Chuyện không mới, kể từ năm 2004, Thái Lan toàn thua trước Nhật Bản trong 4 lần đụng độ. Xét về tỷ số, thầy trò Kiatisak có tiến bộ đôi chút vì chỉ để thủng lưới 2 bàn. Trước đó, họ toàn để Nhật Bản dội từ 3 bàn trở lên. Nhưng điều đó không quan trọng, bóng đá chỉ ghi nhận tỷ số chung cuộc, đội thắng và kẻ thất bại.
Tuần rồi, người Thái một phút lên mây khi đội nhà để thua sát nút Saudi Arabia 0-1. Trận đấu đó khiến thầy trò Kiatisak hơi bay bổng. Họ tin trình độ của mình đã tiến bộ so với quá khứ. Trước đối thủ mạnh như Saudi Arabia, đứng thứ 6 trong khu vực châu Á, Thái Lan chỉ để thua bởi sự thiếu may mắn khi phán quyết của trọng tài không đứng về phía họ.
Nhật Bản đã dạy cho Thái Lan (áo xanh) một bài học. |
Thế nhưng Thái Lan đã biết mình đang ở đâu trên bản đồ thế giới sau thất bại trước Nhật Bản. Sự khác biệt về đẳng cấp giữa hai đội vẫn còn rất lớn. Theo dõi cách Shinji Kagawa, Keisuke Honda và Asano của Nhật Bản di chuyển thông minh trong các pha hãm thành, điều đó nói lên tất cả về hai nền bóng đá.
Nhật Bản quá mạnh, còn Thái Lan giống như tay chơi mới nổi. Sự thật đó vốn không cần bàn cãi nay tiếp tục được khẳng định. Đối thủ đến từ đất nước mặt trời mọc với những cá nhân thi đấu ở cấp độ hàng đầu châu Âu đã biến Thái Lan thành quân xanh nhỏ bé.
Trên ESPN, cây bút Paul Murphy phân tích, Thái Lan như thường lệ bắt nhịp trận đấu rất chậm khi chơi trên sân nhà. Trước Iraq, họ từng bị dẫn 0-2 chỉ sau gần 1 giờ thi đấu, dù đá tại Rajamangala. Với thể thức của vòng loại World Cup 2018, các trận đấu diễn ra ở sân nhà mang ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, Thái Lan lại không thể phát huy lợi thế đó.
Shinji Kagawa (số 10) cho thấy một sự khác biệt về đẳng cấp so với Thái Lan. |
Đại diện Đông Nam Á nhập cuộc bằng sự ì ạch, thiếu áp lực cần thiết. Việc đánh phủ đầu có thể tạo ra sự tự tin cho các cầu thủ, đồng thời uy hiếp tinh đối phương. Ngoài ra, Thái Lan không có được những cá nhân đẳng cấp như Kagawa hay Honda trong đội hình. Việc khẳng định chỗ đứng tại châu Âu đủ nói lên trình độ của hai ngôi sao Nhật Bản thế nào.
Còn Thái Lan, Teerasil Dangda rất giỏi nhưng tầm vóc chỉ quanh quẩn trong “ao làng”. Dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về con người giữa Nhật Bản và Thái Lan đã định đoạt cục diện trận đấu. Nhà báo Paul Murphy mô tả, Nhật Bản với dàn sao thi đấu tại châu Âu đã khiến một Thái Lan toàn những cầu thủ chinh chiến ở giải trong nước chùn chân.
Sau trận đấu, HLV Kiatisak của Thái Lan đổ lỗi cho tổn thất nhân sự, mất Sanrawat Dechmitr, Adisak Kraisorn và Sarach Yooyen, đã ảnh hưởng đến họ. Thế nhưng dù có bộ ba này trên sân, mọi chuyện vẫn không khả thi hơn. Trình của Sanrawat, Adisak và Sarach còn lâu mới sánh ngang với Hasebe, Honda, Kagawa hay Asano.
Tuyển Thái Lan tiến bộ, nhưng chưa vươn tầm như Nhật Bản. |
Trong phần kết của bài phân tích trên ESPN, Paul Murphy tin rằng chặng đường tới World Cup 2018 của Thái Lan còn rất xa. Và những thất bại như trước Nhật Bản có chăng chỉ giúp thầy trò Kiatisak bổ sung được những kinh nghiệm.
Sau 2 lượt trận tại vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, Thái Lan đang xếp chót bảng. |