Sau một tháng từ khi quân đội triển khai lực lượng hỗ trợ siết chặt giãn cách tại TP.HCM, TP ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực như số ca tử vong giảm, nhiều quận huyện tuyên bố kiểm soát được dịch. Tuy vậy, quân đội chưa có kế hoạch thu quân. 4.000 cán bộ chiến sĩ vừa nhận lệnh tăng cường đến TP.HCM để phục vụ công tác xét nghiệm.
Trao đổi với Zing, Phó cục trưởng Cục Quân y Nguyễn Vân Giang, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, khẳng định hoạt động tăng cường quân đội cho nhiệm vụ xét nghiệm hoàn toàn dựa trên yêu cầu của TP.HCM. Ông cho biết quân đội vẫn đang giúp thành phố hiện thực hóa 3 chiến lược chống dịch.
Chiến lược thứ nhất là xét nghiệm diện rộng có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm để bóc F0 khỏi cộng đồng. Xét nghiệm diện rộng cũng sẽ giúp quản lý, chăm sóc tốt cho F0 tại cơ sở.
Phó cục trưởng Cục Quân y Nguyễn Vân Giang (phải) trao đổi với đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng đoàn Học viện Quân y tại TP.HCM. Ảnh: Ngọc Tân. |
Chiến lược thứ 2 là phấn đấu tiêm đủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên. Hiện 94% người thuộc đối tượng này đã được tiêm mũi 1 và 30% được tiêm đủ 2 mũi. Như vậy, mục tiêu này đã gần đạt được.
Chiến lược thứ 3 là tăng cường lực lượng, phương tiện, nâng cao khả năng hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện thuộc tầng 3 để giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong. Hiện, 2 bệnh viện hồi sức Covid-19 của quân đội hoạt động rất hiệu quả là Bệnh viện 175 và Bệnh viện dã chiến 5G.
Đại tá Giang cho biết thời gian tới quân đội sẽ xét nghiệm toàn diện cho người dân ở vùng đỏ, vùng cam và xét nghiệm đại diện hộ gia đình ở vùng xanh, đảm bảo tính trọng tâm của công tác này.
"Quan điểm là bóc hết F0 khỏi cộng đồng, bởi khi còn F0 trong cộng đồng thì sẽ lại lây nhiễm cho người khác", ông Giang chia sẻ.
Khi được hỏi về luồng ý kiến cho rằng TP.HCM phải chấp nhận có ca nhiễm trong cộng đồng thay vì theo đuổi mục tiêu "zero Covid-19", lãnh đạo Cục Quân y bày tỏ đồng tình với quan điểm này.
"Hoàn toàn chính xác, mục tiêu là sống chung. Nhưng trên thực tế sẽ khó đạt được. Chúng ta vẫn phải cố gắng để càng ít F0 trong cộng đồng càng tốt", đại tá Nguyễn Vân Giang chia sẻ. Ông lấy ví dụ 10 F0 sẽ lây cho 100 người, nhưng nếu 9 ca đã được phát hiện và điều trị thì chỉ còn 1 ca có khả năng lây lan.
Dự kiến, 4.000 quân được tăng cường cho TP.HCM sẽ tham gia chiến dịch xét nghiệm toàn thành phố từ nay đến ngày 30/9. Quân đội triển khai 5 xe xét nghiệm lưu động thực hiện nhiệm vụ. Nếu làm đủ công suất, toàn TP.HCM sẽ xét nghiệm được 1,2 triệu mẫu/ngày.
Vừa qua, 4 địa phương tại TP.HCM tuyên bố kiểm soát được dịch bệnh gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ và mới nhất là huyện Nhà Bè. Trong đó, các tổ quân y lưu động đang đảm nhận 2 địa bàn là quận 7 và Củ Chi.
Đại tá Nguyễn Vân Giang cho biết thời gian qua số F0 tại quận 7 đã giảm đi rất nhiều, thể hiện sự hiệu quả của các trạm y tế lưu động do quân y đảm nhiệm. Tại Củ Chi, do điều kiện cho phép nên các F0 được đi cách ly tập trung, các tổ quân y tham gia điều trị F0 ngay trong khu cách ly.
Một trạm xá lưu động tại quận 7 được trưng dụng từ trường mầm non. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Thấy F0 đã giảm, chúng tôi cũng muốn rút một số lực lượng từ quận 7 và Củ Chi về nhưng chưa được. Theo đề nghị của 2 quận huyện này, họ muốn lực lượng quân y ở lại để tiếp tục chăm sóc F0 và để lực lượng y tế địa phương dần thay thế", lãnh đạo Cục Quân y chia sẻ.
Lãnh đạo ngành quân y khẳng định khi nào người dân TP.HCM vẫn còn cần đến thì lực lượng vẫn tiếp tục ở lại, giúp đỡ người dân cho đến khi làm chủ được khâu chăm sóc y tế và trở lại bình thường mới.
"Quận 7 và Củ Chi đang tăng cường nhân lực y tế. Với việc điều trị tại nhà bằng thuốc hiệu quả, tôi tin tưởng rằng lực lượng y tế địa phương sẽ dần thay thế vai trò của quân y trong thời gian tới", đại tá Giang nói.
Bình luận