Sự có mặt của Nguyễn Phong Hồng Duy và Vũ Văn Thanh khiến chất lượng tấn công của ĐT Việt Nam không còn được duy trì, đặc biệt ở hành lang cánh trái.
Khác biệt ở tư duy chơi bóng
Có một chi tiết thực sự khác biệt trong cách chơi bóng giữa Hồng Duy và Văn Hậu. Khi bóng đang được triển khai ở cánh đối diện, hậu vệ mang áo số 5 thường có xu hướng chọn vị trí ở ngoài hệ thống phòng ngự của đối thủ, tin tưởng vào khả năng kiểm soát bóng của các đồng đội và luôn chờ đợi một đường chuyền chuyển hướng đến khoảng trống mình đang chiếm lĩnh và có thể có lợi thế.
Cách chọn vị trí của Văn Hậu khi ĐT Việt Nam kiểm soát bóng. |
Trong khi đó, Hồng Duy có một tư duy chọn vị trí hoàn toàn trái ngược. Khi các đồng đội kiểm soát bóng ở hành lang cánh phải, số 7 của ĐT Việt Nam có xu hướng di chuyển bó hẳn vào khu vực trung lộ, muốn tiến lại gần bóng.
Cách chọn vị trí của Hồng Duy khi ĐT Việt Nam kiểm soát bóng. |
Cần phải lưu ý rằng, vị trí của hai cầu thủ này là những wing-back trong sơ đồ 3-5-2 mà ông Park Hang-seo lựa chọn. Có nghĩa rằng, họ là những cầu thủ chơi rộng nhất cũng như là những cầu thủ gần như là duy nhất ở hành lang cánh trái.
Tư duy giữ cự ly đội hình hẹp, gần nhau của cầu thủ thuộc biên chế HAGL trong bối cảnh này dường như là không hợp lý. ĐT Việt Nam thường xuyên phải đối đầu với các đội bóng chủ động phòng ngự ở phần sân nhà, và việc không mở rộng tối đa cự ly đội hình khi tấn công mang đến hệ quả tiêu cực rằng các khoảng trống để chúng ta khai thác sẽ càng ít xuất hiện hơn.
Bàn thắng của Văn Hậu trước ĐT Lào có thể xem là một minh chứng rõ rệt cho việc mở rộng cự ly đội hình và có xu hướng tấn công hướng đến vòng cấm địa có giá trị thế nào.
Bàn thắng của Văn Hậu trước Lào. |
Hoàng Đức kiểm soát bóng ở cánh phải, có một tình huống xoay thân người hướng sang biên đối diện, nơi Văn Hậu đã sẵn sàng xâm nhập từ bên ngoài hệ thống phòng ngự đối phương.
Trước Singapore, kể từ thời điểm được vào sân thay người ở hiệp 2, Hoàng Đức cũng đã có những nhịp xử lý tương tự như thế. Tiền vệ mang áo số 14 có nhiều hơn một lần hướng góc quan sát của mình sang hành lang cánh trái, nhưng không có một hành động di chuyển tương tư như cách Văn Hậu vẫn thường thực hiện.
Tình huống gần như tương tự với bàn thắng của Văn Hậu trước Lào trong trận gặp Singapore. |
Sự không rõ ràng, cùng tư duy chơi bóng luôn muốn gần với quả bóng của Hồng Duy là một phần nguyên nhân khiến ĐT Việt Nam không thể phá vỡ cấu trúc phòng ngự 5-4-1 ở khu vực 1/3 sân nhà của Singapore.
Hình ảnh quen thuộc của Hồng Duy khi ĐT Việt Nam kiểm soát bóng trên phần sân đối phương. |
Khác biệt ở cấu trúc đội hình
Phong cách thi đấu của Hồng Duy vì thế tạo nên sự khác biệt lớn trong cấu trúc đội hình của ĐT Việt Nam trước Singapore. Có thể nhận ra một cách rõ rệt rằng cầu thủ mang áo số 7 hiếm khi muốn có những tình huống chồng biên.
