"Em ơi! Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa", lời ca khúc do Phú Quang phổ nhạc đã trở nên quen thuộc, được cất lên trong vô thức của biết bao người yêu Hà Nội.
Nhưng mấy ai biết, ca khúc thân quen ấy được phổ từ thơ Phan Vũ. Kể cả biết nó được phổ từ thơ, thì cũng ít ai từng đọc trọn vẹn cả trường ca 25 khúc Em ơi! Hà Nội phố. Và số người được đọc những bài thơ khác của Phan Vũ còn ít hơn nữa.
Nhà thơ Phan Vũ. |
Phan Vũ (tên thật là Trần Hồng Hải) sinh năm 1926 tại Hải Phòng. 20 tuổi ông đi bộ đội vào Nam, làm công tác văn nghệ tại miền Đông và miền Tây Nam bộ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, làm việc cho Xưởng phim truyện Việt Nam tại Hà Nội. Cùng thời gian ông có tham gia biên tập báo Nhân Văn.
Năm 1972, ông viết bài trường ca nổi tiếng Em ơi! Hà Nội phố. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ trở lại Sài Gòn và làm việc tại Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh.
Năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời đe dọa "đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá", tại căn gác nhỏ trên phố Hàng Bún, Phan Vũ viết những câu đầu tiên của trường ca Em ơi! Hà Nội phố. Điệp từ "Ta còn em..." được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của Phan Vũ về Hà Nội.
Sau này, trường ca được in trong cuốn Phan Vũ thơ năm 2008, nhưng cuốn sách này không phổ biến rộng rãi. Mãi gần đây, khi một nhóm bạn trẻ yêu thơ Phan Vũ muốn in thơ ông thành sách, đã có ý định xuất bản thơ ông.
Năm 2017, cuốn sách Em ơi! Hà Nội phố đã thành hình, bản thảo là trường ca của Phan Vũ, với tranh, ảnh minh họa, lời nhận xét của các nhà phê bình, nhà thơ... Nhưng rồi cuốn sách không thể phát hành. Thơ Phan Vũ thêm một dịp lỗi hẹn với bạn đọc.
Tập thơ Ta còn em tuyển chọn những bài thơ hay của Phan Vũ. |
Bằng nỗ lực.nhân duyên của những người yêu thơ Phan Vũ, những bài thơ của tác giả Em ơi! Hà Nội phố đến tay một biên tập viên công ty sách Nhã Nam. Đơn vị này quyết định xuất bản để những vần thơ đẹp đến được với đông đảo công chúng.
Sau một thời gian làm việc, tuyển thơ Phan Vũ có tên Ta còn em được phát hành. Lễ ra mắt sách diễn ra tối 24/4 tại Hà Nội.
Trong lần ra mắt này, Ta còn em gồm hai phần: phần Trường ca là bài Em ơi! Hà Nội phố nổi tiếng, phần Thơ gồm những bài thơ tác giả sáng tác qua nhiều năm, trong đó có cả những bài mới công bố lần đầu.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói lần nào đọc bài thơ Em ơi! Hà Nội phốông vẫn xúc động và ngạc nhiên.
"Trong đau thương của chiến tranh và những dằn vặt tâm tư của một cảnh ngộ riêng, Phan Vũ đã biết nhìn ra và lọc ra một Hà Nội thanh lịch, duyên dáng, hào sảng, để gìn giữ cho mình và cho người, cho hiện tại và tương lai. Bây giờ đọc lại bài thơ, người đọc sẽ cảm ơn nhà thơ đã giữ lại một Hà Nội đẹp đẽ và đáng yêu đến thế", nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nói.
Với nhà văn Nguyễn Trương Quý - người có nhiều tác phẩm về Hà Nội được bạn đọc yêu thích - Em ơi! Hà Nội phố không chỉ viết về vẻ đẹp Hà Nội những năm 1970.
Theo Trương Quý, trường ca là một trang sử ký nho nhỏ về Hà Nội. Ở đó có "... những liên tưởng suy ngẫm về tận thời xa xưa của những 'đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ', những cô hàng Kẻ Chợ mắt lúng liếng, những Trường Thi với chõng lều, 'những giấc mơ lộng lẫy xiêm y'..."
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - biên tập viên cuốn sách Ta còn em - nhận xét thơ Phan Vũ có một giọng thơ riêng. Thơ Phan Vũ xoay quanh 3 chủ đề: tình yêu, thế sự, những bức chân dung tự họa bằng thơ.
Ông có những câu thơ khắc khoải về tình yêu: “Đợi em khuya dài quá, những quầng sáng úa vàng mệt lòa” (Đợi em). Hình ảnh thơ đẹp, dồn nén cảm xúc người viết.
Phan Vũ viết về thế sự với đầy nỗi chán chường, một hợp âm của những nghiêng, đổ, xa, dư thừa, mù mịt, lạc, bơ vơ, một nỗi buồn không có gì đỡ nổi.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, biên tập viên Diệu Thủy, nhà văn Trương Quý (từ trái qua) trong buổi ra mắt sách Ta còn em tối 24/4 tại Hà Nội. |
Thơ ông giàu tư duy hội họa. Phan Vũ chú ý phối hợp mảng màu khác nhau, những gam màu mạnh: “Ta còn em tiếng trống tan trường/ Màu thiên thanh lẫn trong tiếng rủ/ Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ/ Bờ môi ai đậm đỏ bích đào? Những gót son dập dìu đại lộ/ Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa” (Em ơi! Hà Nội phố).
Giờ đây, Phan Vũ ở tuổi 92, sống tại Sài Gòn và hoạt động nghệ thuật chủ yếu của ông là vẽ tranh. Nhà thơ Dương Tường - người bạn của Phan Vũ - cho rằng Phan Vũ là "một gã du canh", từ kịch tác gia, kịch sĩ, chuyển sang đạo diễn, làm diễn viên, làm thơ và vẽ tranh.
"Dù không chủ đích thâm canh ở mảnh đất nào, nhưng nghệ thuật của Phan Vũ để lại trong lòng công chúng một ấn tượng động mà át âm, là một vị ngọt ngào thơ man mác tình", nhà thơ Dương Tường nói.