Chiều 1/10, TP.HCM tổ chức họp báo về tình hình, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn trong 24 giờ qua cũng như làm rõ các chủ trương, định hướng sắp tới của thành phố theo Chỉ thị 18.
Tín hiệu tích cực khi số ca tử vong giảm mạnh
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính hết ngày 29/9, số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là hơn 28.100 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung hơn 18.000 người. Số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 gần 33.000 người.
Số trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị hơn 3.000; số phụ nữ mang thai đang điều trị là 261; số ca xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay gần 207.000 người. Số ca tử vong trong ngày còn 96 người, giảm xuống dưới mốc 100 ca/ngày.
Người dân TP.HCM ra đường đông đúc trở lại trong ngày đầu áp dụng Chỉ thị 18. Ảnh: Y Kiện. |
Thành phố có hơn 2,3 triệu hộ dân, trong đó 396.166 hộ dân thuộc vùng đỏ, hơn 175.700 hộ dân thuộc vùng cam. Trong 6 đợt đầu, vùng cam, đỏ thực hiện test nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người dân.Tỷ lệ dương tính giảm từ 3,7% (đợt 1) xuống còn 1,1% (đợt 6).
Vùng xanh, cận xanh và vàng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp theo đại diện hộ gia đình với tỷ lệ dương tính lần lượt giảm từ 0,9% và 1,8% (đợt 1) xuống còn 0,7% và 0,9% (đợt 3).
Lưu thông hàng hóa sau khi TP mở cửa
Về vấn đề lưu thông hàng hóa sau khi TP mở cửa, lượng hàng hóa tăng giảm ra sao, giá cả có chênh lệch, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết theo luật cung cầu, nếu hàng hóa về càng nhiều, giá cả càng giảm. Hôm nay, lượng hàng về TP.HCM có tăng so với hôm qua (tăng 5.137 tấn, tương đương 0,3%). Các hệ thống phân phối hiện đại chiếm hơn 1.195 tấn; các doanh nghiệp bình ổn chiếm hơn 3.500 tấn; tại các chợ đầu mối chiếm hơn 800 tấn.
Theo bà Ngọc, ở ngày đầu tiên, việc mở cửa trở lại của TP có làm tăng lượng hàng hóa. Do đó, trong thời gian tới, giá cả hàng hóa có thể sẽ tiếp tục giảm.
“Sở Công Thương đang làm việc và tìm nhiều giải pháp đưa nguồn hàng về TP.HCM hơn nữa”, bà Ngọc cho hay.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Đối với việc xét nghiệm shipper, Sở Công Thương đã chuyển hết tất cả bộ kit test đến các doanh nghiệp, đơn vị. Từ 1/10, Sở cũng đang xin ý kiến về kế hoạch xét nghiệm tiếp theo. “Sở luôn xem lực lượng shipper là lực lượng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống dịch này”, bà Ngọc nói.
Hộ kinh doanh nhỏ lẻ đón lao động ngoại tỉnh ra sao?
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT), thông tin về phương án tổ chức giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh. Theo quy định của các bộ tiêu chí và công văn mà UBND TP.HCM gửi tới các tỉnh ngày 30/9 thì người đến thành phố phải có vaccine và xét nghiệm âm tính. Với các vùng lân cận, hiện nay, do người qua lại giữa các tỉnh phải có ý kiến của địa phương nên Sở GTVT đang phối hợp với các tỉnh để đưa ra phương án. Sáng mai, 2/10, Sở GTVT TP sẽ dự họp với các tỉnh để bàn vấn đề này.
Phóng viên đặt câu hỏi về việc TP.HCM đưa ra 3 phương thức vận chuyển người ngoại tỉnh về TP.HCM. Tuy nhiên, đối tượng trong phương án này chủ yếu là cơ sở sản xuất kinh doanh lớn. Còn các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ thì phương án ra sao?
Trả lời, ông Bằng cho biết dự kiến sau khi mở cửa trở lại thì nhu cầu người lao động sẽ tăng cao, đòi hỏi đưa đón người lao động từ các địa phương về TP.HCM. Sở GTVT đang là đầu mối thực hiện. TP sẽ đón người về qua các đầu mối như UBND địa phương, ban quản lý các doanh nghiệp.
