Tập đoàn Masan vừa công bố kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2021 để trình đại hội cổ đông thường niên tới đây phê duyệt.
Masan kỳ vọng doanh thu thuần năm 2021 đạt 92.000-102.000 tỷ đồng, cao hơn 20%-30% so với kết quả 2020. Nếu hoàn thành kế hoạch, năm nay sẽ là lần đầu tiên Masan vượt mốc 100.000 tỷ doanh thu.
Song song đó, mục tiêu lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty cũng được HĐQT đề ra tối thiểu 2.500 tỷ, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong kịch bản khả quan nhất, chỉ tiêu lợi nhuận 2021 của Masan được kỳ vọng cán mốc 4.000 tỷ.
Masan kỳ vọng lợi nhuận tăng mạnh trở lại | |||||||
Lợi nhuân sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty của Masan từ năm 2017 | |||||||
Nhãn | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 KH thấp | 2021 KH cao | |
Lợi nhuận sau thuê của cổ đông công ty | tỷ đồng | 3103 | 4916 | 5558 | 1234 | 2500 | 4000 |
Một nội dung khác trình đại hội cổ đông là Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang và các thành viên trong HĐQT Masan tiếp tục nhận thù lao 0 đồng. Đây là năm thứ 9 liên tiếp kể từ 2013 HĐQT Masan duy trì truyền thống không nhận thù lao.
Tập đoàn cũng dự kiến bố trí không quá 5 tỷ ngân sách cho chi phí hoạt động của HĐQT, bao gồm các ủy ban trực thuộc trong năm nay.
Masan đồng thời trình phương án không chia cổ tức năm 2020 bằng tiền. Còn việc tạm ứng cổ tức 2021 sẽ được giao cho HĐQT quyết định tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền công ty.
Một trong những thông tin đáng chú ý khác được thảo luận tại đại hội sắp tới là việc Masan muốn chào bán cổ phần mới riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dự kiến phát hành mới tối đa 10% tổng số cổ phần đang lưu hành.
Thời điểm hoàn thành kế hoạch này dự kiến trong năm nay hoặc chậm nhất trước đại hội cổ đông thường niên 2022 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Kết thúc năm tài chính 2020, tập đoàn Masan đạt doanh thu thuần hợp nhất 77.218 tỷ đồng, tăng 107% so với năm 2019. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty là 1.234 tỷ, giảm gần 80%.
Doanh thu của Masan tăng mạnh do việc hợp nhất hệ thống bán lẻ VinCommerce với thương hiệu siêu thị VinMart và siêu thị VinMart+ từ đầu năm 2020. Nhưng cũng do chuỗi siêu thị này vẫn còn lỗ ròng nên lợi nhuận tập đoàn giảm mạnh so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Masan cho biết VinCommerce lần đầu có EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương trong quý IV/2020 dù con số còn rất khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 16 tỷ đồng. Theo tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, đây là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi, phát triển nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp của tập đoàn.