Theo lịch trình dự kiến, người sáng lập sàn thương mại điện tử Alibaba sẽ xuất hiện trong tập cuối cùng của chương trình thực tế "Người hùng kinh doanh châu Phi". Đây là một gameshow theo phong cách "The Apprentice" (Người tập sự), với giải thưởng lên đến hàng triệu USD.
Ban đầu, ông được sắp xếp vào vị trí ban giám khảo nhưng bất ngờ bị thay thế bởi một giám đốc điều hành của tập đoàn trong trận chung kết diễn ra vào tháng 11, Telegraph tiết lộ.
Không những thế, tờ Financial Times cho biết hình ảnh tỷ phú Trung Quốc đã bị gỡ khỏi trang web chương trình đồng thời không xuất hiện trong các đoạn video quảng cáo của gameshow này. Theo người phát ngôn của Alibaba, ông chủ không thể tham dự chương trình này do “xung đột lịch trình”.
Mọi việc bắt nguồn từ những xung đột của Jack Ma với chính quyền Trung Quốc từ 2 tháng trước. Tháng 10, trong bài phát biểu tại Thượng Hải, ông Ma công khai chỉ trích nhiều bất cập trong hệ thống quản lý tài chính tại Trung Quốc, đồng thời kêu gọi cải tổ lại bộ máy này mà theo ông là “bóp nghẹt đổi mới, sáng tạo”.
Tỷ phú Jack Ma không xuất hiện trên truyền thông từ tháng 10/2020. Ảnh: Time. |
“Hệ thống tài chính ngày nay là di sản từ thời công nghiệp. Chúng ta phải thiết lập hệ thống mới cho những người trẻ tuổi và thế hệ tiếp theo. Nó phải được cải tổ hiện đại hơn”, tỷ phú Jack Ma phát biểu.
Sau tuyên bố gây tranh cãi, ông lập tức bị triệu tập đến một cuộc họp kín vào ngày 2/11 cùng với Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và 3 tổ chức tài chính hàng đầu khác.
Chỉ một tuần sau đó, sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải bất ngờ ra lệnh tạm dừng phiên phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng (IPO) của Ant Group - một đế chế tài chính do ông chủ Alibaba sáng lập. Trước đó, thương vụ IPO của Ant Group được kỳ vọng đạt giá trị lên tới 37 tỷ USD.
Cũng kể từ thời điểm này, công chúng không còn thấy bóng dáng tỷ phú Jack Ma trên truyền thông. Bài tweet gần đây nhất của ông trên Twitter là từ ngày 10/10 năm ngoái.
Nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius đến từ Mỹ cho rằng động thái này của Bắc Kinh nhằm hạn chế tình trạng bành trướng của các tổ chức tài chính.
"Thật sự là chính phủ Trung Quốc đã vào cuộc vì họ nhận ra rằng phải kiểm soát những công ty này để chúng không thể phình quá to. Bắc Kinh đã nhận thức được rằng không thể cho phép các tổ chức như vậy thống trị một lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là tài chính”, ông Mark nhận định.
Cuối tháng 12, chính quyền Trung Quốc tuyên bố mở cuộc điều tra với Alibaba về các hành vi bị nghi ngờ là độc quyền và ra lệnh cho Ant Group phải tái cấu trúc các hoạt động để tuân thủ quy định về quản lý.
Ant hiện là startup hàng đầu trên thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc khi sở hữu nền tảng Alipay, một trong 2 hệ thống thanh toán trực tuyến phổ biến nhất tại quốc gia này.