Anh tự tin khẳng định, năm 2013, anh làm ăn hiệu quả nhất ở miền Trung, không ai qua mặt được.
8 tháng thu 10 tỷ
Lặn lội ra Lý Sơn để gặp Nguyễn Gia Viên (thôn Tây, An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi) - chủ 3 con tàu đánh bắt ở Hoàng Sa (anh là thuyền trưởng tàu lớn nhất QNg 96515), nức tiếng lâu nay trên xứ đảo núi lửa.
Thật xui, đúng lúc anh đang trên tàu cao tốc vào cảng Sa Kỳ sửa chữa tàu. Anh bảo: “Đưa cả 3 con tàu lên đà (xưởng sửa chữa, đóng tàu) nâng cấp máy, sơn lại cho kịp những chuyến biển cuối năm. Năm nay, mới 8 tháng, cả ba tàu thu về hơn 10 tỷ đồng, mình thấy tạm ổn rồi, nhưng lao động chưa hài lòng nên lại phải đi thôi”.
Đà ông Chín, ngay cửa biển Sa Kỳ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), mùa biển động nên tàu thuyền chất ràn rạt. Tâm lý ngư dân ai cũng muốn con tàu phải mạnh mẽ hơn, đẹp hơn cho chuyến biển cuối năm cũ và đầu năm mới. Ba con tàu của Nguyễn Gia Viên sừng sững, ngạo nghễ choán cả một góc đà. Hàng chục lao động ồn ào, tấp nập sơn lại tàu.
Tỷ phú Nguyễn Gia Viên bên con tàu đang sơn sửa để tiếp tục ra khơi. Ảnh: Nam Cường - Anh Thư. |
Tướng mạo anh Viên, da ngăm, người chắc nịch như gỗ lim. Ăn sóng nói gió, oang oang át tiếng máy nổ chạy đá phành phạch. 40 tuổi, Nguyễn Gia Viên đã có 25 năm lênh đênh trên biển cả, chủ yếu ngư trường Hoàng Sa.
Anh cũng chính là một trong những thợ lặn bậc thầy ở đảo tỏi. Làm thuê được khoảng 5 năm, Viên đánh bạo gom góp những ngày công ít ỏi, cùng 10 bạn thuyền chung vốn, mua lại một con tàu cũ chừng 80CV, giá 300 triệu.
“Chừng đó thôi, vui lắm rồi. Tàu cũ, sức ngựa yếu, những chuyến đầu hòa tổn là may lắm”. Hơn 15 năm kể từ ngày làm thuyền trưởng, chủ con tàu đầu tiên tới nay, trải qua không ít thăng trầm, Viên đã là một thương hiệu “Viên Lý Sơn” lẫy lừng không chỉ ở xứ đảo mà cả dải đất ven biển miền Trung. Làm ăn càng ngày càng hiệu quả, nhưng những chuyến biển dẫu mưa thuận gió hòa mà vẫn chỉ có 5 - 7 tấn cá về bến, mỗi anh em chỉ đút túi 3 - 5 triệu khiến anh luôn trăn trở.
Mẻ cá 25 tấn của tàu anh Viên đánh bắt trong một đêm ở Hoàng Sa. |
Một chiếc máy dò đứng, giá khoảng trên 10 triệu cách đây 10 năm đã là to lắm. Dân Lý Sơn lác mắt vì độ chịu chơi của chủ tàu trẻ. Chiếc máy dò đứng đúng là hữu hiệu, nâng công suất từ 3-5 tấn/chuyến lên tới 7-10 tấn, có khi 15 tấn/chuyến.
Vẫn chưa thỏa mãn với kiểu đánh bắt “nhờ trời” và kinh nghiệm, năm 2010, Nguyễn Gia Viên quyết định đầu tư hơn 300 triệu mua máy dò ngang. Từ thời điểm này, tiếng tăm của Nguyễn Gia Viên và đội tàu 3 chiếc mới nổi như cồn. Anh lần lượt đầu tư, nâng cấp cả 3 tàu hiện đại, hoành tráng và có chức năng nhiệm vụ hẳn hoi.
Tàu lớn nhất, QNg 96515 có công suất 846CV chỉ ở Hoàng Sa, tàu QNg 96403 công suất 420CV đánh bắt gần hơn, thường xuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ tàu lớn mỗi khi cần thiết. Cuối cùng, QNg 96111 (280CV) là tàu gom hải sản, chở dầu, lương thực tiếp tế cho hai chiếc kia đánh bắt dài ngày. Tổng cộng, “đại gia đình” đội tàu của Viên trên dưới 25 người, cùng hưởng phúc, chia họa, gắn kết chặt chẽ nhiều năm nay.
“Toàn bộ lao động là người Lý Sơn, chỉ một lao động ở Hà Tĩnh. Anh em đoàn kết một lòng, không ai có tư tưởng muốn rời tàu. Khi gia nhập đội tàu của tôi, phải làm cam kết trước, nếu bỏ đội qua tàu khác là mất luôn vốn góp vào. Không phải bắt chẹt gì anh em, nhưng làm thế cho có trách nhiệm. Ai cũng hết mình, tôi ăn cơm thì anh em ăn cơm. Tôi húp cháo, anh em cũng vậy. Không ai bị thiệt” - Viên nói.
