Bình luận
Tháng 11 không phải thời điểm dễ chịu với những người hâm mộ đội bóng áo thiên thanh. Cách đây 3 năm, chính vào quãng thời gian này, Italy bị Thụy Điển đánh bại khỏi lượt trận play-off World Cup 2018 và không thể giành vé tới Nga.
Đến giờ, hình ảnh các tuyển thủ Italy cúi gằm tại sân San Siro năm đó vẫn in sâu trong trí nhớ của những tifosi. Đó không đơn thuần là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Italy không thể tham dự đấu trường World Cup kể từ năm 1958. Đó là điểm đánh dấu đáy của đồ thị phong độ của Azzurri, với hai nỗi sỉ nhục lớn trước đó là các thất bại ngay từ vòng bảng của World Cup 2010 và 2014.
Ba năm sau thời khắc khó quên đó, Italy đang trở lại.
Italy đang trở lại mạnh mẽ. Ảnh: Reuters. |
Sức mạnh của đội tuyển áo thiên thanh
Nếu từng theo dõi hay yêu thích Italy, độc giả có lẽ sẽ hiểu sự thật này về Azzurri. Đây là đội bóng không sợ đối thủ mạnh, mà chỉ e ngại những đối thủ yếu hơn.
Những thất bại nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử của Italy đều tới khi đối thủ của họ chỉ làng nhàng như Hàn Quốc (World Cup 2002), New Zealand, Slovakia (World Cup 2010) hay Costa Rica (World Cup 2014).
Tại UEFA Nations League 2019/20, Italy nằm chung bảng với Hà Lan, Ba Lan và Bosnia. Đây không phải giải đấu được coi trọng, song đặt trong bối cảnh cần lấy lại danh tiếng và gây dựng đội ngũ, Italy đặt mục tiêu cao ở đấu trường này dù Hà Lan hay Ba Lan đều không phải những đối thủ dễ chơi.
Alessandro Bastoni là một trong những ngôi sao trẻ của bóng đá Italy. Ảnh: Getty. |
Italy không nhận thất bại nào và chiếm ngôi đầu bảng với 12 điểm, nhiều hơn Hà Lan, đội á quân Nations League 1 điểm để đi tiếp vào VCK với Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp.
Trong 4 đội đứng đầu bảng ở Nations League, Italy là đội giành ít điểm, ghi ít bàn nhất. Tuy nhiên, không thể coi đây là thành tích thiếu ấn tượng của Azzurri khi họ liên tục củng cố được lực lượng với sự tỏa sáng của những ngôi sao trẻ tuổi.
Trung vệ Alessandro Bastoni là hình mẫu trong số này khi được tin dùng trong hai chiến thắng quyết định trước Ba Lan và Bosnia. Bastoni nổi lên từ mùa trước khi đánh bật Diego Godin khỏi đội hình chính của Inter Milan. Với phong độ cao, HLV Roberto Mancini quyết định triệu tập, đặt niềm tin vào hậu vệ sinh năm 1999 và thu về kết quả mỹ mãn.
Trong chiến 2-0 trước Ba Lan, Bastoni kèm chặt và vô hiệu hóa Robert Lewandowski suốt cả trận. Báo chí Italy phát sốt với phong độ này của Bastoni. HLV Roberto Mancini thừa nhận Bastoni "có thể vươn tới đẳng cấp của Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini".
Bastoni có thể xem là biểu tượng cho tư duy và triết lý mới của Italy sau thất bại trước Thụy Điển cách đây 3 năm. Từ đó tới nay, nhiều cầu thủ trẻ tại Italy đã được trao cơ hội trong màu áo tuyển quốc gia và dần khẳng định được tài năng.
Manuel Locatelli, Nicolo Barella là những cái tên mới nhất trong nhóm này. Hai tiền vệ sinh mới lần lượt 22 và 23 tuổi đang trở thành bộ động cơ mới của tuyển Italy ở khu vực giữa sân.
