Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tỷ phú Nhật Bản trở thành con bạc liều lĩnh trên sàn chứng khoán Mỹ

Tỷ phú Masayoshi Son - người được mệnh danh là "Warren Buffet của Nhật Bản" - gây tranh cãi khi âm thầm đẩy giá cổ phiếu các tập đoàn công nghệ khổng lồ.

Các bằng chứng cho thấy Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son đứng sau hiện tượng giá cổ phiếu các hãng công nghệ Mỹ tăng vọt trong những tuần gần đây, khiến giới đầu tư dường như quên bẵng đi cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.

Trước đó, báo Financial Times dẫn một số nguồn tin từ Phố Wall (New York) tiết lộ trong thời gian qua, SoftBank chi hàng tỷ USD mua hợp đồng quyền chọn (option) cổ phiếu công nghệ, đẩy số lượng giao dịch hợp đồng quyền chọn lên mức cao chưa từng thấy tại trung tâm tài chính Mỹ.

Wall Street Journal khẳng định SoftBank mua các hợp đồng quyền chọn có liên quan tới 50 tỷ USD cổ phiếu các tập đoàn công nghệ. Theo thống kê của Goldman Sachs, khoảng 335 tỷ USD hợp đồng quyền chọn cổ phiếu Mỹ được giao dịch mỗi ngày trong 2 tuần qua. Con số này cao gấp 3 lần mức trung bình của giai đoạn 2017-2019.

ty phu SoftBank anh 1

Tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son. Ảnh: Getty.

Ván bạc liều lĩnh

Trong giai đoạn này, Apple trở thành công ty 2.000 tỷ USD, giá trị vốn hóa của Amazon tăng trong một tháng nhiều hơn cả năm ngoái và CEO Tesla Elon Musk vượt qua nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett trên bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh.

Trên thực tế, các đại gia công nghệ kể trên đều hưởng lợi từ những thay đổi lớn trong xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra. Khi virus corona chủng mới lan rộng tại Mỹ và các nước, nhu cầu mua sắm trực tuyến, streaming và các giải pháp làm việc từ xa tăng vọt. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn không lý giải nổi tại sao giá cổ phiếu công nghệ tăng phi mã trong mùa hè.

Hiếm khi các giao dịch hợp đồng quyền chọn có thể làm chấn động thị trường. Tuy nhiên, giới chuyên gia thừa nhận đây nhiều khả năng là lý do khiến giá cổ phiếu công nghệ tăng vọt trong những tuần qua. Chứng khoán phái sinh trở thành trò chơi yêu thích đối với một số nhà đầu tư thích mạo hiểm.

"Khó có thể xác định động cơ thực sự của tỷ phú Son. Chắc chắn không phải là vì ông ấy cảm thấy buồn chán", nhà phân tích Tara Lachapelle của Bloomberg nhận định. Và giờ, giới đầu tư tiếp tục tranh cãi về việc liệu tỷ phú 63 tuổi là người có tầm nhìn xa trông rộng hay chỉ là một con bạc liều lĩnh.

ty phu SoftBank anh 2

Giá cổ phiếu các công ty công nghệ tăng vọt khiến thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Tỷ phú Son từng nói về kế hoạch 300 năm của SoftBank, nhưng những biến động của thị trường startup hồi đầu năm buộc ông phải tập trung vào hiện tại. Những khoản đầu tư thất bại vào nhà mạng không dây Sprint Corp. và startup chia sẻ văn phòng WeWork đã làm tổn hại danh tiếng của nhà đầu tư người Nhật Bản.

Khi các khoản tiền đổ vào WeWork và Uber Technologies Inc. không đem về kết quả như mong muốn, SoftBank ghi nhận mức thua lỗ kỷ lục. Cuối cùng SoftBank cũng bán được Sprint cho T-Mobile US trong năm nay. Và khi tập đoàn Nhật Bản lên kế hoạch bán hơn 40 tỷ USD tài sản để cân đối tài chính, ông Son bất ngờ dư tiền mặt để đầu tư.

Bong bóng công nghệ?

Nguồn tin Financial Times cho biết SoftBank lãi khoảng 4 tỷ USD từ các giao dịch hợp đồng quyền chọn này. Tuy nhiên, đây cũng là chiến lược hết sức mạo hiểm, bởi công ty Nhật Bản sẽ lỗ nặng nếu giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc trên sàn chứng khoán Mỹ.

Theo CNN, sau khi các thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu SoftBank sụt giảm tới hơn 7% trên sàn giao dịch Tokyo, khiến giá trị vốn hóa của công ty bay hơi khoảng 8 tỷ USD. Trước đó, tính đến ngày 4/9, cổ phiếu của tập đoàn Nhật Bản tăng giá 33% kể từ đầu năm bất chấp khoản lỗ 12,7 tỷ USD hồi đầu năm.

Tháng trước, SoftBank tuyên bố sẽ không tiếp tục công bố lợi nhuận trước thuế và lãi vay. Bloomberg nhận định sự thay đổi này là dễ hiểu bởi SoftBank không thực sự có hoạt động kinh doanh gì, thay vào đó vận hành như một công ty đầu tư vào các startup và doanh nghiệp niêm yết.

Tỷ phú Son đứng sau hiện tượng giá cổ phiếu công nghệ Mỹ tăng vọt, khiến giới đầu tư gần như quên bẵng cuộc khủng hoảng Covid-19.

- Tara Lachapelle (Bloomberg)


"SoftBank lướt sóng Nasdaq giống như một quỹ tương hỗ. Thị trường đang lao dốc và các nhà đầu tư không đoán trước được điều gì, do đó họ bán tháo cổ phiếu SoftBank", chuyên gia Mitsushige Akino thuộc hãng Ichiyoshi Asset Management Co nhận định.

Nhà phân tích Lachapelle cho rằng hiện tượng giá cổ phiếu các tập đoàn công nghệ tăng dữ dội trong thời gian qua có gì đó tương đồng với bong bóng dot-com cách đây 20 năm. Thời kỳ đó, giá trị vốn hóa của SoftBank bay hơi 99% và tỷ phú Son mất tới 70 tỷ USD.

Đầu tư vào cổ phiếu công nghệ niêm yết được xem là hướng đầu tư mới của SoftBank và tỷ phú Masayoshi Son. Trong những năm vừa qua, SoftBank của ông Son chủ yếu đầu tư vào các startup công nghệ thông qua quỹ Vision Fund với quy mô 100 tỷ USD.

Tỷ phú Nhật Bản âm thầm đẩy giá cổ phiếu Tesla, Apple, Google

Theo Financial Times, Tập đoàn SoftBank của tỷ phú Masayoshi Son mua ồ ạt hàng tỷ USD chứng khoán phái sinh, qua đó đẩy giá cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ tăng vọt.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm