Theo ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong số hơn 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước, chỉ có khoảng trên 10% đơn vị tuân thủ pháp luật hải quan ở mức trung bình và cao, chiếm trên 83% kim ngạch và tờ khai.
Điều này đồng nghĩa với thực tế đang có gần 90% doanh nghiệp chỉ tuân thủ ở mức thấp hoặc không tuân thủ.
Mục tiêu 80-90% tờ khai được phân loại luồng xanh
Trước thực trạng này, vị lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành hải quan.
"Chúng tôi xác định đây là trách nhiệm trước hết của cơ quan hải quan. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nỗ lực để duy trì và nâng cao mức độ tuân thủ của cộng đồng doanh nghiệp, thông qua chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan", ông nhấn mạnh.
Tại Hội nghị triển khai và ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện chương trình sáng 16/9, ông Hoàng Việt Cường cho biết giai đoạn đầu lựa chọn khoảng 266 doanh nghiệp tham gia, với đầy đủ loại hình gồm doanh nghiệp nhà nước, FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các lĩnh vực ngành nghề khác nhau.
Những doanh nghiệp này sẽ được cơ quan hải quan tổ chức các luồng thông quan riêng, hoặc bố trí cán bộ xử lý riêng tùy khả năng của từng chi cục, qua đó doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hàng trăm doanh nghiệp sẽ được hải quan hỗ trợ thông quan nhanh chóng khi cam kết tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo thống kê của ngành hải quan, tỷ lệ tờ khai được xử lý theo luồng xanh hiện hơn 66%, luồng vàng gần 30%, còn lại là luồng đỏ. Ông Hoàng Việt Cường cho biết nếu giai đoạn đầu được triển khai tốt, chương trình sẽ tiếp tục nhân rộng, tiến tới tỷ lệ tờ khai luồng xanh đạt 80-90%.
Đồng thời, các vướng mắc phát sinh, kể cả từ các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cũng sẽ được hải quan hỗ trợ làm đầu mối tổng hợp phản ánh, kiến nghị và tháo gỡ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo và tham vấn về cơ chế chính sách, pháp luật hải quan.
Sau 2 năm thí điểm, Tổng cục Hải quan kỳ vọng sẽ hỗ trợ khoảng 300 doanh nghiệp từng bước cải thiện mức độ tuân thủ, đạt tỷ lệ 80% đơn vị tuân thủ trung bình và cao. Trong vòng 5 năm, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Sự phối hợp giữa nhiều bên
Để đạt được những mục tiêu này, bên cạnh các cam kết từ phía hải quan, ông Hoàng Việt Cường đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ và lan tỏa văn hóa tự nguyện tuân thủ pháp luật. Các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò giám sát chương trình từ cả 2 phía.
Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp và hải quan thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy làm cơ sở tạo thuận lợi thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
"Thời gian qua vẫn có những khoảng cách nhất định giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Với chương trình này chúng tôi mong muốn 2 bên thu hẹp khoảng cách, thiết lập mối quan hệ đối tác tin cậy làm cơ sở tạo thuận lợi thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp", ông nói.
Mặt khác, ông cho rằng doanh nghiệp cũng nên tìm đến sự hỗ trợ của các đại lý logistics. Hiện có khoảng 1.413 đại lý làm thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng số tờ khai được thực hiện qua đại lý chỉ chiếm 7%.
"Chúng tôi rất trăn trở về con số này. Bởi theo thông lệ quốc tế và kinh nghiệm một số nước hải quan phát triển, số tờ khai thông qua đại lý thường chiếm hơn 90%. Nếu qua đại lý, việc khai báo hải quan, cơ sở dữ liệu đưa vào hệ thống sẽ đủ độ tin cậy hơn. Do đó trong chương trình, chúng tôi cũng phối hợp với các hiệp hội để lựa chọn đại lý uy tín và có cơ chế tạo thuận lợi hơn nữa cho các đại lý", lãnh đạo Tổng cục Hải quan chia sẻ.
Nhằm đạt hiệu quả tối đa, chương trình có sự hỗ trợ của Dự án tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ. Ông Andy Allan, Chuyên gia cao cấp về tạo thuận lợi thương mại của dự án nhấn mạnh đây là ví dụ cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh cho thị trường Việt Nam.
Dự án của USAID kéo dài trong 5 năm (2018-2023) với tổng vốn 21,7 triệu USD cam kết hỗ trợ Chính phủ áp dụng cách tiếp cận quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan và kiểm tra chuyên ngành cũng như hỗ trợ tăng cường công tác thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ Việt Nam phát triển môi trường thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.