Tháng 1 năm nay, Tập đoàn SoftBank của doanh nhân Son tung hoành như mãnh hổ trên thương trường, bơm hàng tỷ USD vào các startup “kỳ lân”, từ công ty chia sẻ văn phòng WeWork cho đến hãng thiết kế phương tiện tự lái Nuro. Nhưng đến cuối năm, nhà đầu tư Nhật Bản lao đao với gói cứu trợ 9,5 tỷ USD dành cho WeWork.
Từ con số 47 tỷ USD trên trời, mức định giá của WeWork giờ chỉ còn vỏn vẹn 8 tỷ USD. Thậm chí có nhiều nhà phân tích tài chính cho rằng con số thực sự của startup này chỉ là 0 USD. Nhưng năm tồi tệ của SoftBank không chỉ bao gồm sự sụp đổ của WeWork.
Cổ phiếu của Uber Technologies và Slack Technologies - hai công ty được quỹ Vision Fund rót vốn - đều sụt giá thảm hại sau đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Các nhà đầu tư bắt đầu nghi ngại về những quyết định của tỷ phú Son. Với các quỹ đầu tư mạo hiểm kiếm lời từ IPO, sự ngờ vực là “nụ hôn của thần chết”.
Vậy tỷ phú Masa Son đã đánh mất lòng tin như thế nào?
Tỷ phú Nhật Bản đánh mất lòng tin sau bê bối WeWork. Ảnh: Business Insider. |
Nhà tư bản cực đoan
Trong suốt 3 năm qua, CEO SoftBank liên tục đầu tư dữ dội với những thủ đoạn chèn ép cứng rắn. Nếu một startup từ chối tiền đầu tư của SoftBank, Masa Son đe dọa sẽ bơm vốn cho công ty đối thủ hoặc dồn tiền cho các hãng cạnh tranh và buộc chúng sáp nhập.
Chiến thuật tàn nhẫn này trở thành gánh nặng khi các startup được SoftBank bơm vốn lao đao sau IPO. “Giờ đây chúng ta nhận ra rằng Son không phải một nhà đầu tư công nghệ. Ông ta chỉ là một nhà tư bản cực đoan, vẫn sử dụng lại mô hình kinh doanh của thế kỷ 19. Đó là vắt kiệt người lao động để kiếm lợi nhuận”, nhà phân tích Shuli Ren của Bloomberg bình luận.
Hãy nhìn lại danh mục đầu tư của Vision Fund. Thay vì đầu tư vào những công nghệ thực sự như trí tuệ nhân tạo (Al) hay thiết kế chip, quỹ này tập trung 40% tiền đầu tư vào các công ty vận tải và hậu cần như Uber và các phiên bản khác của nó trên khắp thế giới.
Các tài xế xe ôm công nghệ từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Jakarta (Indonesia) đều không có bảo hiểm hay trợ cấp hưu trí, họ chỉ được trả tiền cho mỗi chuyến đi. Mô hình này cũng được áp dụng ở các lĩnh vực khác bên ngoài vận tải. Chuỗi khách sạn Oyo Hotels & Homes ở Ấn Độ buộc các đối tác phải gánh phần chi phí cố định quá lớn, theo New York Times.
Khủng hoảng của WeWork khiến uy tín của tỷ phú Masa Son sa sút nghiêm trọng. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, bây giờ không còn là thế kỷ 19 nữa và người lao động có tiếng nói của họ. Chỉ riêng tại Trung Quốc, ba startup “kỳ lân” được SoftBank rót vốn đối mặt với 32 cuộc đình công hồi năm ngoái. Nhà phân tích Shuli Ren cho rằng sớm hay muộn, chính phủ các nước sẽ can thiệp để bảo vệ người lao động.
Như vậy, nhiều khả năng phần lớn startup được Masa Son chống lưng sẽ rất khó kinh doanh có lãi. Con đường tìm đến lợi nhuận với các startup này sẽ rất dài và gian nan. Với một số, nó sẽ dẫn tới vực thẳm.
Nợ khổng lồ
Theo nhà phân tích Shuli Ren, vấn đề nằm ở chỗ phần lớn vốn của SoftBank là nợ. Tập đoàn này đang khan hiếm tiền mặt. Các công ty con của SoftBank - từ Sprint đến ARM Holdings - đều không có lãi đáng kể.
Do đó, SoftBank phải đi vay. Theo Bloomberg, tập đoàn của Masa Son đang nợ tới 4.500 tỷ yen (41 tỷ USD).
Rất nhiều người vẫn tin tưởng vào SoftBank. Tuy nhiên, Vision Fund đã hoạt động hết công suất. Quỹ Vision Fund 2 được dự báo sẽ có quy mô nhỏ hơn nhiều do giới đầu tư quốc tế hoang mang với thất bại của WeWork và Uber. Vì vậy, sẽ rất khó để Masa Son bán cổ phần của ông ta ở các startup “kỳ lân”.
Tệ hơn nữa, SoftBank đã đổ quá nhiều tiền để giải cứu WeWork. Công ty này đã ký các hợp đồng có tổng trị giá lên tới 47 tỷ USD để thuê không gian văn phòng khắp thế giới. SoftBank sẽ phải tìm cách bơm tiền thực hiện các hợp đồng này. Mà các ngân hàng Nhật Bản - trước đây vẫn luôn tôn sùng và tin tưởng Masa Son - đã bắt đầu hoài nghi.
Thậm chí một số chuyên gia tài chính còn cho rằng Masa Son còn không phải là một nhà tư bản thính nhạy như nhiều người nghĩ. Tính đến tháng 9 năm nay, quỹ Vision Fund kiếm được 11,4 tỷ USD - phần lớn là lãi trên giấy - từ 76,3 tỷ USD tiền đầu tư trong 2 năm qua.
Quỹ Vision Fund 2 của SoftBank khó huy động vốn sau những thất bại gần đây của Masa Son. Ảnh: CNBC. |
Trong khi đó, Tiger Global Management - một quỹ đầu tư khác - có kết quả kinh doanh tốt hơn nhiều. Đa phần lãnh đạo các quỹ phòng hộ hiện nay đều tiết kiệm và thận trọng hơn ông Son, người có thói quen ra quyết định đầu tư chỉ sau 10 phút gặp mặt nhà sáng lập startup.
Theo nhà phân tích Shuli Ren, bước sang năm 2020, tỷ phú Masa Son sẽ đối mặt với rất nhiều thử thách. Dự kiến một số startup “kỳ lân” có mức định giá trên 10 tỷ USD như Bytedance và Didi Chuxing sẽ IPO.
Khi đó, giới đầu tư sẽ biết tỷ phú Nhật Bản thật sự là người có tầm nhìn xa trông rộng hay chỉ là một nhà tư bản tầm thường và vô đạo, có nhiều tiền trong tay nhưng mắc quá nhiều sai lầm trầm trọng.