Thất bại có thể nuôi dưỡng những tiến bộ. Nhưng cứ thua mãi thì cũng chẳng thể tiến lên nổi. Sau 6 thất bại ở vòng loại thứ ba World Cup, chỉ chiến thắng mới giúp tuyển Việt Nam lấy lại tự tin từ chính mình và cả niềm tin nơi người hâm mộ. Chỉ chiến thắng mới giúp thầy trò ông Park tái khẳng định quyền lực của đội tuyển số một khu vực trước khi quay lại châu Á.
Và chiến thắng đó phải được tìm thấy ở AFF Cup.
Tuyển Việt Nam thắng Lào 3-0 ở AFF Cup 2018. Ảnh: Thuận Thắng. |
Xét lại vị trí của AFF Cup
Nên dành bao nhiêu sự quan tâm cho AFF Cup từng là chủ đề được thảo luận rất nhiều tại Thái Lan và Việt Nam trong những năm qua. Thành công của hai nền bóng đá ở các giải châu Á từng dẫn tới quan điểm xem nhẹ vai trò của AFF Cup. Nhưng thất bại của Thái Lan và mới nhất là Việt Nam tại vòng loại World Cup đã chấm dứt cuộc tranh luận ấy.
AFF Cup luôn và sẽ tiếp tục có vị thế không thể tranh cãi với các đội tuyển khu vực.
Muốn hiểu rõ vai trò của giải đấu này, phải trở về thời điểm ra đời AFF Cup. Giải vô địch Đông Nam Á đầu tiên tổ chức vào năm 1996. Thời điểm đó, vòng loại World Cup, Asian Cup hay châu lục chưa có “đất” cho các đội tuyển Đông Nam Á. Thể thức loại trực tiếp ở vòng ngoài cùng số trận rất ít trong các bảng 4 đội khiến những nền bóng đá nhỏ không có nhiều cơ hội thi đấu.
Các đội tuyển Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam, không thể tìm kiếm sự tiến bộ nếu chỉ trông chờ vào vài trận quốc tế mỗi năm ở vòng loại châu Á. Những nhà lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) nhận ra sự cần thiết của việc tổ chức một giải đấu riêng cho khu vực. Có giải khu vực, các đội tuyển Đông Nam Á mới được thi đấu liên tục và nâng cao trình độ. Tầm nhìn của AFF Cup là chinh phục khu vực trước rồi mới nghĩ tới thế giới.
Thử đặt một giả thuyết: Nếu không có AFF Cup 2020, Thái Lan, Malaysia sẽ không có trận chính thức nào từ tháng 6/2021 tới tháng 11/2022. Với Lào hay Timor-Leste, những đội không được dự vòng loại hai, sẽ là 3 năm rưỡi không có trận chính thức. Không được chơi thì chẳng thể tiến bộ, đó là lý do các khu vực Đông, Tây, Nam và đương nhiên cả Đông Nam Á đều cần những giải đấu khu vực như AFF Cup.
Với chu kỳ tổ chức 2 năm một lần, AFF Cup tạo ra một sân chơi thường niên, buộc các đội tuyển phải liên tục củng cố sức mạnh, làm mới mình, tạo cơ hội cho lớp kế cận. Với Đông Nam Á, AFF Cup mới là thước đo chính xác nhất đánh giá sức mạnh của một đội tuyển khu vực.
Không hề tình cờ khi giai đoạn thăng hoa của các đội tuyển Đông Nam Á tại châu Á luôn trùng với thời kỳ thống trị của họ ở khu vực. Thái Lan vào vòng loại thứ ba World Cup 2018 trong giai đoạn họ vô địch AFF Cup 2 lần. Singapore dự vòng loại ba 2010 giữa hai chức vô địch 2007 và 2012. Hai lần Việt Nam vào tứ kết Asian Cup đến cùng thời điểm đội tuyển vô địch AFF Cup (2007, 2008 và 2018, 2019).
Vai trò của AFF Cup (và phần nào là SEA Games) càng được nhìn nhận rõ hơn sau sự sa sút của Thái Lan. Họ từng dồn toàn bộ nguồn lực và sự tập trung cho vòng loại World Cup 2018, bỏ bê các đấu trường khu vực. Kết quả, "Voi chiến" thất bại toàn diện trên cả hai mặt trận, mất ngôi vua Đông Nam Á và chưa tiến thêm được ở châu Á. Logic là rất rõ ràng: Chưa thắng Đông Nam Á thì sao ra nổi châu Á. Chỉ đại diện mạnh nhất của khu vực mới đủ sức tiến ra châu lục.