Từ 2010 đến 2012 là những năm huy hoàng của đội tàu Nguyễn Gia Viên, đặc biệt năm 2012, anh vang dội với một mẻ lưới gần 30 tấn cá. Độc nhất vô nhị. Nhưng năm nay mới thực sự là đỉnh điểm bội thu.
Anh tính nhanh, những con số khiến bất kỳ ngư dân nào cũng mơ ước: “Năm nay bão nhiều, chỉ làm chưa đầy 8 tháng, như hiện tại chẳng hạn, phải cho tàu, lao động nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng. Năm nay tổng thu của chúng tôi, không có mẻ lưới nào kỷ lục nhưng cứ đều đều, được gần 450 tấn hải sản, trừ lỗ tổn ra, được khoảng 10 tỷ, anh em bạn thuyền, mỗi người được trên dưới 300 triệu”.
Là “vua biển” ở Lý Sơn, thậm chí miền Trung, nhưng trong gia đình anh, không ai theo nghề biển. Từ ông bà, cha mẹ cho đến các anh chị em, tất thảy đều công chức, giáo viên hoặc chọn nghề “nhàn hạ”.
Riêng anh, từ khi học cấp 3, đã phát lộ khát khao đại dương. “Ông bà nói miết, phải đi học, phải vào đại học. Tôi biết sức mình đến đâu, cố lắm thì cũng cao đẳng hoặc trung cấp. Thôi, đã trót ở biển thì phải gắn bó với biển”.
Là nói vậy, nhưng Viên là người ham mày mò, luôn áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc đánh bắt hải sản. Chính những cú liều mua máy dò đứng và dò ngang cùng kinh nghiệm trên biển giúp anh liên tục trúng lớn.
Ngư dân Nguyễn Phụ (50 tuổi) nói về vị thuyền trưởng trẻ hơn mình tới chục tuổi: “Anh em có ngày hôm nay nhờ Viên cả. Cậu ấy không những liều mà còn giỏi, làm cái gì ra cái đó, công tâm và sòng phẳng. Ai làm nhiều hưởng nhiều, cuộc sống 23 thuyền viên quanh năm no đủ. Nói thiệt chớ, giờ có các vàng, tui cũng không bỏ tàu cậu Viên”.
Vững tin nhờ nghiệp đoàn
Nhắc đến những gương mặt “sừng sỏ” của làng cá An Vĩnh (Lý Sơn), Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, anh Lê Khuân không giấu vẻ tự hào về Nguyễn Gia Viên. Từng là thợ lặn sừng sỏ, 3 lần bị bắt ở Hoàng Sa rồi trắng tay ở Malaysia khi bị lừa sang nước bạn đánh cá, rồi giải nghệ.
Cuộc đời ngư phủ thăng trầm kéo sự gắn bó, thấu hiểu của anh Khuân lại nhiều hơn với Nguyễn Gia Viên. “Phục nhất sự tính toán khôn khéo và liều của nó. Thế hệ chúng tôi đi trước vài bước, nhưng giờ ngoảnh lại, thấy không sánh được” - anh Khuân tâm sự.
Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh quy tụ những ngư dân lão luyện như Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Phước Lộc, Võ Minh Vương…, từng khiến báo chí và ngư dân khắp nơi tròn mắt khi liên tiếp chở về cảng Lý Sơn những con tàu lặc lè cá vào năm 2012.
Trong đó, Nguyễn Phước Lộc và Nguyễn Gia Viên “vô địch” với những mẻ lưới kéo hơn 25 tấn cá. Anh Khuân kể, tất cả những cái tên anh vừa kể ra bây giờ đều là tỷ phú cả. Năm nay, trời động, bão nhiều nhưng cứ sau một cơn bão, biển lại trả cho con người cơ man hải sản. Tính trung bình, mỗi lao động trên tàu kiếm ít nhất 4–6 triệu/tháng.
Võ Minh Vương (thuyền trưởng tàu QNg 96787), tuổi còn trẻ, nhưng độ gan lỳ và trải đời biển cả chẳng kém đàn anh, nói vui: “Đời biển, có đó rồi mất đó, chẳng biết đâu mà lần. Năm nay tỷ phú nhưng biết đâu, năm sau lại trắng tay. Hoàng Sa bây giờ dữ dội lắm, không đùa được. Trụ được hạng nhất như anh Viên, mấy năm liền dẫn đầu thu nhập là chuyện hiếm. Bây giờ vào nghiệp đoàn cùng nhau, chúng tôi vững tin, không còn thấy đơn độc sợ hãi”.
Anh Lê Khuân – Phó Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá An Vinh - sợi dây liên lạc của ngư dân. |
Anh Lê Khuân kể, tàu Nguyễn Gia Viên được tin tưởng giao nhiệm vụ bao quát anh em trong nghiệp đoàn. Từ khi nghiệp đoàn ra đời, ngư dân gần nhau hơn, trời yên biển lặng thì ai đánh bắt phần nấy, nhưng khi hoạn nạn, tất cả đều có nhau. “Hiện diện trên vùng biển của mình, chuyến nào cũng thu về tiền tỷ, mình lại càng gắng sức mà bảo vệ ngư trường - vừa là chủ quyền biển đảo quốc gia, cũng là chỗ kiếm cơm. Cố mà giữ lấy”.
Thuyền trưởng tỷ phú Nguyễn Gia Viên tâm sự, giờ đây, sợi dây liên lạc giữa trùng khơi với đất liền không đơn thuần là nối máy cho đài duyên hải nữa.