Một trong những từ khóa liên quan đến TV được nhắc nhiều trong vài năm trở lại đây chính là màn hình QLED. Về cơ bản, có thể hiểu đó là công nghệ lượng tử Quantum-dot thế hệ mới, cải tiến hiệu suất ánh sáng tối đa với độ bền và quang phổ màu tốt hơn. Từ đó, các hình ảnh trên màn hình hiển thị chính xác 100% dải màu sắc, độ tương phản cao, thể hiện được màu đen sâu và nhiều chi tiết khác.
Tuy nhiên, dòng TV QLED 2019 còn thể hiện được nhiều hơn thế. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất TV, Samsung đã đưa hàng loạt công nghệ vào sản phẩm của mình, góp phần nâng trải nghiệm TV của người dùng lên một tầm cao mới.
Những đột phá công nghệ đó đã đưa TV Samsung đứng vào hàng ngũ thương hiệu hàng đầu thế giới trong 13 năm qua. Tại Việt Nam, theo Gfk, hãng cũng ghi dấu ấn đậm nét với thị phần lên tới 42%, bỏ xa vị trí thứ hai hơn 10%. Con số đó cũng cho thấy nỗ lực chinh phục người dùng của công ty Hàn Quốc đã được đền đáp bằng sự tin tưởng cao hơn so với bất kỳ thương hiệu TV nào khác.
Lịch sử TV đã trải qua hơn 100 năm, nhưng cuộc đua nâng cao trải nghiệm TV kỹ thuật số độ phân giải cao chỉ trở nên sôi động trong khoảng 10-15 năm trở lại đây. Trước đó, độ phân giải TV chủ yếu dừng ở mức SD (720 x 560, 403.200 điểm ảnh) rồi HD (1.366 x 768 pixel, 1.049.088 điểm ảnh). Dần dần, người dùng quen hơn với khái niệm Full HD (1.920 x 1.080 pixel, 2.073.600 điểm ảnh), bởi đây là độ phân giải đỉnh cao trong suốt một khoảng thời gian dài.
Tuy nhiên, những độ phân giải trên chủ yếu thích hợp cho các thiết bị có kích thước nhỏ, khoảng 32 inch trở xuống. Nếu lấy thông số này áp dụng cho TV lớn hơn thì sẽ xảy ra hiện tượng vỡ hình, làm giảm trải nghiệm của người xem. Giới hạn công nghệ giữ chân độ phân giải và kích thước TV ở mức hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu người dùng ngày càng tăng, họ cần những chiếc TV lớn hơn, đẹp hơn, tương xứng với không gian sống của mình.
Nắm được nhu cầu này, các nhà sản xuất liên tục tung ra những mẫu sản phẩm có độ phân giải cao hơn, như 2K (2.560 x 1.440 pixel, cao gấp 4 lần độ phân giải HD) rồi sau đó đến 4K (3.840 x 2.160 pixel, cao gấp 8 lần độ phân giải HD) - chuẩn phân giải của năm 2017.
Trên thực tế, chiếc TV có độ phân giải 8K đã được một số nhà sản xuất thử nghiệm từ năm 2012, nhưng rất ít trong số đó được thương mại hóa. Những năm qua, hầu hết thương hiệu TV vẫn “dậm chân tại chỗ”, chấp nhận trung thành với độ phân giải từ Full HD đến 4K trên thiết bị của mình, cho đến khi Samsung tung ra loạt TV QLED 8K cách đây ít lâu. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên bước ngoặt mới về độ phân giải trên TV.
Như tên gọi, loạt thiết bị tới từ Hàn Quốc có độ phân giải lên đến 8K (7.680 × 4.320 pixel, 33,2 triệu pixel). Theo đánh giá của các trang công nghệ nổi tiếng, TV 8K có thể xem là sự kế thừa cuối cùng cho độ phân giải 4K trên TV, trước khi chuyển qua một chuẩn độ nét mới chưa thể biết trước trong tương lai.
