Từ hôm nay (1/4), Đề án số hóa truyền hình mặt đất của Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu được triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Theo đó, các mẫu TV từ 32 inch trở lên được sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu đều phải được tích hợp thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình chuẩn DVB-T2 và các thế hệ kế tiếp của chuẩn này mới có thể thu phát được các kênh truyền hình kỹ thuật số.
Do đã được thông tin từ trước, đa phần các nhà sản xuất TV lớn như Samsung, LG, Sony, Toshiba... đã bán ra nhiều mẫu TV tích hợp sẵn bộ giải mã DVB-T2 tại thị trường Việt Nam. Tại các trung tâm điện máy và các nhà bán lẻ, khách hàng cũng được tư vấn để chọn mua những chiếc TV phù hợp với chuẩn phát sóng mới.
TV cũ chất đống ít người mua vì sẽ không thể bắt sóng truyền hình theo chuẩn mới từ năm 2015. Ảnh: Duy Tín. |
Trong khi nhà sản xuất và các đơn vị bán lẻ đã sẵn sàng cho đề án số hóa truyền hình, các tiệm kinh doanh TV cũ lại lâm vào cảnh ế ẩm vì lỡ "ôm" hàng theo chuẩn cũ. Theo anh Nguyễn Văn Long, chủ một cửa hàng tại chợ Nhật Tảo, Quận 10, TP. HCM, những ngày gần đây lượng khách đến mua TV đã giảm đáng kể. "Ế nhất là những chiếc TV màn hình lớn trên 32 inch, vì giá gần với hàng chính hãng giá rẻ, chỉ hỗ trợ chuẩn cũ nên khách không mua", anh Long chia sẻ.
Tương tự như anh Long, nhiều chủ hàng khác cũng cho biết, những chiếc TV LCD cũ màn hình lớn đã không còn hút khách. Trong khi đó, những model dưới 1 triệu đồng, hỗ trợ cổng gắn truyền hình cáp vẫn tiêu thụ được nhờ có giá rẻ, và những khách hàng mua loại TV này đa phần vẫn chưa biết đến đề án số hóa truyền hình của Bộ Thông tin & Truyền thông.
Lý giải cho việc TV LCD cũ màn hình lớn ế ẩm và TV cũ giá rẻ vẫn tiêu thụ được, anh Nguyễn Thành Trung, chủ một cửa hàng trên đường Lý Nam Đế (Quận 10, TP.HCM) cho rằng với những TV xem được truyền hình cáp giá dưới 1 triệu đồng, người mua (trong tương lai gần) phải mua thêm một bộ giải mã DVB-T2 có giá giao động từ 1-2 triệu đồng. Giá trọn bộ vẫn rẻ và dễ thay thế hơn so với việc mua một chiếc TV mới có tích hợp sẵn chuẩn DVB-T2. Trong khi đó, nếu mua một chiếc TV LCD cũ màn hình trên 32 inch, mức giá cũng đã khoảng 3-4 triệu đồng, cộng thêm với tiền mua bộ giải mã, số tiền chi trả cho phương án này đã gần bằng với số tiền mua một chiếc TV mới có sẵn bộ giải mã DVB-T2.
Vì lý do trên, những tiệm TV cũ đang "ôm hàng" đa phần đã ngừng nhập TV LCD màn hình lớn theo chuẩn cũ và cố gắng tiêu thụ hết trước thời hạn "khai tử" vào năm 2015. Với những chiếc TV dưới 32 inch theo chuẩn cũ, giai đoạn này vẫn có thể bán ra thị trường và sử dụng đến hết năm 2015 mới phải mua thêm bộ giải mã.
Theo "Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" của Bộ TT&TT đã được Chính phủ phê duyệt, việc chuyển sang chuẩn phát sóng mới sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình. Người dân có thể xem được truyền hình số với hình ảnh đẹp và âm thanh tốt hơn. Về phía nhà cung cấp dịch vụ, việc thay đổi công nghệ sẽ giúp tăng số lượng kênh và sử dụng hiệu quả tần số truyền hình, tiết kiệm được một lượng lớn tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
Đề án bắt đầu đi vào thực tiễn từ ngày 1/4 tại các thành phố lớn và sẽ dần áp dụng với các tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước. Sau năm 2015, truyền hình analog truyền thống trên cả nước sẽ chính thức bị "khai tử" và các hộ gia đình phải chuyển sang sử dụng truyền hình kỹ thuật số.