Như vậy, hộ kinh doanh có thể thông qua quận, huyện, phường, xã để phối hợp với Sở GTVT, vận chuyển về thành phố.
TP.HCM hỗ trợ 1.300 người dân về quê trong sáng 30/9
Đại diện Công an TP.HCM thông tin về tình trạng người dân kéo về các chốt cửa ngõ thành phố trong ngày 30/9. Theo đó, khi phát hiện người dân tụ tập đông người tại các chốt cửa ngõ, lực lượng công an TP đã tuyên truyền, vận động người dân ở lại, cùng tham gia vào quá trình phục hồi kinh tế của thành phố; cùng với đó là thực hiện 5K, đảm bảo yêu cầu y tế.
Trong đoàn bà con tập trung về quê có rất nhiều trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai... nên việc di chuyển tập trung qua các điểm đông đúc thì nguy cơ rất cao. Thứ hai, sau khi tuyên truyền, vận động và bà con vẫn nhất quyết về quê, lực lượng công an TP phối hợp với Sở GTVT để phân chia các đoàn và phát phiếu, thu thập thông tin nhân thân, kèm theo đó là yếu tố dịch tễ như tiêm vaccine, test nhanh Covid-19…
Sau khi trao đổi Sở GTVT và Bộ Tư lệnh TP, lực lượng chức năng đã điều xe buýt để chở người và phương tiện của người dân về quê. Xe CSGT sẽ dẫn đường đưa người dân về địa phương để tiếp nhận, xử lý.
“Đến 14h ngày 1/10, Công an TP đã giải quyết, hỗ trợ khoảng 1.300 người dân về quê, bà con rất phấn khởi”, đại diện Công an TP thông tin.
Thông tin thêm về ngày đầu nới lỏng giãn cách, Công an TP.HCM đã kiểm tra ngẫu nhiên việc lưu thông của hơn 3.000 phương tiện, chủ yếu kiểm tra quy định tham gia giao thông và điều kiện ra đường của công dân. Hiện, công an mới nhắc nhở và chưa xử phạt.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (TTTT), cho biết trong ngày đầu tiên cổng An toàn Covid-19 của TP.HCM đi vào hoạt động đã phục vụ 8.600 doanh nghiệp lấy mã QR. Đến chiều 1/10, khoảng 28.600 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký lấy mã QR để hoạt động. Sở cũng tổ chức lực lượng để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký lấy mã QR.
TP.HCM tiêm đủ mũi vaccine cho 60% người trên 50 tuổi
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết trong kho HCDC tính đến 30/9 còn trên 600.000 liều Vero Cell, chưa kể số lượng đã phân bổ về 22 địa phương.
“Như vậy, tình hình chung là không có chuyện hết vaccine Vero Cell”, ông Tâm khẳng định và cho biết sẽ rà soát các địa phương gặp khó khăn để hỗ trợ (nếu có).
Về tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người trên 50 tuổi, ông Tâm thông tin cách đây mấy ngày, ông công bố tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi là 100% mũi 1. Tuy nhiên, sau khi các địa phương rà soát lại dân số thì nhận thấy số dân cao hơn thống kê ban đầu, do đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho nhóm này giảm xuống 95%.
Về tỷ lệ tiêm mũi 2, đến nay, TP.HCM đã tiêm 60% mũi 2 cho nhóm người trên 50 tuổi. Như vậy, tỷ lệ tiêm 2 mũi cho nhóm này đã tăng 15% so với 2 ngày trước.
Liên quan giải pháp cho người lao động chống chỉ định tiêm vaccine trở lại làm việc, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết tất cả chủ trương, chính sách của Nhà nước đều gắn với việc chăm sóc sức khỏe, quyền lợi cho người lao động. Việc tiêm vaccine cũng nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong môi trường làm việc trước tác động của dịch Covid-19.
Theo bà Mai, đối với người bị chống chỉ định tiêm hiện nay không nhiều. Việc người lao động được đi làm hay không còn phụ thuộc vào cá nhân người lao động và doanh nghiệp. Người lao động có thể được bố trí làm việc tại nhà.
