Theo các chuyên gia, thí sinh nên cân nhắc các điều kiện cần và đủ khi đăng ký ngành học, không nên chỉ nhìn vào sức nóng của ngành để đặt cược tương lai.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức xong đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 với gần 80.000 thí sinh dự thi, tăng hơn 12.000 thí sinh so với năm 2021.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết điểm mới của năm nay là thí sinh đăng ký dự thi đồng thời với đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do trường này tổ chức.
Trong đợt 1, hệ thống đăng ký của ĐH này đã tiếp nhận việc đăng ký nguyện vọng của 57 đơn vị trong và ngoài hệ thống. Thống kê cho thấy đã có hơn 300.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Năm 2021 có gần 100.000 nguyện vọng xét tuyển vào các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.
TS Nguyễn Quốc Chính cho hay dù số lượng thí sinh dự thi đánh giá năng lực tăng lên nhưng thí sinh không nên lo lắng vì số trường sử dụng kết quả này để xét tuyển cũng nhiều hơn (tăng 10 trường so với năm 2021) và chỉ tiêu dành cho phương thức này cũng tăng lên.
Nhiều trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM có tỷ lệ chỉ tiêu tối đa tiếp tục tăng lên so với năm ngoái như trường ĐH Khoa học tự nhiên dành tới 70% chỉ tiêu, trường ĐH Kinh tế - Luật tới 60%, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn 50%.
Thí sinh cần cân nhắc kỹ các điều kiện khi chọn ngành đăng ký xét tuyển Ảnh: Nghiêm Huê. |
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng đang nhận hồ sơ đăng ký theo phương thức xét kết quả học bạ. Hiện đã có gần 8.000 thí sinh đăng ký với trên 22.000 nguyện vọng. Phân tích cho thấy xu hướng năm nay thí sinh vẫn chuộng khối ngành Kinh tế và Công nghệ thông tin.
Những yếu tố để chọn ngành
Trong buổi tư vấn “Chọn chuẩn trường đi chuẩn đường” của trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa qua, PGS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh cho biết, phương thức tuyển sinh của trường năm 2022 có một số thay đổi nhỏ để phù hợp với xu hướng và lộ trình mà nhà trường đã chuẩn bị.
Theo đó, năm nay, trường vẫn giữ 2 phương thức chính: xét tuyển tài năng và xét tuyển theo điểm thi. Với phương thức xét tuyển tài năng, năm 2022, trường ĐH Bách khoa Hà Nội phát triển mạnh hình thức xét tuyển dựa trên hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn với chỉ tiêu 10-20%, tăng 5% chỉ tiêu so với năm 2021.
Còn phương thức xét tuyển theo điểm thi, trường xem xét theo 2 hình thức: dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy với 50-60% tổng chỉ tiêu và dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 (10-20% chỉ tiêu cho một số chương trình đào tạo). Tổng chỉ tiêu xét tuyển năm 2022 của trường ĐH Bách khoa là khoảng 7.990 sinh viên, tăng khoảng 500 chỉ tiêu so với năm 2021 và số chỉ tiêu này ưu tiên cho các chương trình mới, chương trình tài năng.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, cán bộ phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự đoán, năm nay, bên cạnh ngành Công nghệ thông tin thì những ngành như Tự động hóa, Cơ điện tử, Phân tích kinh doanh hay Logistic… là những ngành “hot”, có sức hút lớn.
“Tuy vậy, trong quá trình lựa chọn ngành nghề, thí sinh không nên quá chú trọng vào ngành “hot”, thay vào đó là cân nhắc ngành học dựa trên sự yêu thích và khả năng của bản thân”, bà Hằng chia sẻ.
Với kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh lâu năm, PGS Vũ Duy Hải cho hay thay vì chạy theo đám đông, trong quá trình chọn ngành, chọn nghề, thí sinh cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng.
Theo ông, ưu tiên số 1 của thí sinh khi chọn ngành nghề là dựa trên sự đam mê, sở thích của bản thân; sau đó cần cân nhắc, tính toán dựa trên năng lực của bản thân. Trước khi chọn ngành, thí sinh cũng cần quan tâm đến học phí đào tạo của chương trình đó sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Những năm gần đây, cùng với xu hướng tự chủ, học phí của các trường ĐH đã tăng lên đáng kể. Những ngành học được coi là “nóng” thường có mức học phí cao hơn những ngành học khác. Chính vì thế, khi chọn ngành, thí sinh cần phải lưu ý vấn đề tài chính giữa các ngành học, giữa các hệ đào tạo trong cùng một ngành. Việc cân nhắc này là cần thiết vì cần phải có kế hoạch chuẩn bị kinh phí cho 4-5 năm học, thậm chí là 6-9 năm đối với khối Y dược.
Năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh kỹ thuật lọc ảo khi xét tuyển. Mặc dù thí sinh đủ điểm và điều kiện đỗ nhiều nguyện vọng, hệ thống vẫn xét theo nguyện vọng mà học sinh đăng ký trên hệ thống. Vì vậy, việc đặt nguyện vọng trên hệ thống rất quan trọng. Muốn học ngành nào, thí sinh cần ưu tiên đặt nguyện vọng đó lên đầu.