Đội tuyển Việt Nam tiếp Malaysia tối 10/10. Sau đó 5 ngày, thầy trò HLV Park Hang-seo làm khách trước Indonesia tại Bali. Cả hai đối thủ này cùng đang có làn sóng nhập tịch trong hơn năm qua.
Bóng đá Việt Nam cũng từng có quãng thời gian nhập tịch ồ ạt, và cầu thủ nhập tịch được trọng dụng ở các giải đấu quốc nội. Tuy nhiên, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Việt Nam chưa bao giờ thành công nhờ chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch.
Cầu thủ nhập tịch Mohamadou Sumareh hiện đóng vai trò chủ chốt của Malaysia. Ảnh: Thuận Thắng. |
Không phải cầu thủ nhập tịch nào cũng thành công
Trước làn sóng nhập tịch đang rộ lại ở Đông Nam Á, bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy chia sẻ: "Thông tin cầu thủ nhập tịch hoặc sắp có cầu thủ nhập tịch bây giờ không gây xúc động đặc biệt với tôi".
"Bóng đá nhiều khi mang màu sắc, đặc thù văn hóa rất lớn. Không phải ai cũng dễ dàng hòa nhập, còn nhiều vấn đề ảnh hưởng tới sự hòa nhập và cống hiến của cầu thủ không phải là bản địa", BLV Quang Huy nói thêm.
Thực tế, hầu hết đội bóng Đông Nam Á đều không để lại dấu ấn sau quyết định sử dụng cầu thủ nhập tịch. Thái Lan gần đây cũng dần nghiêng về phương án tận dụng nguồn lực từ lượng cầu thủ này.
Tuy nhiên, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) mới chỉ dừng ở mức triệu tập một số cầu thủ có gốc gác Thái Lan. Manuel Tom Bihr, Philip Roller và Marco Ballini là những gương mặt đầu tiên được tin dùng, dù tên và ngoại hình của họ "đặc" châu Âu.
Lúc này, chỉ có Singapore thành công bền vững nhờ cách dùng người này với 4 lần vô địch AFF Cup. Lý giải cho thành công của Singapore, BLV Quang Huy cho rằng điều cốt lõi nằm ở đặc tính văn hóa.
"Singapore là đất nước theo kiểu phương Tây. Đây là môi trường phù hợp với cầu thủ châu Âu. Dấu ấn chủ yếu lên bóng đá Singapore chủ yếu là người Anh, một số nhỏ đến từ châu Phi nhưng không đáng nói", Quang Huy chia sẻ.
Hoàng Vũ Samson (xanh) là cầu thủ nhập tịch hiếm hoi còn giữ được phong độ. Ảnh: Kiệt Trần. |
Tuyển Việt Nam từng có lứa cầu thủ nhập tịch tốt
Thời gian vừa qua, Malaysia và Indonesia nhập tịch nhiều cầu thủ phục vụ cho mục tiêu của họ ở những giải đấu cấp quốc gia. Theo Quang Huy, chúng ta hãy chờ đợi hiệu quả từ việc làm này. "Cũng có thể từ làn sóng nhập tịch hiện nay, chúng ta rút ra bài học gì đó. Với tôi, lúc này chưa có nhiều điều đáng bàn", BLV kỳ cựu này nói.
Ngược dòng lịch sử, bóng đá Việt Nam không phải hoàn toàn nói không với việc trao cơ hội cho những cầu thủ nhập tịch. Theo Quang Huy, thời điểm người đầu tiên được trao cơ hội đã mang lại những điều tích cực cho nền bóng đá nói chung.
"Chúng ta từng có lứa cầu thủ nhập tịch chất lượng tốt. Phan Văn Santos là người đầu tiên, chính là học trò của Calisto, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lúc bấy giờ. Một loạt những cái tên tiếp theo như Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max cũng ở thời gian này", Quang Huy nói.
