Theo Nikkei Asian Review, tập đoàn Alibaba và Tencent từng được chính quyền Trung Quốc bảo vệ. Nhưng giờ đây, tham vọng mở rộng của hai công ty công nghệ thông tin hàng đầu đất nước bị chính Bắc Kinh cản đường.
Mâu thuẫn bắt đầu sau khi hai gã khổng lồ công nghệ thông tin đánh chiếm lĩnh vực tài chính và đe dọa hệ thống tài chính truyền thống của đất nước 1,4 tỷ dân.
Giới chuyên gia nhận định đồng NDT kỹ thuật số (do ngân hàng trung ương Trung Quốc kiểm soát) sẽ kìm hãm các công ty công nghệ thông tin, mang đến "hoàng hôn cho đế chế Alibaba".
Thế độc quyền
Hồi tháng 11, các nhà quản lý Trung Quốc yêu cầu Ant Group - tập đoàn tài chính của tỷ phú Jack Ma - hoãn đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trị giá 35 tỷ USD. Tiếp đó, Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) công bố dự thảo dài 22 trang với chủ trương ngăn chặn hành vi độc quyền của các nền tảng Internet lớn.
Đến ngày 24/12, SAMR đã cử các quan chức đến trụ sở tại Hàng Châu của Alibaba để điều tra doanh nghiệp này vì cáo buộc độc quyền. Truyền thông địa phương đưa tin cuộc điều tra được hoàn thành ngay trong ngày.
Cuối tuần đó, Nhân Dân nhật báo đăng bài bình luận cảnh báo các tập đoàn công nghệ "nên coi cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba là cơ hội để nâng cao nhận thức về cạnh tranh công bằng".
Hôm 27/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) buộc Ant Group phải "điều chỉnh" các mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), từ quản lý tài sản, bảo hiểm cho đến cho vay tiêu dùng. Công ty này sẽ phải tập trung vào mảng thanh toán trực tuyến cốt lõi.
Hàng loạt động thái của chính quyền Trung Quốc được đưa ra sau bài phát biểu của ông Ma tại một hội nghị ở Thượng Hải hôm 24/10. Tại đó, vị tỷ phú gọi hệ thống ngân hàng Trung Quốc là "tiệm cầm đồ" và Hiệp ước Basel của hệ thống ngân hàng toàn cầu chẳng khác gì "câu lạc bộ của những người già". "Chúng ta không thể sử dụng các phương pháp lạc hậu để sắp đặt tương lai", ông nhấn mạnh.
Giới chuyên gia nhận định các động thái của chính quyền Trung Quốc nhằm kiềm chế sự mở rộng của Alibaba và các công ty công nghệ khác.
Trước đó, chính quyền Trung Quốc ủng hộ dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của Alibaba và coi đó là công nghệ đổi mới mạng lưới phân phối và tài chính. Nhờ đó, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, nhất là ở các khu vực thành thị.
Tuy nhiên, mặt trái là thị trường thanh toán điện tử giờ bị thống trị bởi Alipay của Alibaba (thị phần 55%) và WeChat Pay của Tencent (thị phần 39%). Trong khi đó, việc sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ UnionPay do các ngân hàng phát hành không tăng đáng kể. Công ty khởi nghiệp và người tiêu dùng cũng phụ thuộc vào các đại gia công nghệ, thay vì hệ thống ngân hàng.
Một mối đe dọa nghiêm trọng khác đối với hệ thống ngân hàng truyền thống là quỹ đầu tư của Alipay. Alibaba đã thành lập quỹ Yu'ebao để người dùng giữ tiền thay cho các tài khoản ngân hàng.
Thông qua điện thoại thông minh, người dùng có thể gửi và rút khoản tiền đầu tư một cách dễ dàng. Bị lôi kéo bởi lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng, người dùng Alipay ồ ạt chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang quỹ Yu'ebao.
Vào tháng 6/2018, tổng quy mô của các quỹ liên kết với Yu'ebao đạt 1.860 tỷ NDT (286 tỷ USD), vượt quá số tiền gửi thông thường tại Ngân hàng Trung Quốc - một trong bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất đất nước. Cuối năm 2017, tổng tiền gửi cá nhân ở ngân hàng này đạt 1.790 tỷ NDT.
Kỳ vọng vào đồng NDT số
Khi các đại gia công nghệ trở thành mối đe dọa với hệ thống ngân hàng truyền thống, chính quyền Trung Quốc bắt đầu thắt chặt kiểm soát. Bắc Kinh cũng yêu cầu Alipay và WeChat Pay gửi tiền dự trữ tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giống những nhà băng khác. Tuy nhiên, đến tháng 6/2020, tổng quy mô của các quỹ liên kết với Yu'ebao đã tăng lên 2.540 tỷ NDT.
Theo Nikkei Asian Review, nếu hoạt động tài chính của những công ty công nghệ lớn nước này vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan tài chính, chính sách tài chính hiện hành của Bắc Kinh sẽ mất hiệu lực, hoạt động ngân hàng và chứng khoán cũng bị đe dọa.
Theo ông Yao Qian, Trưởng phòng Giám sát Khoa học và Công nghệ tại Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh nên xem xét áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ lớn.
Tuy nhiên, việc triệt tiêu sức mạnh của các công ty công nghệ có thể đem đến rủi ro lớn. Thanh toán kỹ thuật số đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người dân Trung Quốc. Nếu thắt chặt kiểm soát quá mức, nền kinh tế, nhất là lĩnh vực bán lẻ và mua sắm trực tuyến, sẽ sa sút.
Chính quyền Trung Quốc đặt kỳ vọng vào đồng NDT kỹ thuật số để thay đổi tình thế. Theo kế hoạch, người dùng đồng NDT kỹ thuật số sẽ tạo tài khoản hoặc ví điện tử tại ngân hàng. Sau đó, họ chuyển đổi lượng tiền mặt cần thiết thành NDT kỹ thuật số.
Thông qua ví điện tử được cài đặt trên điện thoại thông minh, người dùng có thể thanh toán tiền số cho người khác mà không cần chuyển qua các bên trung gian như Alipay.
Hồi năm 2016, Ấn Độ đã giới thiệu hệ thống thanh toán Unified Payments Interface (UPI) liên kết tài khoản ngân hàng và thanh toán qua điện thoại thông minh. Nếu người dùng UPI quét mã QR của cửa hàng trên điện thoại, tiền sẽ được chuyển từ tài khoản ngân hàng của họ sang tài khoản người nhận.
Ứng dụng Paytm - một ứng dụng thanh toán Ấn Độ tương tự Alipay được Ant và SoftBank rót vốn - từng ghi nhận mức tăng trưởng tốt tại thị trường Ấn Độ. Nhưng sự ra đời của UPI đã triệt tiêu đà phát triển của Paytm.
Giờ, các ứng dụng thanh toán chuyển tiền trực tiếp từ ngân hàng bằng UPI như PhonePe (được Walmart chống lưng) và Google Pay (của Google) là xu hướng chính tại thị trường Ấn Độ.
Nếu Trung Quốc ra mắt đồng NDT kỹ thuật số, các ứng dụng mới hỗ trợ thanh toán theo mô hình PhonePe và Google Pay cũng sẽ xuất hiện. Chúng sẽ phá vỡ thế độc quyền của Alipay và WeChat Pay.
"Cuộc giằng co giữa các chính phủ và doanh nghiệp trên mặt trận tiền tệ đang ngày càng khốc liệt trên khắp thế giới. Những 'cơn lốc' có thể thổi bay đế chế Alibaba rộng lớn", tờ Nikkei Asian Review bình luận.