Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tuyên bố của TQ thường là cảm xúc, không căn cứ lịch sử'

Trên trang National Interest, nhà báo, học giả uy tín Bill Hayton khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thường chỉ là cảm xúc mà không hề có căn cứ lịch sử chính xác.

“Phán quyết của Toà Trọng tài về Biển Đông là chiến thắng của chứng cứ trước cảm xúc. Tôi đã dành 5 năm qua để xem xét các chứng cứ lịch sử khác nhau (của các nước trong vùng). Trong quá trình này, tôi phát hiện ra các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thường là cảm xúc hơn là lịch sử thật sự.

Các tuyên bố này xuất phát từ tâm lý Trung Quốc bị xâm phạm lãnh thổ trong trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cùng những hiểu sai lẫn lộn về lịch sử, dịch sai bản đồ của nước ngoài và thái độ lúc nào cũng khăng khăng coi mình là đúng.

trung quoc thua vu kien bien dong anh 1
Tàu chiến USS Antietam của Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: hải quân Mỹ.

Đập tan luận điệu sai trái

Vấn đề với khu vực là, dù có phán quyết của toà, những hiểu sai và cảm xúc này sẽ không dễ mất đi. Sẽ không có chuyện đó đâu. Các trường học ở Trung Quốc sẽ tiếp tục nhồi nhét vào đầu trẻ em những quan điểm lệch lạc như thế về quá khứ.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước sẽ tiếp tục rêu rao đi rêu rao lại thông điệp này với những người trưởng thành. Và đối với những người Trung Quốc thực sự quan tâm đến vấn đề này, phán quyết của Tòa trọng tài đồng nghĩa với việc một lần nữa Trung Quốc phải chịu nhục.

Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc cho phép tranh luận cởi mở về lịch sử, chúng ta có thể hy vọng những hiểu biết mới (đúng đắn hơn) sẽ xuất hiện. Tuy nhiên đó là chuyện không tưởng, cũng giống như việc Trung Quốc sẽ phá hủy các đảo nhân tạo khổng lồ của họ.

Phán quyết của toà trọng tài dài 501 trang, tôi vẫn đang đọc. Nhưng câu tôi thích nhất nằm ở đoạn số 270. Tại đó, các thẩm phán tuyên bố: “Toà không phát hiện được bất cứ chứng cứ nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử quy định hay kiểm soát đánh bắt cá ở biển Đông, ngoại trừ phần giới hạn trong lãnh hải (12 hải lý sát bờ của Trung Quốc).”

Câu này đập tan luận điểm sai trái vốn là tâm điểm trong thái độ của Trung Quốc với khu vực, rằng chỉ Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vùng biển giữa họ với các nước láng giềng.

Không ai phủ nhận việc các thương nhân và ngư dân Trung Quốc hoạt động dọc Biển Đông. Nhưng thương nhân và ngư dân các nước khu vực cũng làm như vậy. Tương tự là các thương nhân từ Ấn Độ, Ba Tư, Arab và châu Âu.

Lịch sử của Biển Đông luôn là lịch sử của chung (các nước). Các thương nhân Hồi giáo xây giáo đường ở Quảng Châu từ thế kỷ thứ 8, các nhà đóng tàu Trung Quốc mượn ý tưởng thiết kế từ tàu Malay. Và khu vực trở nên thịnh vượng nhờ hoạt động trao đổi (ý tưởng, thương mại).

Chủ nghĩa sô vanh nước lớn của Trung Quốc cùng yêu sách đòi độc chiếm chủ quyền Biển Đông chỉ xuất hiện trong những năm suy tàn cuối cùng của đế chế nhà Thanh và giai đoạn đầu hỗn loạn của Cộng hoà Trung Hoa.

Chủ nghĩa sô vanh này là nguyên nhân chính dẫn tới các rắc rối trên Biển Đông ngày nay. Trung Quốc muốn tối đa hoá các tuyên bố chủ quyền trên biển – xuất phát từ việc bảo vệ bờ biển, quyền đánh bắt cá, khai thác dầu mỏ và tạo không gian hoạt động cho các tàu ngầm với tên lửa đạn đạo.

Có những thế lực chủ động vận động trong hệ thống chính trị của Trung Quốc để bảo vệ rất quyết liệt các lợi ích này. Điều khiến chúng trở nên cực kỳ độc hại với khu vực chính là việc Trung Quốc luôn cho rằng mình là đúng, chỉ duy nhất mình có quyền.

Con đường phía trước

Nhưng liệu có đường tiến phía trước? Có những dấu hiệu cho thấy các quan chức Trung Quốc thực tế đang lèo lái dần dần theo hướng tuân thủ các nguyên tắc được chấp nhận chung của luật pháp quốc tế.

Như nhà nghiên cứu Andrew Chubb của Úc chỉ ra, phản ứng của chính phủ Trung Quốc với phán quyết, “có vẻ như đã làm rõ hơn về ý nghĩa của đường 9 đoạn” – một điều được chờ đợi từ lâu.

Tuyên bố của Trung Quốc có năm điểm, trong đó có điểm đầu tiên là trực tiếp nói về đường 9 đoạn. Dương như Bắc Kinh khẳng định rằng đường 9 đoạn vẽ từ 1947 chủ yếu để cho việc quản lý hành chính các đảo – chứ không hề đề cập đến vùng biển xung quanh.

Điểm thứ ba có nhắc tới “quyền lịch sử” – điều mà Toà trọng tài đã bác hoàn toàn. Nhưng văn bản của chính quyền Trung Quốc không hề nói các quyền này là gì và có thể được thực hiện như nào.

Hãy tưởng tượng chính sách của Trung Quốc giống như một chiếc tàu chở dầu siêu lớn, di chuyển chậm chạp. Các chính sách này sẽ không thay đổi ngay sau một đêm, nhưng có thể đang dịch dần theo hướng mà cộng đồng quốc tế có thể chấp nhận được.

Câu hỏi được đặt ra vào lúc này là khu vực và thế giới nên phản ứng như thế nào. Điều quan trọng là cần tránh sự tung hô và những hành động có thể khiến Trung Quốc cảm thấy mất mặt. Tất cả các bên đều phải tránh sự khiêu khích.

Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ lo ngại nguy cơ hội nghị G-20 hồi đầu tháng 9 tới sụp đổ nên không dám làm gì quá khích. Trung Quốc và cả thế giới có vài tuần để xem xét về một tương lai mang tính hợp tác ở Biển Đông.  

Bill Hayton là phóng viên của BBC và là tác giả cuốn sách “South China Sea: the struggle for power in Asia” (Biển Đông: cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á) in năm 2014. Cuốn sách là tài liệu quan trọng về biển Đông khi chỉ ra rõ rằng Trung Quốc đã ngụy tạo nhiều “bằng chứng” để chứng minh cái gọi là chủ quyền ở Biển Đông. 

7 điểm chính của phán quyết toà quốc tế vụ kiện Biển Đông

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chiều 12/7 đã ra phán quyết quan trọng, bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc tại biển Đông. Zing.vn trích đăng 7 điểm chính trong phán quyết của PCA.

'Nhiều ý nghĩa quan trọng từ phán quyết vụ kiện Biển Đông'

Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia Việt Nam nhận định phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện của Philippines tạo ra nhiều cơ sở có lợi cho Việt Nam trong tình hình tranh chấp.

 

Thanh Tuấn (lược dịch)

Bạn có thể quan tâm