minh Phúc. |