Trong chiến thắng 1-0 trước Hà Lan hồi đầu tháng 9, Barella là ghi bàn duy nhất cho Azzurri. Một tháng sau, Barella lại là người kiến tạo bàn giúp Italy dẫn trước Hà Lan. HLV De Zerbi của Sassuolo ca ngợi Locatelli bằng nhận định "Cậu ấy hoàn toàn áp đảo Georginio Wijnaldum".
Roberto Mancini, thuyền trưởng của Italy, là kiến trúc sư cho công trình này. "Chúng ta có nhiều cầu thủ trẻ tài năng tại Italy. Vấn đề là cần trao cho họ cơ hội. Sẽ có những khó khăn ban đầu, nhưng nếu họ thực sự có tiềm năng, mọi thứ sẽ được cải thiện sau từ 6 đến 7 tháng", ông nói với báo giới Italy sau khi giành vé dự VCK Nations League 2021.
"6 đến 7 tháng" như lời Mancini nói không phải quãng thời gian ngắn. Nền bóng đá xứ sở mỳ ống luôn coi trọng kinh nghiệm hơn tiềm năng, và thường lấy ngắn nuôi dài.
Hiếm tifosi nào quên được câu chuyện diễn ra trong trận hòa thất vọng với Thụy Điển tại San Siro cách đây 3 năm. Trong thế buộc phải ghi bàn, HLV Giampiero Ventura khi ấy định tung tiền vệ phòng ngự 34 tuổi Daniele De Rossi vào sân.
Thủ quân của Roma khi ấy nổi cáu với ông thầy và chỉ sang Lorenzo Insigne, 26 tuổi, ngồi cạnh và nói: "Chúng ta cần ghi bàn. Vì sao lại đưa tôi vào sân mà không phải cậu ấy?".
Câu chuyện nhỏ này từng khiến người Italy phẫn nộ vì tư duy lỗi thời của những ông thầy Italy như Ventura. Song với Mancini, mọi thứ lúc này đã thay đổi hoàn toàn.
Cuộc cách mạng của người Italy
UEFA Nations League thực tế không phải ví dụ duy nhất cho sự trở lại của bóng đá Italy. Tại vòng loại EURO 2020, Italy cùng Bỉ là hai đội giành trọn 30 điểm/10 trận. Việc thắng tuyệt đối ở vòng loại EURO là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ĐT Italy trước đây.
Tuy nhiên, điều quan trọng là Italy lột xác hoàn toàn về tư tưởng chơi bóng khi tấn công vũ bão thay vì lối chơi thiên về phòng ngự theo truyền thống.
Roberto Mancini đang thay đổi tư duy và bộ mặt của tuyển Italy. Ảnh: Getty. |
Azzurri ghi 37 bàn sau 10 trận, chỉ sau Bỉ ở giai đoạn này. "Chúng tôi đang tận tưởng lối đá tấn công", Bonucci nói sau khi Italy đè bẹp Liechtenstein 9-1 ở lượt trận cuối cùng vòng loại.
Trong quá khứ, việc Italy chơi tấn công là điều cấm kỵ. Mọi thứ bắt đầu từ vòng loại World Cup 1958, HLV Alfredo Foni khi ấy chống lại toàn bộ dư luận trong nước khi chọn lối chơi tấn công cho đội tuyển thay vì lối đá thiên về phòng ngự.
Italy đứng sau Bắc Ireland ở vòng loại và lỡ vé tham dự World Cup trên đất Thụy Điển. Thất bại này khiến bóng đá Italy thay đổi lớn về tư duy. Trong suốt thời gian dài sau đó, người Italy tin phòng ngự là cách duy nhất để thành công, và thực tế là chức vô địch EURO 1968, World Cup 1982 và 2006 đều in đậm dấu ấn của lối đá khắc khổ này.
Song những thất bại lớn tại World Cup 2010, 2014 và vòng loại 2018 khiến người Italy quyết tâm thay đổi. Và họ đang làm được với những chiến tích ấn tượng tại vòng loại EURO 2020 và giờ là UEFA Nations League.
Trước khi EURO 2020 bị hoãn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, báo chí tin ĐT Italy sẵn sàng đấu sòng phẳng với bất kỳ đối thủ nào. Quan điểm ấy không phải không có cơ sở nếu nhìn vào những gì Italy đang làm được lúc này.