5 lý do dẫn đến việc tuyển Việt Nam vuột mất chiếc vé vào chung kết AFF cup 2016.
Thiếu may mắn
Hữu Thắng nhắc đến điều này khá nhiều, đặc biệt trong 2 trận đối đầu Indonesia. Phải thừa nhận rằng mặt sân Pakansari đã cản trở một số cơ hội thành bàn thắng, hay cột dọc ở Mỹ Đình cũng cướp đi một cú đánh đầu của Công Vinh…
Tuấn Anh chia tay khi giải còn chưa bắt đầu là một điềm thiếu may mắn cho tuyển Việt Nam. Ảnh: Quốc Bảo. |
Bên cạnh đó, chấn thương của Tuấn Anh trước khi vào giải và của Hoàng Thịnh trong giai đoạn quan trọng nhất khiến ông Thắng luôn phải dùng đội hình chắp vá.
Nhưng đem những lý do ấy ra để biện minh cho thất bại là điều không thoả đáng. Hữu Thắng, dĩ nhiên, đã không làm như thế.
Sai từ lúc lên danh sách
Điều đáng tiếc nhất của tuyển Việt Nam là không có một tiền vệ trụ nào đúng nghĩa để thay Hoàng Thịnh. Hữu Thắng đã có phần chủ quan khi loại Huy Hùng, bởi ông vẫn tính nhẩm rằng vị trí này có thể lắp tạm Trọng Hoàng hay Văn Thắng, và đặc biệt còn phương án đôn Ngọc Hải lên.
Trọng Hoàng hay Văn Thắng đều không thay được Hoàng Thịnh ở vai đánh chặn. Ảnh: Quốc Bảo. |
Tuy nhiên, các trận đấu của tuyển Việt Nam tại AFF Cup đều khốc liệt, kể cả trận mang tính thử nghiệm nhiều hơn khi gặp Campuchia. Vì vậy, ông Thắng không đủ thời gian và cơ hội để tìm ra người tối ưu đá cặp với Xuân Trường. Bài toán quẩn quanh Văn Thắng rồi lại Trọng Hoàng đều cho kết quả tồi, khi cả hai vẫn lóng ngóng bởi quen đá công hơn thủ.
Sự neo người ấy càng đáng tiếc hơn vì ở một vài vị trí khác, Hữu Thắng lại mang theo những cầu thủ không ra sân một phút nào. Đó là hậu vệ cánh Ngọc Đức hay trung vệ Tiến Thành, không kể 2 thủ môn Tuấn Linh, Văn Lâm.
Quá lệ thuộc Xuân Trường
HLV Hữu Thắng dùng Xuân Trường như giải pháp chia bài duy nhất, khiến các đối thủ chỉ sau 2 trận là đã nghiên cứu trọn vẹn cách phong toả nguồn cấp bóng của tuyển Việt Nam. Càng về cuối giải, Xuân Trường càng phải lùi hơn, chuyền bóng dài nhiều hơn, và độ chính xác cũng thấp hơn.
Thể lực Xuân Trường không tồi, nhưng anh phải làm việc quá tải, khi các vệ tinh xung quanh chưa bao giờ hoạt động nhịp nhàng. Vắng Tuấn Anh, Xuân Trường thành cánh chim đơn độc, vừa phải lo đánh chặn, vừa phải lo kiến thiết.
HLV Riedl đầy kinh nghiệm đã chỉ đạo các tiền vệ Indonesia chơi cực rát, sẵn sàng phạm lỗi, làm tiêu hao đáng kể sức của Trường. Trong thời gian đá hiệp phụ của trận bán kết lượt về, Trường hầu như chỉ còn đi bộ. Bàn gỡ 2-2 từ chấm 11m của Indonesia cũng xuất phát từ một pha Xuân Trường đuối sức mất bóng.
Sa đà vào lối chơi cơ bắp
Khi mới lên cầm quân, Hữu Thắng chủ đích xây dựng lối chơi kỹ thuật. Chuỗi trận giao hữu bất bại cho thấy ông đi đúng hướng. Nhưng đến AFF Cup 2016, vì tính chất căng thẳng, nhà cầm quân xứ Nghệ dần “mất lái”.
Từ chỗ ưa dùng những cầu thủ khéo léo như Thành Lương, Văn Toàn, ông xoay sang trọng dụng những cầu thủ cơ bắp như Trọng Hoàng, Thanh Trung. Áp lực càng lớn, tuyển Việt Nam chơi bóng càng nặng nề, bế tắc.
Chỉ qua 2 trận đấu với Indonesia, Hữu Thắng đã tự biến mình thành một bản sao của Miura. Không có gì bất ngờ khi Văn Toàn, Công Phượng, Xuân Trường hoà nhập vào thế trận này cực kỳ vất vả, bởi thời Miura họ cũng ở trong tình cảnh ấy.
Đọc trận đấu chậm, thay đổi thiếu linh hoạt
Hữu Thắng đặt niềm tin tuyệt đối vào các học trò ruột của ông ở Sông Lam, đến mức ông không muốn, hoặc có thể muốn nhưng không dám thay đổi các vị trí xung yếu, dù phong độ của họ trở nên tệ hại. Đình Đồng, Ngọc Hải là hai vị trí cực dở ở trận lượt đi, nhưng họ vẫn đá đủ 120 phút lượt về, và vẫn gây ra những sai lầm không thể cứu vãn.
Minh Tuấn là một cầu thủ độc đáo của tuyển Việt Nam. Hữu Thắng biết điều đó, chỉ tiếc là ông dành cho anh cơ hội quá ít và quá muộn. Ảnh: Quốc Bảo. |
Công Vinh cũng vậy, anh chơi trọn vẹn 2 trận bán kết nhưng để lại nỗi thất vọng tột cùng. Người hâm mộ không hề muốn cay nghiệt với ngày chia tay sự nghiệp của Vinh, nhưng chính việc Hữu Thắng cố giữ anh lại trên sân đã dẫn đến bi kịch cho cả hai thầy trò.
Thành Lương, Minh Tuấn, và phần nào đó là Công Phượng, khi xuất hiện đã mang lại sinh khí hoàn toàn mới cho đội bóng. Nhưng Hữu Thắng chỉ dùng họ từ nửa sau hiệp 2, nghĩa là quá muộn và lãng phí. Đấy mới là thứ vũ khí mà Indonesia sợ nhất, chứ không phải sức khoẻ của Trọng Hoàng hay cái uy danh của Công Vinh.