Về việc thu phí điều trị Covid-19 tại các cơ sở tư nhân, Sở Y tế đã có văn bản về cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế chuyển đổi công năng. Trong đó, đối với người bệnh Covid-19, ngân sách Nhà nước chi trả chi phí khám, chữa bệnh do Covid-19, bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc (trừ thuốc Remdesivir 100 mg, Molnupiravir 400 mg đã được Sở Y tế cấp), máu, dịch truyền... theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Đối với bệnh khác: Người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám, chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT. Với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có), người bệnh phải tự chi trả theo quy định.
Người không có thẻ BHYT sẽ tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Về các chi phí liên quan điều trị Covid-19: Sở Y tế TP.HCM tạm thanh toán cho cơ sở y tế tư nhân các chi phí bao gồm: Chi phí ăn uống 80.000 đồng/người bệnh/ngày, phí sinh hoạt 40.000 đồng/người bệnh/ngày. Trường hợp người bệnh điều trị Covid-19 tại cơ sở y tế tư nhân tử vong, ngân sách nhà nước sẽ chi trả các chi phí mai táng. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM đề nghị bệnh viện ngoài công lập không từ chối hoặc yêu cầu người mắc Covid-19 ký cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí (như yêu cầu người bệnh không sử dụng ngân sách nhà nước, thẻ BHYT...,); không được thu thêm chi phí điều trị bệnh Covid-19 của người bệnh.
Còn với các dịch vụ khác ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng và tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích theo yêu cầu của người bệnh...), bệnh viện tư nhân được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận, nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).
“TP.HCM thấy mình có trách nhiệm vì chăm lo chưa chu đáo, để người dân tự phát về quê”
Liên quan việc người dân đổ về cửa ngõ TP.HCM vào tối 30/9 để về quê, Phó ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải chia sẻ người dân nào đến thành phố với bất kỳ mục đích từ học tập, làm việc, du lịch, tham quan, TP cũng rất trân trọng, đón tiếp và chăm sóc để người dân có điều kiện tốt nhất.
“Đối với những người dân lao động thì TP càng trân trọng, vì chính những người này đã góp phần tạo ra của cải vật chất, tạo ra kinh tế cho TP. Thành phố luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, con em, đề ra các giải pháp chăm lo cho người lao động vì các bà con, cô bác xứng đáng được nhận”, ông Hải nói.
Ông Hải cho hay khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 18, UBND TP biết sẽ có nhiều người bày tỏ mong muốn về quê, thế nhưng, trong bối cảnh nhiều dịch vụ, cửa hàng, nhà máy, doanh nghiệp hoạt động trở lại, TP vẫn vận động bà con ở lại. Trường hợp người dân muốn về, thành phố sẽ phối hợp địa phương chăm lo chu đáo, đưa người dân về an toàn. Ông Hải cho biết đến nay, TP.HCM đã tổ chức 54 đợt và đưa hơn 37.000 người về quê theo nguyện vọng.
“Với sự kiện đêm 30/9, TP thấy mình có trách nhiệm khi chăm lo chưa chu đáo, để người dân tự phát về quê”, ông nói. Ông Hải cho biết trong sáng nay, theo nguyện vọng của người dân về quê, TP đã phối hợp các tỉnh, tạo điều kiện đưa bà con về quê chu đáo.
7 nhóm được hoạt động trở lại
Từ 18h ngày 30/9, TP.HCM cho phép 7 nhóm được hoạt động trở lại; trong đó, lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ có 9 mục được hoạt động.
TP.HCM tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, rạp xiếc, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; hoạt động chợ tự phát, bán hàng rong, vé số dạo.
Chỉ thị mới của TP.HCM đặt ra 3 mục tiêu. Thứ nhất là tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên toàn thành phố; kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở.
Thứ hai, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân thành phố. Thứ ba, đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Tính đến 1/10, TP.HCM ghi nhận hơn 388.000 ca nhiễm nCoV. Đô thị lớn nhất cả nước từng bước mở cửa trở lại sau khi trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ.