“Tôi luôn buồn cười khi người ta so sánh đội này và đội kia dựa trên chiến thuật, kỹ thuật mà quên mất rằng con người bằng xương bằng thịt với đầy đủ cảm xúc mới là những người thực thi nó. Chiến thuật quan trọng thật, nhưng nó không giúp đội bóng thắng trận. Chỉ những cầu thủ mới làm được điều đó”.
Đó là những chia sẻ của Sir Alex Ferguson huyền thoại khi nói về tầm quan trọng của chiến thuật và cầu thủ trong bóng đá hiện đại. Đó có lẽ cũng là quan điểm của HLV Park Hang-seo khi xây dựng tuyển Việt Nam chuẩn bị dự AFF Cup 2018.
180 phút đã qua trước Lào và Malaysia cho thấy hình ảnh đội tuyển Việt Nam hoàn toàn khác. Đó là đội tuyển trẻ trung, tươi mới, không bị ràng buộc bởi những chiến thuật cố định và còn ẩn chứa nhiều bất ngờ khó đoán.
Với HLV Park Hang-seo, chiến thuật rất quan trọng. Nhưng có những điều còn quan trọng hơn cả chiến thuật nữa.
HLV Park Hang-seo đang tạo nên hình hài mới cho đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018 lần này. Ảnh: Việt Hùng. |
HLV Park vốn là bậc thầy chiến thuật
Khi ông Park tiếp quản tuyển quốc gia và U23 Việt Nam hồi cuối năm ngoái, ông đã thực hiện hàng loạt thay đổi mang tính hệ thống về chiến thuật và con người. Điều đầu tiên ông Park làm là phá bỏ hệ thống 4-4-2 quen thuộc, đưa tuyển Việt Nam về sơ đồ 3-4-3 hoặc biến thể 5-4-1 (khi cần phòng ngự).
Ông đưa Đình Trọng lên tuyển lần đầu tiên trước khi trao cho anh chàng sinh năm 1997 suất đá chính. Ông kéo Quang Hải - một cầu thủ thuận chân trái, sang biên phải. Ông gọi tiền vệ công Đức Huy và trao anh vị trí mỏ neo ở tuyến giữa.
Những thay đổi thực sự lạ lẫm vì sơ đồ 4 hậu vệ với 2 trung vệ giăng ngang vẫn luôn là quy chuẩn lâu nay tại V.League. Thay đổi của ông Park cần thời gian dài để thích nghi và từng khiến U23 Việt Nam thua liểng xiểng tại M-150 Cup 2017. Nhưng khi đã thành hình, hệ thống ấy lập tức trở thành điểm khác biệt. Hơn 1 năm qua, sơ đồ 3 trung vệ trở thành đặc trưng lớn nhất trong thành công của chiến lược gia người Hàn Quốc.
Tại U23 châu Á, tuyển Việt Nam vào chung kết nhờ sơ đồ mới của ông Park. Đến ASIAD, hệ thống ấy càng phát huy hiệu quả cao độ khi đội tuyển được bổ sung các cựu binh. Rất nhiều cầu thủ khẳng định được vị trí và tỏa sáng trong hệ thống mới như Đình Trọng, Duy Mạnh, Đức Huy. Có người thậm chí vươn tới đẳng cấp ngôi sao như Quang Hải.
Nếu sự tiến bộ của đội tuyển chỉ dừng lại ở đó, ông Park vẫn xứng đáng với mọi lời ngợi khen. Nhưng 2 trận đã qua tại AFF Cup cho thấy đội tuyển Việt Nam vẫn còn ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Khi HLV Malaysia tới tấp khen Văn Quyết, ông Park cất luôn cầu thủ này lên băng ghế dự bị. Ảnh: Minh Chiến. |
Ông Park còn hơn thế nữa
Công Phượng và Anh Đức lập công, nhưng HLV Park Hang-seo mới thực sự là ngôi sao lớn nhất của tuyển Việt Nam trước Malaysia tại Mỹ Đình. Trước đối thủ không mạnh hơn, được chơi trên sân nhà, ông Park khiến tất cả ngỡ ngàng với những lựa chọn chiến thuật kỳ dị.
Khi tất cả nghĩ Việt Nam sẽ tấn công, thì ông Park cho đội tuyển phòng ngự, khi tuyến giữa đang cần thêm chất thép thì ông cho Huy Hùng, Đức Huy ngồi ngoài. Khi đối phương hết lời khen đội trưởng Văn Quyết, thì ông cất anh chàng lên ghế dự bị.
Điều thú vị là càng thay đổi, càng đi ngược quy chuẩn, ông Park càng thành công. BLV Quang Huy đã nói: “Nói thật là đến lúc này, tôi chưa hiểu chiến thuật của HLV Park Hang-seo là gì. Nghe có vẻ lạc thời, song chiến thuật của thầy Park là điều rất khó đoán định. Có thể, chiến thuật của HLV Park Hang-seo là không có chiến thuật cụ thể”.
Tại sao ông Park phải thay đổi cỗ máy chiến thắng?
Câu trả lời nằm ở chính những chiến thắng ấy.
Thành công quá lớn tại hai giải đấu châu lục khiến đội tuyển Việt Nam bị nhiều đối thủ để ý. Ông Park và các trợ lý buộc phải hành động để tìm ra những cách làm mới. Ảnh: Minh Chiến. |
Sau 2 thành công tại sân chơi châu lục, tuyển Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Mọi buổi tập, cuộc họp báo của Việt Nam đều có mặt các phóng viên quốc tế. Khi ông Park đến dự họp báo trước trận gặp Malaysia ngày 15/11, AFC, Spotvnews, FOX Sport, AFP... đều cử phóng viên đến dự. Cả châu Á đã ghim trong đầu hình ảnh đội Việt Nam phòng ngự phản công thực dụng và hiệu quả. Mọi động tĩnh của đội Á quân châu Á, đệ tứ anh hào ASIAD đều sẽ bị báo chí châu lục và đối thủ theo sát.
Trong tình hình ấy, tuyển Việt Nam đứng trước câu hỏi lớn: thay đổi hay là chết? Giữ lối chơi cũ, tuyển Việt Nam nghiên cứu kỹ và bắt bài.
Ông Park phải thay đổi và đã chọn giai đoạn tập huấn 3 tuần (2 tuần ở Hàn Quốc) làm thời điểm thực hiện thay đổi.
Với truyền thông trong nước, giai đoạn chuẩn bị của tuyển quốc gia năm nay kỳ lạ và gây ngán ngẩm bậc nhất. Suốt hơn 3 tuần lễ, ông Park Hang-seo không cho báo chí tiếp cận dù chỉ một buổi tập chiến thuật. Nghĩa là không toan tính nhân sự, không sự chuẩn bị nào bị lọt ra ngoài. Ông Park cấm báo chí, người hâm mộ, khóa chặt mọi nguồn tin, thậm chí còn giấu kín tên khách sạn của đội tuyển (như trong chuyến đi Lào và Myammar).
Màn trình diễn đỉnh cao trước Malaysia vì thế không hề may mắn. Đó là kết quả cuối cùng sau quá trình chuẩn bị bí mật và dài hơi với mục tiêu cuối cùng là không để tuyển Việt Nam bị các đối thủ bắt bài.
Công Phượng chơi chưa ấn tượng ở ASIAD nhưng đang bất ngờ là đầu tàu tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018. Ảnh: Minh Chiến. |
Tuyển Việt Nam từ “hữu chiêu” tới “vô chiêu”
Khác với châu Á, AFF Cup là một sân chơi rất đặc biệt. Tại đây, Việt Nam sẽ đấu với những đội mạnh hơn (như Thái Lan), với các đội ngang tầm (như Singapore, Malaysia), với những đội yếu (như Lào, Campuchia). Hình hài tuyển Việt Nam ở AFF Cup có thể sẽ rất đa dạng. Những ai chờ đợi lối chơi xuyên suốt, được định hình rõ ràng sẽ phải thất vọng.
Ông Park nhiều khả năng sẽ trình diễn những phong cách khác nhau dựa trên năng lực cầu thủ và phân tích đối thủ. Trận gặp Malaysia là một bằng chứng.
Tuyển Việt Nam sẽ đối đầu các “cao thủ” Đông Nam Á mà không cần có một “sát chiêu” đích thực. Nhưng chính sự “vô chiêu” ấy có thể là điểm nguy hiểm nhất của HLV Park Hang-seo. Bởi khi đội tuyển không có chiêu số rõ ràng, đối phương sẽ không thể bắt bài Việt Nam. Khi đội bóng được vận hành mỗi trận một kiểu, đối thủ sẽ vô cùng bối rối.
Người Malaysia có lẽ rất bất ngờ khi Việt Nam tiếp cận trận đấu tại Mỹ Đình với tâm thế phòng ngự. Ảnh: Minh Chiến. |
Bản thân tuyển Việt Nam cũng đang sở hữu 2 điều kiện lý tưởng cho thứ bóng đá biến thiên này. Đó là sự ăn ý cùng niềm tin chiến thắng đang lên cao nơi mỗi cầu thủ.
Có ăn ý, các cầu thủ dễ dàng đá cặp với nhau, dễ thích nghi với các sơ đồ, dễ phát huy tối đa năng lực. Có hiểu nhau, họ mới bọc lót tốt cho nhau, nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của nhau, dự đoán được từng hành động và suy nghĩ nơi đồng đội.
Có niềm tin chiến thắng, các cầu thủ sẽ ra sân mà không sợ hãi. Họ biết rằng họ có thể đánh bại mọi đối thủ, có thể làm được mọi thứ. Có niềm tin, họ dám cầm bóng, dám xử lý khó, dám có những quyết định mạo hiểm (nhưng đầy hứa hẹn). Có niềm tin, họ không cóng trước đối thủ mạnh, không ngại dấn tới khi đối thủ yếu.
Những cầu thủ dự bị như Văn Đức tỏa sáng cho thấy ông Park còn rất nhiều phương án chiến thuật thú vị. Ảnh: Minh Chiến. |
Khi có 2 điều trên, những cầu thủ như Văn Quyết, Quang Hải sẽ chơi bóng với hơn 100% phong độ. Với cầu thủ tốt, chiến thuật nào cũng vận hành hiệu quả. Khi tất cả đều ăn khớp, những chi tiết mới cũng có thể trơn tru, những cái tên dự bị (như Phan Văn Đức đêm 16/11) đều có thể tỏa sáng.
Niềm tin chiến thắng và sự ăn ý là những giá trị vô hình, nhưng đó thực sự là cội nguồn sức mạnh của những đội tuyển chiến thắng. Với 15 cái tên từng chơi tại ASIAD trên tổng 23 người, tuyển Việt Nam giờ đang đạt tới sự ăn ý cao độ.
Đó là cơ sở cho HLV Park Hang-seo thi triển thứ bóng đá “vô chiêu thắng hữu chiêu” tại AFF Cup lần này, là cơ sở để chúng ta đặt thêm vào cửa tiến xa của đội tuyển.
BXH bảng A AFF Cup 2018 sau lượt trận 3. Đồ họa: Minh Phúc. |