Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 22/12, ông Gautam Adani - Chủ tịch Tập đoàn Adani - bày tỏ mong muốn đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực tiềm năng như vận tải biển, phát triển hệ sinh thái cảng biển, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời.
Hiện tập đoàn đang khảo sát để đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam trong 10 năm tới nhằm phát triển các lĩnh vực cảng biển, logistics, hạ tầng, năng lượng tái tạo, trong đó có cảng Liên Chiểu. Đây chính là nguồn vốn nằm trong quỹ trị giá 100 tỷ USD mà Adani dự kiến đầu tư ra nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong vòng 34 năm kể từ năm 1988 đến tháng 1/2022, Ấn Độ mới có tổng cộng 349 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên với những cam kết đầu tư trong thời gian sắp tới của tập đoàn Adani, dòng vốn Ấn Độ đổ vào Việt Nam có thể tăng lên với tốc độ chóng mặt.
Nhiều lần cam kết đầu tư vào Việt Nam
Adani là tập đoàn đa ngành chuyên về cơ sở hạ tầng và năng lượng. Chỉ riêng tại Ấn Độ, tập đoàn đang quản lý 8 sân bay với công suất phục vụ hơn 80 triệu hành khách mỗi năm. Ngoài ra, Adani còn đầu tư 13 cảng liên hợp quốc tế và 5 khu hậu cần với tổng quy mô xếp dỡ hàng hóa tổng hợp hơn 550 triệu tấn/năm.
Hoạt động kinh doanh của tập đoàn bắt đầu khởi sắc sau động thái mua lại 74% cổ phần của Sân bay quốc tế Mumbai, sân bay đông đúc thứ 2 Ấn Độ, vào tháng 9/2020. Thương vụ cũng giúp giá cổ phiếu cũng như khối tài sản của vị tỷ phú gia tăng nhanh chóng.
Tỷ phú Gautam Adani có cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 22/12. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Gần nhất vào tháng 5/2022, Adani nhảy vào lĩnh vực vật liệu xây dựng khi thâu tóm toàn bộ chi nhánh tại Ấn Độ của nhà sản xuất xi măng Holcum Group.
Đối với lĩnh vực năng lượng xanh, tập đoàn này cũng tham vọng đầu tư 70 tỷ USD để trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới.
Hiện tập đoàn này có 29.000 nhân viên khắp toàn cầu, vốn hóa thị trường hơn 200 tỷ USD. Doanh thu toàn tập đoàn trong năm nay ước đạt khoảng 33 tỷ USD với lợi nhuận khoảng 2,9 tỷ USD.
Với thị trường Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo tập đoàn đặt vấn đề mở rộng đầu tư. Năm 2021, tỷ phú Adani đã có cuộc gặp với Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu và bày tỏ nguyện vọng rót tiền vào các lĩnh vực vốn là thế mạnh của tập đoàn.
Năm ngoái, Chủ tịch Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani Sandeep Mehta thuộc tập đoàn Adani cũng thay mặt tỷ phú Gautam Adani cam kết khoản đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam.
Sự quan tâm của ông Gautam Adani đến Việt Nam phần nào còn thể hiện qua bức ảnh chụp cùng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng được ông đăng tải trên mạng xã hội hồi đầu tháng 11. Đây là cuộc gặp để hai tỷ phú thảo luận về cơ hội hợp tác ở cả Việt Nam và Ấn Độ.
Đáng chú ý, Ấn Độ cũng nằm trong danh sách các thị trường mà VinFast hướng đến. Sau kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ và Indonesia, VinFast dự định xây dựng thêm nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ, thị trường ôtô lớn thứ 3 thế giới. Tổng vốn đầu tư nhà máy này dự kiến khoảng 150-200 triệu USD với công suất giai đoạn 1 tới 50.000 xe/năm.
Tập trung chủ yếu vào mảng năng lượng
Thực tế, tập đoàn Adani bắt đầu hiện diện tại Việt Nam vào năm 2018 thông qua hai dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo là nhà máy điện gió Adani Phước Minh và nhà máy điện mặt trời Adani Phước Minh.
Dự án điện gió Adani Phước Minh được phê duyệt năm 2018, bắt đầu khởi công năm 2020 và đi vào hoạt động thương mại từ cuối năm 2021. Với công suất 27,3 MW, nhà máy đặt tại Ninh Thuận là liên doanh giữa Adani với CTCP TSV của Việt Nam mà trong đó Adani nắm 80% vốn điều lệ.
Tương tự, nhà máy điện mặt trời Adani Phước Minh cũng được đặt tại Ninh Thuận và là liên doanh với TSV. Đây là dự án điện mặt trời có công suất 50 MW, nằm trên khu đất 59,86 ha với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng.
Nhà máy điện gió Adani Phước Minh đặt tại Ninh Thuận. Ảnh: Vietranstimex. |
Hay trong cuộc gặp với Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây, đại diện tập đoàn Adani cũng tiết lộ đang cân nhắc đầu tư vào một số nhà máy nhiệt điện của Việt Nam và các dự án nhiệt năng cần thiết.
Ngoài lĩnh vực năng lượng, tập đoàn Ấn Độ còn đang xúc tiến đầu tư 2 tỷ USD vào dự án cảng Liên Chiểu ở Đà Nẵng.
Theo báo cáo thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải, dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung, đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển khu bến cảng Liên Chiểu giai đoạn đầu thông qua lượng hàng 3,5-5 triệu tấn/năm và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo theo quy hoạch.
Các hạng mục như kè chắn sóng, đê chắn sóng, luồng tàu, giao thông kết nối cảng, hạ tầng kỹ thuật kết nối... có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở 6.000-8.000 TEU.
Dự án được kỳ vọng đóng góp 5.000 việc làm cho khu vực Đà Nẵng, đồng thời mang về 30 triệu USD (tương đương 0,6% GDP của Đà Nẵng năm 2022). Con số này dự kiến tăng nhanh lên mức 80 triệu USD, xấp xỉ 2,1% GDP Đà Nẵng vào năm 2030.
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...