Dinh dưỡng trong tập luyện và thi đấu là yếu tố quan trọng trong thành công của tuyển Việt Nam những năm qua. Dưới thời HLV Park Hang-seo, bác sĩ Choi Ju-young cùng các bác sĩ đội tuyển đã xây dựng quy chuẩn ăn uống một cách khoa học và tối ưu nhất để các cầu thủ thể hiện hết khả năng.
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Tuấn Nguyên Giáp cho biết 3 ngày trước trận đấu chính thức, tuyển Việt Nam hạn chế việc dung nạp chất đạm từ thịt đỏ. Thay vì ăn các loại thịt lợn, thịt bò, các cầu thủ được khuyến cáo ăn vừa đủ hải sản (cá, tôm, mực) và gia cầm (gà, vịt), tăng cường bổ sung tinh bột để tích trữ năng lượng dễ giải phóng. Lý do là các loại thịt đỏ có chứa những chất không có lợi cho thi đấu.
Đồ ăn nhẹ của tuyển Việt Nam hồi tháng 11/2021 trước trận gặp Nhật Bản tại lượt đi vòng loại thứ ba World Cup 2022. Ảnh: Ngọc Lê. |
“Ăn nhiều thịt lợn, bò, dễ khiến cơ thể cầu thủ bị ì, không thể di chuyển nhanh nhẹn. Những món ăn từ thịt sẽ dành cho cầu thủ bổ sung sau trận. Còn trước trận và đặc biệt là ngày thi đấu, chúng tôi cho họ ăn nhiều tinh bột (cơm gạo trắng, mỳ) và hải sản (cá, tôm). Có những trận quan trọng, đội gần như không ăn thịt”, bác sĩ Tuấn Nguyên Giáp nói.
Tinh bột là polysaccharide carbohydrate (gọi tắt là carb). Carb là nguồn calo ổn định, giúp con người dễ dàng tích trữ và giải phóng năng lượng để hoạt động bền bỉ. Trong thi đấu thể thao, carb quan trọng không kém nước, có ảnh hưởng lớn tới sức bền của cầu thủ.
Trong ngày thi đấu, tuyển Việt Nam bổ sung carb trong từng bữa ăn. Đội ăn sáng tự do với các món quen thuộc như bánh mỳ, phở, bún, ăn cơm trắng vào bữa trưa và bánh mỳ, spaghetti vào bữa phụ khoảng vài giờ trước trận đấu.
“Các cầu thủ cần ăn nhiều cơm, mỳ để nạp carbohydrate. Cá là thực phẩm gần như thiết yếu nên luôn có 2 món, một món hấp và một món kho, để ăn kèm. Với các loại thịt thì vẫn có sự linh hoạt do người Việt Nam quen ăn món này. Thịt lợn thì chúng tôi có thịt nạc băm nhỏ và tuyệt đối không có mỡ”.
“Với bữa phụ thì ngoài bánh sandwich (không bơ), mỳ spaghetti (chỉ có xốt cà, không có thịt), chúng tôi còn có chuối, khoai và cháo cá hồi, rất đa dạng”, bác sĩ Giáp chia sẻ thêm.
Dù thi đấu trong hay ngoài nước, các bác sĩ và chuyên viên hậu cần tuyển Việt Nam đều nỗ lực để thực hiện quy chuẩn dinh dưỡng. Với những trận đấu ở Tây Á, bữa ăn của đội tuyển được đảm bảo giống khoảng 80% quy chuẩn. Trung bình, mỗi tuyển thủ cần nạp từ 1.000 calo đến 1.200 calo trước trận đấu để đủ thể lực đá 90 phút tới 120 phút.
Trong trận đấu, tuyển Việt Nam còn có một bữa phụ vào giờ nghỉ giữa hai hiệp. Bữa ăn này có vai trò bổ sung lượng đường bị tụt do thi đấu nên đội hay sử dụng gel năng lượng và chuối để bổ sung nhanh glucose và sucrose, lượng calo rơi vào khoảng 50 đến 60. Song song với bổ sung đường là việc bổ sung nước và các chất điện giải.
Sau trận đấu, các cầu thủ phải làm một việc quan trọng là uống whey để bù đắp lượng protein hao hụt nhằm tái tạo cơ bắp. Bác sĩ Giáp cho biết mỗi cầu thủ được chuẩn bị khoảng 200 ml whey pha loãng để uống ngay khi vào phòng thay đồ. Đây là quy chuẩn đặc biệt khi đội tham dự những giải đấu có mật độ dày đặc như AFF Cup. Sau đó, các cầu thủ mới dùng bữa tối.
Do các trận đấu thường diễn ra vào buổi tối nên cầu thủ dùng bữa và đi ngủ khá muộn. Đội được phép ăn nhiều thịt vào thời điểm này với các món đa dạng từ bít tết (thịt bò) tới lẩu hải sản. Sau đó, đội tuyển đi ngủ lúc 2h, 3h sáng.
Bác sĩ Giáp tiết lộ một bí quyết góp phần giúp tuyển Việt Nam thi đấu thăng hoa chính là cà phê. Tuyển Việt Nam thường được chuẩn bị hai loại cà phê trước mỗi trận đấu gồm cà phê đen và cà phê sữa với một lượng vừa phải nhằm giúp tỉnh táo và tạo cảm hứng, hưng phấn. Một số cầu thủ còn uống cà phê ngay sau khi khởi động để có màn trình diễn hay.