Với độ phân giải gấp đôi so với 4K và gấp 16 lần so với độ phân giải Full HD, TV 8K của Samsung có thể mang đến trải nghiệm hình ảnh như mắt người. Ngay cả khi bạn đứng gần màn hình, tình trạng răng cưa hay rỗ hình ảnh hầu như không xuất hiện. Với khoảng cách thích hợp, trải nghiệm xem TV của người dùng gần như tiệm cận với cách chúng ta nhìn thấy cảnh vậy ngoài đời thật.
Một trong những đắn đo của người dùng khi đầu tư mua chiếc TV độ phân giải cao 4K, 8K đó chính là nguồn phát có chất lượng tương ứng khá hạn chế. Nếu những chiếc TV thế hệ trước chỉ cố gắng nâng cao chất lượng hiển thị màn hình, thì TV QLED 8K trang bị AI Upscale, giúp tái hiện hình ảnh từ SD đến chất lượng cao nhất có thể. Điều đó có nghĩa là người dùng có thể xem mọi loại nội dung ở chất lượng cao hơn với chiếc TV thế hệ mới này của Samsung.
Cùng với đó, Samsung cũng ứng dụng công nghệ Direct Full Array có khả năng phân tích và kiểm soát đèn nền trong từng khung hình trình chiếu, giúp màn hình QLED truyền tải ấn tượng các chi tiết hình ảnh phức tạp nhất với sắc đen thuần khiết sâu thẳm. Kết hợp cùng công nghệ Ultra Viewing Angle giúp giảm thiểu hiện tượng hở sáng, nội dung có màu đen sẽ được hiển thị sâu nhất, để người dùng có thể trải nghiệm cảnh đêm tối chính xáccũng như tiếp nhận được nhiều nội dung hơn.
Nói thêm về Ultra Viewing Angle, đây là công nghệ mà hãng điện tử Hàn Quốc đã nghiên cứu khá lâu, kết hợp hai tấm nền QLED đặc biệt giúp giảm thiểu tối đa sự rò rỉ ánh sáng, tập trung và phân bổ đều luồng sáng trên bảng điều khiển. Từ đó, nội dung không chỉ có độ sâu về nền đen, màu sắc trung thực, mà còn cho góc nhìn rộng, chất lượng hình đồng nhất tại mọi vị trí trong không gian.
Hãng còn trang bị cho chiếc TV 8K công nghệ lượng tử để nâng tầm màu sắc thông qua Quantum HDR, có khả năng tối ưu hoá từng khung hình hiển thịvà truyền tải trọn vẹn chất lượng hình ảnh theo đúng ý đồ của nhà sản xuất.
Trước đây, TV thường có độ sáng 100-400 nits, sau khi tích hợp HDR vào những năm 2016, TV Samsung có độ sáng lên đến 1.000 nits. Đến thế hệ TV QLED 8K, độ sáng đã được nâng lên 4.000 nits, tạo nên đột phá về sự tái hiện hình ảnh màu sắc chân thật hơn. Nhờ đó, việc trải nghiệm hình ảnh, đặc biệt là xem phim trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Samsung chăm chút cho QLED 8K nhằm biến thiết bị này trở thành một sản phẩm hoàn hảo. Đằng sau chiếc TV này chính là bộ vi xử lý Quantum có thể điều hành mọi thứ một cách trơn tru và hạn chế tối đa các sự cố để tất cả luôn theo ý người dùng.
Ngoài ra, chiếc TV mới này cũng có thể kết nối liên tục và liền mạch với mọi thiết bị thông minh trong ngôi nhà cùng SmartThings. Với tính năng này, việc nhận thông báo tức thời và quản lý mọi thiết bị kết nối ngay trên màn hình TV trở nên đơn giản hơn, không làm gián đoạn đến trải nghiệm xem.
Cuối cùng và cũng là điều gây bất ngờ nhất chính là chế độ hình nền Ambient Mode. Thay vì một nền đen sau khi tắt, Ambient Mode cho phép nhận diện màu sắc và hoa văn trên tường, từ đó có thể biến đổi màn hình chờ TV thành một “bức tường số” tương thích với nội thất xung quanh. Dù không phục vụ việc xem phim ảnh hay nội dung khác, tính năng này vẫn được đánh giá cao, bởi nó giúp không gian trở nên sống động, tự nhiên và tạo cảm giác không bị các thiết bị số gây vướng víu.