Tỷ phú Thái muốn 'nẫng tay trên' TigerBeer trước Heineken
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi - tỷ phú Thái Lan, người bị coi là “kỳ đà cản mũi” trong vụ hãng bia Heineken chào mua lại nhà sản xuất bia Tiger, tiếp tục có động thái mới để “phá bĩnh”.
Theo báo Wall Street Journal, sau khi đã tăng cổ phần trong hãng Fraser & Neave (F&N) của Singapore, tỷ phú Charoen đang tính chuyện thâu tóm toàn bộ công ty này. Vì F&N là công ty nắm quyền kiểm soát của hãng bia Asia-Pacific Breweries (APB), nhà sản xuất bia Tiger, nên nếu ông Charoen kiểm soát được F&N, thì những nỗ lực của Heineken nhằm mua lại toàn bộ APB như mong muốn rất có thể sẽ “tan thành mây khói”.
F&N cùng Heineken đã có một mối quan hệ đối tác tốt đẹp ở APB, mà tại đó, hai bên cùng nhau sản xuất bia Tiger, bia Heineken và nhiều sản phẩm khác cho thị trường Singapore. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã chuyển xấu vào tháng 7 năm nay khi công ty Thai Beverage (ThaiBev) của tỷ phú Charoen nổi lên phá ngang bằng cách bắt đầu tích cực gom mua cổ phần của F&N. Việc làm này của “ông trùm” đồ uống Thái đã buộc Heineken phải chào mua số cổ phần còn lại trong APB.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi quyết tâm "phá bĩnh" thương vụ Heineken - Tiger đến cùng. |
Vào ngày 11/9, ThaiBev tuyên bố đang cân nhắc chào mua lại toàn bộ F&N cùng với một bên thứ ba chưa được công bố rõ danh tính. Theo giới phân tích, nếu ông Charoen giành được quyền kiểm soát F&N, thì ông hoàn toàn có thể chặn đứng thỏa thuận mua APB của Heineken, cho dù tới thời điểm hiện tại, vụ Heineken chào mua APB đã được xem là một thỏa thuận hoàn tất.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Charoen tìm mọi cách để phá vụ Heineken-Tiger. Lĩnh vực sản xuất bia của ThaiBev không đem lại cho tỷ phú này mức lợi nhuận như mong muốn, trong khi APB lại rất ăn nên làm ra. Bia Chang của ThaiBev vẫn bị coi là một sản phẩm bia cấp thấp, trái ngược với bia Tiger của APB.
Theo đánh giá của giới phân tích thì cho dù bên thứ ba chưa lộ diện có thể giúp ThaiBev tìm kiếm được nguồn tài chính cần thiết để thâu tóm F&N, giá cả của thương vụ, nếu có, sẽ là một trở ngại không nhỏ.
Mức giá mà Heineken chào mua APB hiện đã tương đương với hệ số P/E (giá/thu nhập) lên tới 35,1 lần, so với mức P/E là 20,3 lần và 16,6 lần tương ứng đối với các hãng bia ngang tầm như Carlsberg Brewery Malaysia hay Sapporo Holdings của Nhật. Tuy nhiên, nếu tự mình vay vốn để thực hiện thương vụ, ThaiBev sẽ khó tránh khỏi cảnh giá cổ phiếu sụt mạnh và nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm.
Tỷ phú Charoen từng có thời độc quyền chưng cất rượu mạnh ở Thái Lan vào thập niên 1980. Vào năm 1999, khi lĩnh vực này được Chính phủ Thái mở cửa sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, ông Charoen đã vay 500 triệu USD bằng cách thế chấp kho rượu mạnh của mình để mua lại 12 nhà máy sản xuất rượu khác.
Theo Vneconomy