Phan Văn Santos được lên đội tuyển và từng để lại không ít hình ảnh không đẹp mắt. Đáng kể nhất là hình ảnh thủ môn này hát quốc ca Brazil ở trận giao hữu trên sân Mỹ Đình hồi 2008.
Quang Huy cho biết anh là người bình luận những trận đầu tiên Santos được triệu tập và theo dõi sát chặng đường ngắn của anh trong màu áo tuyển: "Đó đúng là hình ảnh không đẹp mắt chút nào, nhưng tôi khẳng định không phải là nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Sau đó, anh vẫn được trao cơ hội và làm trò hề ở cúp giao hữu TP.HCM 2008. Đó là thời điểm anh ta không còn ở đỉnh cao phong độ".
"Năm 2009, thủ môn nhập tịch khác là Đinh Hoàng La vẫn được triệu tập. Anh ra mắt tuyển ở trận gặp Olympiakos và thể hiện khá tốt, chơi chắc chắn và giữ sạch lưới. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà sau đó anh ta mất tích, và những cầu thủ nhập tịch cũng không còn được triệu tập nữa".
Bóng đá Việt Nam có nên mở cửa trở lại với những cầu thủ nhập tịch? Ảnh: Minh Phúc. |
Không nhất thiết dùng cầu thủ nhập tịch
Theo Quang Huy, HLV Calisto là người quyết định trao cơ hội cho cầu thủ nhập tịch. "Sau chức vô địch AFF Cup 2008, ông ấy nhận ra nhiều cầu thủ Việt Nam tự mãn ra rất nhanh. Lúc đó nguồn lực không quá dồi dào, và việc dùng cầu thủ ngoại là biện pháp hay để kích thích sự ganh đua giữa các cầu thủ".
"Họ tạo ra khác biệt và đem lại sự mới mẻ cho bóng đá Việt Nam. Tôi đánh giá cao vai trò của họ. Tuy nhiên, gần đây chất lượng của cầu thủ nhập tịch ngày càng kém. Mùa vừa rồi, các CLB hầu như không dùng nhập tịch nữa", BLV kỳ cựu nói.
Vì lẽ đó, Quang Huy cho rằng Việt Nam không cần thiết phải sử dụng cầu thủ nhập tịch: "Thời kỳ cầu thủ nhập tịch ở đỉnh cao đã qua. Samson là người hiếm hoi còn giữ được chút gì đó và đúng ở vị trí chúng ta còn khiếm khuyết. Sau anh ta là ai, chúng ta chưa có câu trả lời. Tôi chưa thấy tương lai của việc này".
"Tôi là một trong những người ủng hộ việc gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển. Vài năm trước, nhiều anh em đá ở đúng vị trí đội tuyển cần, đặc biệt là tiền đạo, nhưng đó là chuyện quá khứ. Hiện nay, bóng đá Việt Nam có xu thế, nhiều cầu thủ trẻ chất lượng tốt và đáp ứng được yêu cầu chuyên môn".
Đặt giả thiết trong tương lai gần, V.League tiếp tục có những cầu thủ nhập tịch với trình độ vượt trội. Liệu họ có được trao cơ hội để tận dụng nguồn lực hay không? Theo Quang Huy, còn nhiều yếu tố liên quan: "Câu chuyện nhập tịch liên quan trực tiếp đến vấn đề ngoại binh. Chất lượng của họ phải thực sự vượt trội, rồi vấn đề về luật, tiền bạc và đặc biệt họ phải có khát khao, cống hiến".
"Nếu đảm bảo những điều đó, theo tôi có thể là phương án tốt. Tuy nhiên, lúc này không thực sự cần thiết. Tôi tôn trọng và ghi nhận tấm lòng của Samson, nhưng chúng ta không nhất thiết phải tạo ra tiền lệ chỉ để gọi vài người và không có tương lai dài, trong khi nguồn lực từ cầu thủ nội vẫn có thể đảm bảo".