Một ngày trước Việt Nam, Thái Lan đã giải tỏa áp lực bằng trận thắng Timor-Leste. Ảnh: FAT. |
Học lại cách chiến thắng ở AFF Cup
Bước vào AFF Cup, hạt giống số một và số hai Việt Nam, Thái Lan đều đang có chuỗi trận thất vọng. Tuyển Việt Nam có chuỗi 7 thất bại còn Thái Lan trải qua 8 trận không thắng. Đôi bên đều hiểu rằng họ cần dựng lại niềm tin, học lại cách chiến thắng ở sân chơi khu vực.
Những sự chuẩn bị từ cả hai đội cho thấy rõ điều đó.
Thái Lan không mơ mộng về những HLV đẳng cấp World Cup nữa. Họ chọn một chiến lược gia đã nhiều năm gắn bó cùng Thai League 1, từng làm việc tại V.League và có nhiều hiểu biết ở Đông Nam Á. Họ bổ nhiệm một trưởng đoàn, tỷ phú quyền lực, gọi về mọi con người tốt nhất. Tất cả cho thấy Thái Lan sẽ thực dụng để đòi lại vinh quang châu lục.
Tuyển Việt Nam cũng vậy. Những rắc rối liên quan tới Đỗ Hũng Dũng cho thấy HLV Park Hang-seo cũng muốn huy động mọi nguồn lực có thể cho đấu trường khu vực.
Trước Timor-Leste, Thái Lan đã bước đầu hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tung vào sân đội hình mạnh nhất có thể trước đối thủ yếu nhất Đông Nam Á, người Thái thể hiện rõ quyết tâm của mình. Và bây giờ tới lượt Việt Nam.
Đội hình dự kiến của tuyển Việt Nam trước Lào. Đồ họa: Minh Phúc. |
Giống như cuộc hành trình 3 năm trước, thầy trò ông Park cũng bắt đầu cuộc chinh phục bằng trận tiếp đón Lào. May mắn là khi ta cần nhất một chiến thắng thì đối thủ dễ bị đánh bại nhất đã xuất hiện.
Hai lần gặp nhau gần nhất, tỷ số đều là 3-0 cho Việt Nam. Việc Đặng Văn Lâm hay Nguyễn Xuân Nam từng tỏa sáng rực rỡ tại Lào khi còn là cầu thủ trẻ luôn là ví dụ sinh động cho thấy cách biệt rất lớn giữa hai nền bóng đá. Nên vấn đề chỉ là tuyển Việt Nam sẽ thắng bao nhiêu, chơi như thế nào, làm những gì để giải tỏa áp lực. Những phân tích sâu hơn về chiến thuật hay nhân sự trước một đối thủ kém xa về đẳng cấp có lẽ là không cần thiết.
Giống như Thái Lan, tuyển Việt Nam nhiều khả năng sẽ tung vào sân đội hình mạnh nhất. Các tuyển thủ Việt Nam đã chịu quá nhiều áp lực trong những tháng qua. Trước đối thủ Lào, một chiến thắng giòn giã sẽ mang tới cho họ niềm tin trên hành trình bảo vệ danh hiệu.
Họ đã nói gì trước trận?
- HLV Park Hang-seo (Việt Nam): "Chúng tôi vừa đá 6 trận vòng loại thứ ba World Cup. Việc chưa có được điểm nào làm ảnh hưởng đến bầu không khí của toàn đội. Bên cạnh đó, chúng tôi còn là nhà vô địch giải này, đó là một áp lực. Chưa thể nói kết quả trước được nhưng tuyển Việt Nam sẽ chuẩn bị tốt".
- HLV V. Selvaraj (Lào): "Rất khó cho chúng tôi khi gặp Việt Nam trận đầu tiên. Tuyển Lào là một đội hình trẻ và đối thủ này là quá thách thức cho cầu thủ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình".
Trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Lào tại lượt mở màn bảng B AFF Cup 2020 sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 6/12. Trước đó, Campuchia gặp Malaysia lúc 16h30.