Công Phượng cùng đồng đội đã thành công ở một giải đấu giao hữu chứ không phải chính thức. |
Từng khoác áo HAGL trong thời kỳ hoàng kim của đội bóng phố núi, Mạnh Dũng chia sẻ suy nghĩ của anh về bầu Đức: “Đam mê bóng đá của anh Đức vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Tôi nghĩ giờ anh cũng yêu quý lứa cầu thủ khóa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG không khác gì thế hệ chúng tôi trước đây trong thời kỳ hoàng kim của HAGL cách nay gần một thập kỷ với 2 chức vô địch V.League”.
Chính vì tình yêu lớn đến thế của bầu Đức nên mỗi thành công dù nhỏ của “đứa con tinh thần” cũng mang đến cảm giác sung sướng và hân hoan có phần dễ dãi. Mạnh Dũng phát biểu một cách thẳng thắn về danh hiệu đầu tiên của U19 HAGL: “Người ta bỏ 10 đồng, nếu giỏi phải sinh 3, sinh 4. Nhưng tôi đánh giá lứa cầu thủ U19 của Học viện HAGL Arsenal JMG mới chỉ kiếm lãi được mấy hào, nếu đối chiếu với rất nhiều công sức và tiền bạc bầu Đức đã đầu tư suốt 7 năm qua”.
Thất bại nặng nề tại Vòng chung kết U19 châu Á của U19 Việt Nam là ví dụ về sự khác biệt giữa một giải đấu chính thức so với một giải đấu giao hữu. |
Thứ nhất, giải 21 quốc tế báo Thanh Niên chỉ là một giải giao hữu trong khi Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội đã thất bại toàn tập ở những giải đấu chính thức trước đó. Mạnh Dũng phân tích: “Tôi không nghĩ các đội tuyển như U21 Thái Lan hay U21 Malaysia cử đội hình chính sang tham dự. Bóng đá Thái Lan đang hướng đến mục tiêu Olympic và vươn tầm châu lục nên đội U21 của họ sẽ không đánh đổi kế hoạch tập huấn vì những giải như U21 quốc tế.
Xem U21 Thái Lan thi đấu tại giải, tôi thấy nghi ngờ về việc liệu đây có phải là đội bóng được tập hợp từ các trường trung học của họ. Cần nhắc lại rằng người Thái đang là đương kim vô địch SEA Games”.
Thứ hai, theo Mạnh Dũng, việc U19 HAGL được tung hô và ngợi ca suốt thời gian dài vừa qua chủ yếu xuất phát từ tâm lý sính ngoại của bóng đá Việt Nam nói riêng và tâm lý người Việt Nam nói chung. Anh chia sẻ: “Đồng ý rằng các cầu thủ được đào tạo rất bài bản nhưng thử hỏi đã ai trong số họ đủ trình độ đứng vào hàng ngũ đội tuyển Olympic và đội tuyển Việt Nam. Thế hệ chúng tôi ngày xưa, 19, 20 tuổi lên tuyển là chuyện hết sức bình thường.
Các cầu thủ mới đá được vài trận coi được mắt kèm thêm cái mác Arsenal dính vào, thế là đã trở thành cơn sốt. Nhưng nếu tỉnh táo, phải hiểu là lò đào tạo và quy trình đào tạo của Arsenal không được đánh giá cao ở châu Âu. Họ không đào tạo được cầu thủ lớn nào những năm qua và thường xuyên phải đi mua tài năng”.
Chức vô địch đầu tiên của U19 HAGL chủ yếu có ý nghĩa với thương hiệu của bầu Đức nhiều hơn giá trị chuyên môn. |
Cựu trung vệ Thể Công và đội tuyển Việt Nam cho rằng nếu được ca ngợi bằng những mỹ từ như “đẳng cấp” hay “Messi, Modric của Việt Nam”… đáng nhẽ các cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG phải làm được nhiều điều hơn thế.
Mạnh Dũng nhắc lại những ký ức về chức vô địch AFF Cup 2008, Tiger Cup 1998 hay xa hơn nữa là kỷ niệm về những năm tháng hào hùng của thân phụ anh là trung vệ Nguyễn Trọng Giáp cùng đồng đội trong màu áo Thể Công hào hùng. “Tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà nhiều người cũng đồng ý rằng họ sẽ chỉ cảm thấy thỏa mãn nếu U19 HAGL hay U19 Việt Nam xác lập được những chiến tích như vậy. Còn bây giờ, họ dẫu sao cũng chỉ là một đội bóng trẻ, chơi thứ bóng đá biểu diễn ở tầm giao hữu”.
Cựu trung vệ Thể Công Nguyễn Mạnh Dũng trong màu áo đội tuyển Việt Nam. |
Chính vì vậy, cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng đánh giá chức vô địch đầu tiên của lứa cầu thủ khóa 1 Học viện HAGL Arsenal JMG chủ yếu có ý nghĩa với tên tuổi của bầu Đức và doanh nghiệp của ông nhiều hơn là giá trị về mặt chuyên môn của các cầu thủ.