Giá bán USD trên cả kênh ngân hàng và thị trường tự do đều đã giảm mạnh phiên hôm nay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sáng ngày 14/3, tỷ giá quy đổi USD sang Đồng Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận dấu hiệu hạ nhiệt trên tất cả các kênh.
Cụ thể, sáng nay, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam (VND) với USD ở mức 23.618 đồng/USD, giảm 20 đồng so với ngày hôm qua. Với biên độ dao động +/- 5% theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá quy đổi sàn/trần các ngân hàng thương mại được phép giao dịch với đồng USD hôm nay lần lượt là 22.437,1 đồng/USD và 24.798,9 đồng/USD.
Trên kênh ngân hàng thương mại, xu hướng giảm của đồng USD cũng ghi nhận tại hầu hết ngân hàng, tuy nhiên, giá mua vào hiện vẫn phổ biến trên mốc 23.400 đồng/USD và bán ra trên mức 23.700 đồng/USD.
Trong đó, Vietcombank niêm yết giá giao dịch đồng bạc xanh ở mức 23.430 - 23.770 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng nhẹ 30 đồng so với ngày hôm qua, nhưng đã giảm 70 đồng so với cuối tuần trước.
Tương tự, BIDV hiện chấp nhận mua vào đồng bạc xanh ở 23.425 đồng/USD và bán ra ở 23.725 đồng/USD, cũng giảm 110 đồng so với cuối tuần trước. Agribank niêm yết giá ngoại tệ này ở 23.400 - 23.730 đồng/USD (mua - bán), giảm 115 đồng. Vùng giá này hiện tương đương với giai đoạn đầu năm.
Đi cùng đà lao dốc của USD ngân hàng, giá bán ngoại tệ này trên thị trường tự do cũng rơi mạnh trong sáng hôm nay. Giá mua vào còn 23.580 đồng và bán ra 23.750 đồng. So với hôm qua, đô la tự do giảm 170 đồng ở chiều mua vào và giảm 70 đồng ở chiều bán ra.
Giá USD hôm nay trên thị trường quốc tế có tăng nhẹ so với hôm qua, nhưng đã rớt mạnh so với phiên cuối tuần trước với chỉ số USD Index xuống dưới 104 điểm.
Giá USD hôm nay trên thị trường quốc tế rớt còn dưới 104 điểm. Ảnh: Trading Economics. |
Chỉ trong vài ngày, hai nhà băng của Mỹ là Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Signature Bank liên tiếp sụp đổ, khiến thị trường dậy sóng. Diễn biến này làm thay đổi kỳ vọng của thị trường về việc tăng lãi suất.
Vào ngày 12/3, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 22/3 do những căng thẳng đang đè nặng lên lĩnh vực ngân hàng nước này. Trước đó, ngân hàng này dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3.
Dù vậy, Goldman Sachs không thay đổi dự báo về các đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 5, tháng 6 và tháng 7. Nhưng họ nhận thấy sự bấp bênh trong lộ trình tăng lãi suất sau tháng 3. Ngân hàng này cho rằng mức lãi suất cực đại của chu kỳ tăng sẽ là 5,25-5,5%.
Trái với diễn biến giá USD, giá vàng thế giới đã tăng gần 80 USD từ sau tin tức về vụ sụp đổ của SVB, hiện giao dịch quanh 1.905,4 USD. Giá vàng miếng trong nước cũng tăng khoảng nửa triệu đồng một lượng so với tuần trước, lên mốc 66,9 triệu đồng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.