Đà tăng của tỷ giá USD/VNĐ tại các ngân hàng thương mại chưa có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới hôm nay (3/10), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam so với USD tăng thêm 12 đồng, lên mức 23.412 đồng/USD. Xét trên biểu đồ hàng ngày, tỷ giá trung tâm đã duy trì xu hướng tăng kéo dài từ trung tuần tháng 9 đến nay.
Mức hiện tại là tỷ giá trung tâm cao nhất NHNN đưa ra trong nhiều năm trở lại đây để quy đổi giữa Đồng Việt Nam và USD.
Không chỉ tỷ giá trung tâm ghi nhận xu hướng tăng, cuối tuần trước, NHNN cũng đã nâng giá bán USD tại các Sở giao dịch lên 23.925 đồng/USD, cao hơn 225 đồng so với trước đó. Đây cũng là lần điều chỉnh tăng thứ 3 trong năm nay của NHNN với giá bán đồng bạc xanh. Trong khi đó, giá mua vào vẫn được NHNN bỏ trống.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá này thêm 905 đồng, tương đương 3,9%.
Tỷ giá USD/VNĐ chưa ngừng tăng
Với các động thái kể trên của NHNN, không khó hiểu khi giá bán USD trên kênh ngân hàng thương mại đầu tuần hôm nay tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng cao. Trong đó, tất cả ngân hàng thương mại trong nước sáng nay đã nâng giá bán đồng ngoại tệ này lên trên mốc 24.000 đồng.
Cụ thể, Vietcombank sáng nay niêm yết giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 23.760 - 24.040 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 30 đồng so với phiên liền trước. Nếu so với đầu tuần trước, mức tăng tại đây đã là 170 đồng.
Xét trên biểu đồ hàng ngày, tỷ giá quy đổi USD/VNĐ tại Vietcombank cũng đang trong xu hướng tăng liên tục kể từ trung tuần tháng 9. Còn nếu so với đầu năm, tỷ giá mua - bán đồng bạc xanh tại nhà băng này đã tăng tới 1.120 đồng, tương đương mức tăng ròng 4,9%.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận tại nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh khác là VietinBank, Agribank và BIDV.
Trong đó, VietinBank hiện chấp nhận mua vào đồng bạc xanh ở 23.766 đồng/USD và bán ra ở 24.046 đồng/USD, tăng 106 đồng so với tuần trước và cao hơn 1.021 đồng so với đầu năm, tương đương 4,4%.
TỶ GIÁ USD/VNĐ LIÊN TỤC TĂNG MẠNH | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Diễn biến tỷ giá USD/VNĐ tại Vietcombank. Nguồn: VCB; Tổng hợp | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 3/1 | 10 | 17 | 24 | 31 | 7/2 | 14 | 21 | 28 | 7/3 | 14 | 21 | 28 | 4/4 | 11 | 18 | 25 | 2/5 | 9 | 16 | 23 | 30 | 6/6 | 13 | 20 | 27 | 4/7 | 11 | 18 | 25 | 1/8 | 8 | 15 | 22 | 29 | 5/9 | 12 | 19 | 26 | 3/10 | |
Mua vào | đồng/USD | 22640 | 22540 | 22570 | 22530 | 22500 | 22530 | 22580 | 22650 | 22670 | 22710 | 22750 | 22730 | 22735 | 22700 | 22720 | 22780 | 22840 | 22815 | 22815 | 22950 | 23035 | 23050 | 23055 | 23060 | 23100 | 23110 | 23190 | 23210 | 23310 | 23250 | 23210 | 23250 | 23260 | 23265 | 23270 | 23400 | 23390 | 23530 | 23590 | 23760 |
Bán ra | 22920 | 22820 | 22850 | 22810 | 22780 | 22810 | 22860 | 22930 | 22950 | 22990 | 23030 | 23010 | 23015 | 22980 | 23000 | 23060 | 23120 | 23095 | 23095 | 23230 | 23315 | 23330 | 23335 | 23340 | 23380 | 23390 | 23470 | 23490 | 23590 | 23530 | 23490 | 23530 | 23450 | 23545 | 23550 | 23680 | 23670 | 23810 | 23870 | 24040 |
BIDV hiện niêm yết giá mua - bán ngoại tệ này ở 23.765 - 24.045 đồng/USD, cao hơn 190 đồng so với đầu tuần trước và 1.085 đồng so với đầu năm; Agribank đưa ra mức giá 23.720 - 24.000 đồng cho đồng USD, tăng lần lượt 160 đồng sau một tuần và 1.080 đồng từ đầu năm.
Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, giá bán USD cũng đã tăng vượt mốc 24.000 đồng.
Trong đó, HDBank hiện chấp nhận mua vào USD ở mức 23.790 đồng và bán ra ở mức 24.030 đồng, cao hơn 40 đồng so với cuối tuần trước và 180 đồng so với một tuần trước. Tương tự, Techcombank đưa ra mức giá 23.765 - 24.047 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 40 đồng so với phiên liền trước; Eximbank chấp nhận mua vào ở mức 23.750 đồng và bán ra ở 24.010 đồng/USD, tăng 50 đồng; Sacombank niêm yết ở 23.805 - 24.045 đồng/USD, tăng tới 182 đồng…
Đáng chú ý, trong bối cảnh giá USD tăng mạnh trên kênh chính thức, giá USD bên ngoài thị trường tự do lại giữ xu hướng ổn định hơn.
Hiện các đầu mối quy đổi ngoại tệ ở Hà Nội vẫn chấp nhận bán ra đồng bạc xanh ở mức 24.200 đồng/USD, không thay đổi so với cuối tuần trước. Nếu so với một tuần trước, tỷ giá USD/VNĐ trên thị trường này thậm chí đã giảm 90 đồng.
Ở chiều ngược lại, giá USD tự do hiện được mua vào ở mức 24.150 đồng, tăng 50 đồng so với cuối tuần trước nhưng vẫn thấp hơn 50 đồng so với một tuần trước đó.
Sức ép vẫn lớn
Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc NHNN tiếp tục phải sử dụng công cụ tỷ giá trong bối cảnh vừa tăng lãi suất điều hành cho thấy sức ép lớn vẫn đang duy trì với các chỉ báo ổn định kinh tế vĩ mô.
Với bối cảnh xung đột chính trị thế giới tiếp tục leo thang, rủi ro hệ thống gia tăng, nhiều khả năng các thị trường tài chính sẽ tiếp tục quá trình định giá lại từ đó tác động tới mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước.
Việt Nam phải giữ bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào Việt Nam
TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Tại Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022 diễn ra gần đây, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết lạm phát toàn cầu là một hiện tượng phổ biến thời gian qua. Với Việt Nam, yếu tố lạm phát chưa quá đáng ngại bởi tỷ giá, lãi suất, cung tiền đang được điều hành tốt.
Ông Phước cho rằng NHNN đã làm tốt việc để tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 0,6% từ đầu năm và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3% theo mức tỷ giá trung tâm này. Như vậy, sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam đã bị ngừng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.
Với yếu tố này, ông Phước cho rằng Việt Nam cần phải giữ bằng được tỷ giá ổn định. Nếu “phòng tuyến” này bị phá vỡ, lạm phát quốc tế sẽ tràn vào thị trường trong nước.
Tuy vậy, TS Trương Văn Phước cũng cho rằng cơ quan quản lý tiền tệ trong nước đang đứng trước hai khó khăn, nếu ổn định tỷ giá thì phải can thiệp, mà can thiệp trong bối cảnh xuất khẩu cũng không dễ dàng.
Ông đề xuất NHNN nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ như là cầu về ngoại hối hiện nay sẽ di chuyển tới tương lai. “Đây là vấn đề cần cân nhắc, nhưng sự đánh đổi này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay", ông chia sẻ.