AFF Cup 2020 sẽ diễn ra vào tháng 11 và tháng 12 năm nay. Khác với hai năm trước, đây không còn là mục tiêu duy nhất của tuyển Việt Nam. Thầy trò HLV Park Hang-seo còn phải phân phối sức lực cho vòng loại World Cup diễn ra ngay trước đó.
Họ cũng đối diện với hàng loạt tổn thất về nhân sự và không còn lực lượng hùng hậu như 2 năm về trước.
AFF Cup diễn ra vào cuối năm nay. Đây là lần đầu tiên dưới thời Park, hàng thủ tuyển Việt Nam mất Duy Mạnh ở một giải đấu lớn. Ảnh: Minh Chiến. |
Không còn Duy Mạnh và Anh Đức, Văn Hậu chưa chắc về nước
Đỗ Duy Mạnh chắc chắn là sự vắng mặt đầu tiên của tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2020 so với 2 năm về trước. Trung vệ của CLB Hà Nội được xác nhận cần tối thiểu 9 tháng hồi phục. Anh sẽ không thể bình phục cho AFF Cup khởi tranh cuối tháng 11. Người thứ hai chắc chắn vắng mặt là Nguyễn Anh Đức, cầu thủ đã nhiều lần từ giã đội tuyển, và được HLV Park xác nhận sẽ không gọi lại.
Một trường hợp khác nhiều khả năng cũng không có tên là Đoàn Văn Hậu. Nếu tiếp tục gia hạn hợp đồng với Heerenveen, Văn Hậu khó lòng trở về dự giải khu vực vì AFF Cup không nằm trong lịch thi đấu của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Cùng với Văn Hậu, Đặng Văn Lâm cũng gặp vấn đề tương tự ở Muangthong. Anh cũng chỉ thi đấu trở lại vào tháng 9, thời điểm Thai League khởi tranh.
Ngoài 4 người kể trên, Lương Xuân Trường, Trần Đình Trọng và Nguyễn Huy Hùng đều đang chấn thương. Người được xác nhận trở lại sớm nhất là Xuân Trường vào tháng 7. Khả năng họ lấy lại phong độ trước AFF Cup vẫn là dấu hỏi lớn.
Trong trường hợp xấu nhất, ông Park có thể mất 1/3 tới một nửa đội hình chính tuyển Việt Nam.
Bù đắp cho những mất mát ấy, tuyển Việt Nam 2020 chỉ có 2 cái tên đáng chú ý là Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Tiến Linh. Thất bại của U23 Việt Nam ở giải châu Á cho thấy khoảng trống lực lượng sau lưng đội tuyển quốc gia. Nguyễn Hoàng Đức hay Nguyễn Thành Chung là những cái tên hiếm hoi của U23 đủ khả năng tăng cường cho các đàn anh.
Tuyển Việt Nam chắc chắn không còn lực lượng hùng hậu như AFF Cup 2020.
Tuấn Anh (giữa) là sự bổ sung chất lượng nhất của tuyển Việt Nam 2020 so với đội hình vô địch AFF Cup 2018. Ảnh: Minh Chiến. |
Tác động từ vòng loại World Cup
Bối cảnh khách quan cũng không thuận lợi cho đội tuyển như 2 năm về trước.
Năm 2018, AFF Cup là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động của tuyển Việt Nam vào cuối năm. Đội tuyển có quãng chuẩn bị gần một tháng, có một chuyến tập huấn Hàn Quốc. Đó là quãng thời gian dài nhất ông Park từng có với tuyển quốc gia kể từ khi tới Việt Nam. Khoảng thời gian quý giá ấy đã giúp ông làm mới đội tuyển, có những phát hiện tiêu biểu như vị trí mới cho Nguyễn Trọng Hoàng.
Hai năm sau, ông Park không còn cơ hội đó. Nếu vòng loại World Cup vẫn diễn ra như dự kiến, tuyển Việt Nam sẽ phải chơi hàng loạt trận đấu căng thẳng từ tháng 9 tới trung tuần tháng 11. Họ sẽ chỉ có vài ngày nghỉ ngơi trước AFF Cup 2020 dự kiến khởi tranh hôm 23/11. Trước giải, đội tuyển cũng không còn nhiều thời gian vì V.League phải dồn lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khác với 2 năm trước, AFF Cup cũng không còn là mục tiêu duy nhất của Quế Ngọc Hải và đồng đội. Thầy trò ông Park buộc phải phân phối sức cho 2 mục tiêu là vòng loại World Cup và AFF Cup. Rất khó để nói đấu trường nào quan trọng hơn, tuyển Việt Nam nhiều khả năng phải bung sức cho cả 2 mặt trận.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đội tuyển không có những lợi thế mới. So với 2 năm trước, tuyển Việt Nam hiện là đương kim vô địch. Thành tựu Asian Cup 2019 và vị trí hiện tại ở vòng loại World Cup 2022 đã nâng Quang Hải và đồng đội lên một tầm cao mới. Họ sẽ đối mặt sân chơi AFF Cup và những đối thủ cùng khu vực bằng một tâm thế rất khác.
Khó khăn có nhưng thuận lợi cũng có. Việc Thái Lan không mang lực lượng mạnh nhất tới giải đấu cũng giúp thầy trò ông Park có thêm lợi thế. Cơ hội bảo vệ ngai vàng AFF Cup vẫn khá sáng sủa cho nhà đương kim vô địch.