Văn Đức kiểm soát bóng, nhưng Hồng Duy không dâng cao hỗ trợ. |
Việc sử dụng một cầu thủ chạy cánh có thiên hướng hoạt động nhiều ở khu vực trung lộ không phải ý đồ chơi bóng quá tiêu cực. Pep Guardiola là một trong những điển hình cho nhận định ấy. Ngay ở bình diện khu vực, Sasalak Haiprakhon của ĐT Thái Lan cũng là một ví dụ điển hình.
Thái Lan cũng sử dụng hậu vệ trái Sasalak trong vai trò một hậu vệ biên thường xuyên hoạt động ở trung lộ. |
Nhưng vấn đề của ĐT Việt Nam trong trận đấu với Singapore là hoàn toàn khác so với những hình ảnh ấy. Đầu tiên, Hồng Duy không thực sự tỏ ra kiên định với việc lựa chọn vị trí của mình ở 1/3 cuối sân. Cách di chuyển của cầu thủ mang áo số 7 này có thiên hướng phụ thuộc nhiều vào vị trí của trái bóng, chứ không hẳn là một vị trí cố định và được yêu cầu cụ thể.
Thứ hai, ĐT Việt Nam cũng không hề sử dụng một cá nhân bám biên cụ thể nào ở hành lang cánh trái để hoán đổi vị trí cho Hồng Duy, điều trực tiếp dẫn đến việc cự ly đội hình khi tấn công không được mở rộng.
Trước hệ thống phòng ngự 5-4-1 của đối phương, ĐT Việt Nam không đủ khả năng để thao túng khối phòng ngự ấy và tạo ra khoảng trống một cách thường trực. Đích thân Quang Hải và các đồng đội, trong đó có Hồng Duy đã có giải pháp để phá vỡ cấu trúc phòng ngự ấy, nhưng nỗ lực ở những phút cuối trận dường như mang tính tự phát nhiều hơn là có yêu cầu xuyên suốt cả trận đấu.
Quang Hải thay thế Hồng Duy đứng ngoài hệ thống phòng ngự đối phương, chờ đợi tình huống chuyển hướng. |
Hồng Duy tấn công chiều sâu từ vị trí ở trung lộ của mình. |
Kéo giãn đối phương theo chiều ngang sân, rồi tiếp tục kéo giãn đối phương theo chiều dọc sân là phương án điển hình để phá vỡ tính tổ chức của một hàng phòng ngự lùi sâu. Hệ quả của chuỗi hành động tấn công bài bản của ĐT Việt Nam ở những phút cuối trận đấu là một khoảng trống mênh mông trong vòng cấm địa đối phương để thực hiện pha dứt điểm.
Hệ quả của tình huống tấn công nói trên. |
Đó là một ví dụ điển hình cho thấy với thói quen chơi bóng của Hồng Duy, hoàn toàn có cách để khai thác điểm mạnh của cầu thủ này. Điều đáng nói là việc đó cũng là tình huống gần như duy nhất Hồng Duy có những bước di chuyển chiều sâu vào vòng cấm trong cả trận đấu.
HLV Park Hang-seo có lẽ cũng đã có những phương án tính toán cụ thể khi không sử dụng Văn Hậu một phút nào bất chấp ĐT Việt Nam không thể ghi bàn trước Singapore. Một trận hoà không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội dành ngôi nhất bảng của ĐT Việt Nam.
Nhìn xa hơn, với hai đối thủ có thể phải đối đầu ở bán kết là Thái Lan và Indonesia, nhiều khả năng thế trận trước Singapore sẽ không còn lặp lại. Tuyển Việt Nam sẵn sàng đá kiểm soát thế trận trước các đối thủ dưới cơ, nhưng hoàn toàn có thể trở lại với hình ảnh quen thuộc của mình với phong cách phòng ngự - phản công kể từ vòng bán kết.
Khi ấy, sẽ không còn ai nhớ đến trận hoà không bàn thắng trước Singapore.
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.