Bình luận
Lý thuyết là của huấn luyện viên (HLV), còn cầu thủ thể hiện trên sân và thể hiện nhờ vào trình độ. Lý thuyết của HLV Park Hang-seo và trình độ của cầu thủ Việt Nam là như thế nào trước Nhật Bản?
Bước vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022, chuyện tuyển Việt Nam gặp thất bại, thì ai cũng xem là bình thường nhưng chung một suy nghĩ: Thất bại nào cũng không quan trọng bằng cách thất bại.
Trận thua trước Nhật Bản là điều khó tránh khỏi đối với tuyển Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
Lý thuyết của HLV Park
Gặp đối thủ hàng đầu châu Á là tuyển Nhật Bản, chúng ta có thể né thất bại cách nào? Nếu ai trả lời được câu hỏi ấy, họ có thể nộp đơn để làm trợ lý Park Hang-seo. Vì ngay bản thân ông Park cũng không thể tìm ra cách để tránh thất bại trước đối thủ lớn hơn tầm mình.
Nếu HLV Park cầm đội tuyển Hàn Quốc, ai dám chắc ông không thua Nhật Bản? Mà thực tế là HLV Park cầm tuyển Việt Nam, một đội ở tầm vóc nào chúng ta không cần bàn thêm nữa.
HLV Park Hang-seo đưa đội hình Việt Nam xuất quân với sơ đồ 3-4-1-2, nhưng thực sự là hướng tới thực chiến 5-4-1, với việc Công Phượng và Quang Hải phải hoạt động ở tuyến tiền vệ nhiều hơn khi chúng ta không có bóng.
Lựa chọn của ông Park nhắm tới chuyện khi phản công, nhân sự tuyến trên của tuyển Việt Nam sẽ không thiếu yếu tố sáng tạo, với Quang Hải, Công Phượng, Tiến Linh và 2 biên là Văn Thanh, Hồng Duy.
Nhưng tính toán của ông Park Hang-seo hoàn toàn chỉ là lý thuyết. Trong sơ đồ 3 trung vệ, phát động tấn công từ 2 biên là một trong những yếu tố khá quan trọng và cơ bản. Và 2 tiền vệ trung tâm cần sự linh hoạt tối đa, để có thể là 2 nhân tố phòng ngự tuyến trên đồng thời là 2 hạt nhân trong tổ chức tấn công. Nhưng cuối cùng, cả 2 biên lẫn 2 tiền vệ trung tâm của ta đều câm nín trước đối thủ ở trình độ cao hơn mình.
Tuyển Việt Nam có gì trước Nhật Bản? Chúng ta vận hành đúng cách huấn luyện viên mong muốn, nhưng không đủ trình độ để cách vận hành đó ra kết quả. Trình độ cầu thủ Nhật Bản hơn chúng ta vượt trội, nên từ đó, có chơi đúng yêu cầu của huấn luyện viên đặt ra, tuyển Việt Nam vẫn không thể sòng phẳng được trước người Nhật.
Các cầu thủ Nhật Bản xử lý hoàn hảo trong tình huống dẫn đến bàn thắng duy nhất của trận đấu. Ảnh: Việt Linh. |
Sự vượt trội của tuyển Nhật Bản
Pha ghi bàn của Nhật Bản nói rõ hết. Nó không phải là lỗi cá nhân đơn thuần. Nó là đẳng cấp. Cú đưa bóng vào đúng vị trí của người kiến tạo và cú đón bóng của người ghi bàn nói lên tất cả. Nó không phải là chuyền đúng chân, mà là chơi bóng đúng điểm. Đường chuyền và pha đệm bóng đều là “bài”.
Tình huống được lập trình sẵn khi người thực hiện đường chuyền, hiểu nhiệm vụ là phải đưa bóng vào điểm đó, và người dứt điểm luôn hướng tới chuyện chạm bóng ghi bàn. Đó là sự nhuần nhuyễn từ vượt trội trình độ mà chúng ta không chống đỡ được dù nhân sự lúc đó của tuyển Việt Nam là nhiều hơn. Cú bứt lên ở biên trái của Nhật Bản là do tốc độ cá nhân. Nhưng pha chuyền và tiếp đường chuyền là trình độ. Đó là thứ tuyển Việt Nam đang thiếu.
Trong hiệp 2, tuyển Nhật Bản chơi bóng như thế nào, nhàn hay vất vả? Đó là thứ mà khi xem lại chúng ta đều hiểu. Lý thuyết của HLV Park Hang-seo có sai không? Nó không sai khi tuyển Việt Nam thua tối thiểu 0-1 và có phản ứng lại rõ rệt.
Tuy nhiên, lý thuyết ấy có được đáp ứng nổi bởi trình độ cầu thủ hay không? Chơi 3 trung vệ, chúng ta phát triển bóng từ tuyến dưới được hay không? Rồi 2 biên thế nào? Trung tâm hàng tiền vệ ra sao? Nhiều câu hỏi khó trả lời.
Tuyển Nhật Bản đặt mục tiêu giành chiến thắng và cũng không cần tăng tốc quá mức để kiếm gì đó hơn 3 điểm. Họ biết chúng ta muốn phản công, nhưng có cho thầy trò HLV Park thực hiện điều đó hay không? Họ chơi trong hệ thống thực sự không hiện đại, nhưng nó ra kết quả vì con người vượt trội. Còn chúng ta có một ý tưởng tốt, nhưng không có con người đẳng cấp.