Sau 25 năm độc tôn về danh sách tỷ phú thế giới, năm 2012, Forbes lần đầu gặp đối thủ là Bloomberg khi tạp chí điện tử này cũng tạo ra một danh sách người giàu nhất thế giới. Sau đó, năm 2013, Wealth-X kết hợp với ngân hàng UBS lần đầu đưa ra bản đồ tỷ phú và triệu phú thế giới, có cập nhật số liệu thu thập từ năm 2010. Từ đây, 3 hệ thống đánh giá tài sản của những người giàu nhất thế giới tồn tại song song, nhưng chưa từng thống nhất về phương pháp, cũng như kết quả.
Với Forbes, việc định giá tài sản của các cá nhân trong danh sách dựa chủ yếu vào cổ phiếu trong các công ty, bất động sản, tiền mặt ngân hàng, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ hiện hữu. Tất cả số liệu được chốt vào ngày 14/2 hàng năm. Nhằm giảm thiểu sai sót, Forbes thậm chí đã phỏng vấn cả nhân viên kế toán, các chuyên gia cố vấn, luật sư, hoặc ngân hàng, công ty tài chính và chính những tỷ phú để có nguồn dữ liệu dồi dào.
Năm 2015 đánh dấu một trong những bước nhảy vọt về tài sản của doanh nhân Hoàng Kiều khi ông dẫn đầu danh sách những tỷ phú mới lọt top 400 người giàu nhất của Forbes. Ảnh: Forbes. |
Thống kê của Bloomberg cũng dựa trên các tiêu chí tương tự, trong đó, đề cao tới thị giá cổ phiếu của các doanh nhân theo mức chốt phiên vào lúc 17h30 (theo giờ Mỹ) và có quy đổi theo tỷ giá ngân hàng chính thức. Nhờ việc cập nhật giá trị tài sản các tỷ phú theo ngày, dù có quy mô ít hơn hẳn (chỉ 200 tỷ phú), Bloomberg từng được đánh giá cao hơn cả Forbes vào năm 2012. Tuy nhiên, tạp chí Forbes đã nhanh chóng bù lấp khuyết điểm nho nhỏ này bằng bản danh sách cập nhật theo thời gian thực, bắt đầu vào năm 2014.
Khác với Forbes và Bloomberg, danh sách của Wealth-X kết hợp với ngân hàng UBS không cung cấp những cái tên cụ thể, mà chỉ là thống kê số lượng, với một lượng dữ liệu cần thu thập khổng lồ. Đặt tiêu chí thống kê tất cả những triệu phú thế giới có tài sản từ 30 triệu USD trở lên, số người giàu trong danh sách của Wealth-X thường lên tới con số 200.000 người, gấp 1.000 lần so với Bloomberg và bỏ xa Forbes.
Sự khác biệt trong việc tiếp cận cũng khiến số người Việt xuất hiện trong những danh sách người giàu nổi bật nhất thế giới của các bảng xếp hạng này hoàn toàn khác nhau. Forbes lần đầu tiên ghi nhận một người Việt lọt vào danh sách tỷ phú thế giới là năm 2013. Ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng khi đó sở hữu 1,5 tỷ USD.
Một năm sau, danh sách này có thêm một tỷ phú gốc Việt nữa là ông Hoàng Kiều, với 1,65 tỷ USD. Kể từ đó đến nay, Việt Nam vẫn chỉ có 2 cái tên được biết đến trong danh sách Forbes, với tài sản tương ứng là 1,6 tỷ USD (ông Phạm Nhật Vượng) và 3,8 tỷ USD (ông Hoàng Kiều).
Trong khi đó, báo cáo của Wealth-X năm 2013 đã khẳng định, Việt Nam có 2 tỷ phú USD, và 195 triệu phú có tài sản trên 30 triệu USD. Con số tỷ phú đến 2014 giữ nguyên trong khi lượng triệu phú tăng lên 210 người. Tổng tài sản của các tỷ phú là 3 tỷ USD, và danh tính không được tiết lộ.
Với số lượng tỷ phú thống kê nhỏ hơn nhiều, danh sách của Bloomberg chưa bao giờ xuất hiện doanh nhân người Việt. Thực tế, để lọt vào danh sách của Wealth-X và Forbes, tổng tài sản tối thiểu chỉ cần 1 tỷ USD, nhưng với Bloomberg thì con số lên tới 6,3 tỷ USD. Đây là nguyên nhân khiến Việt Nam mất dấu trên bản đồ tỷ phú của Bloomberg, trong khi Malaysia, Thái Lan, Phillipines lại thường xuyên được điểm danh (Singapore và Indonesia cũng từng có đại diện trong danh sách này).