Ngày 22/5, trả lời báo chí quốc tế tại Philippines về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, chia sẻ về thông điệp gửi tới thế giới của Thủ tướng.
- Dưới con mắt của một nhà chiến lược, nhìn suốt chiều dài lịch sử, ông đánh giá như thế nào về tuyên bố này?
- Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nêu ra tại Philippines là tích cực. Tuyên bố này không những hoàn toàn đúng mà còn có thể coi là mạnh mẽ nhất trong 35 năm qua. Trong ứng xử của Việt Nam với Trung Quốc kể từ năm 1979 đến nay thì đây là một bước ngoặt lịch sử. Và tôi muốn đây là bước ngoặt trong nhận thức chung của tập thể cấp cao của Đảng chứ không phải của riêng một lãnh đạo.
Nếu như tư tưởng này thống nhất thì sẽ hết sức lành mạnh và củng cố lòng tin của đồng bào đối với lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền với vùng biển của Việt Nam.
- Thiếu tướng chờ đợi gì ở các bước đi tiếp theo của Đảng và Nhà nước?
- Với tư cách là một người dân, một đảng viên, tôi đề nghị Đảng, Nhà nước kiên trì chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị với Trung Quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế nhưng phải kiên quyết, mạnh mẽ hơn. Chúng ta tuyệt đối không được tỏ ra sợ sệt; không được mơ hồ.
“16 chữ” về quan hệ Việt - Trung chỉ là “ứng vạn biến”. Không được lấy “ứng vạn biến” để thay “dĩ bất biến” vì chủ quyền quốc gia là bất biến. Lãnh đạo phải đặt lợi ích dân tộc là tối thượng.
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: Lê Hiếu. |
- Về mặt đối nội, ông nhận định như thế nào về những đổi mới về chính trị, kinh tế, xã hội trong thời gian tới?
- Trước hết và quan trọng nhất vẫn là lòng dân. 90 triệu người cùng đoàn kết sẽ là sức mạnh vô địch không gì thay đổi được. Song song với đó, phải thực hiện bằng được từng tuyên bố bởi đó là nút thắt của chính trị Việt Nam, tạo ra đồng thuận và lòng tin của người dân.
Vấn đề Biển Đông gắn liền với sức mạnh chiến đấu của Đảng. Chính nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nói tới quan hệ chặt chẽ của việc này với vấn đề bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Khi nào Đảng mạnh mới quy tụ được lòng dân, kẻ thù và lúc đó ngoại bang không thể ngang nhiên muốn làm gì thì làm được. Hơn lúc nào hết, Đảng phải mạnh, nói thì phải làm.
- Là người nghiên cứu Trung Quốc lâu năm, ông có lường được những phản ứng tiếp theo của nước này sau tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng xung quanh tình hình Biển Đông?
- Trong tay Trung Quốc không có pháp lý và đạo lý mà họ chỉ phản ứng theo kiểu nước lớn ức hiếp nước nhỏ, như vậy thì sẽ khó lường, không theo một quy luật nào cả. Để ứng phó, chúng ta phải có thái độ mạch lạc rõ ràng và sẵn sàng đương đầu với những phản ứng tiếp theo của Trung Quốc.
- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, đây là lúc Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc, thậm chí thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của Trung Quốc?
- Đây là vấn đề lớn, cần bàn cẩn thận. Riêng quan điểm “thoát ra khỏi Trung Quốc” thế nào cũng phải có nhận thức đúng. Nếu thoát ra khỏi sự phụ thuộc với Trung Quốc, khỏi sự chi phối của Trung Quốc thì là cần thiết.
Nhưng phải thấy rằng, hai nước núi liền núi, sông liền sông, 1.450 km biên giới Việt Trung và chúng ta cũng phải thấy rằng 1,3 tỷ người Trung Quốc là người tốt; hàng trăm tướng lĩnh, sĩ quan quân đội của Trung Quốc cũng không muốn gây hấn với Việt Nam. Họ không có lợi ích gì cả. Hơn 300 Ủy viên Trung ương Đảng của Trung Quốc, người ta cũng muốn hòa hiếu với Việt Nam.
Còn chuyện “cái bóng của Trung Quốc” thì chúng ta phải đặt trong mối quan hệ của 2 dân tộc làm việc chung, chứ không nên có thái độ sai với người dân Trung Quốc. Chỉ một số ít những kẻ cầm quyền mang tư tưởng bành trướng Đại Hán, đè nén áp bức nước nhỏ thôi.
Ngàn năm nay và ngàn đời sau, dân tộc Việt Nam vẫn phải đoàn kết gắn bó với dân tộc Trung Quốc. Đó là mẫu số chung để từ đó chúng ta lựa chọn cách ứng xử.
"Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc" - là câu nói được trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4) đánh giá hay nhất trong thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Philippines.
Tướng Thước cho rằng, tuyên bố của Thủ tướng hoàn toàn khác biệt về chất lượng so với các phát biểu của ông từ trước tới nay. Nội hàm câu chữ trong đó mang tính quyết định rất rõ ràng về bảo vệ chủ quyền và đã đi vào hành động cụ thể chứ không còn đơn thuần là lời nói nữa.
"Tôi rất tâm đắc và hoan nghênh phát biểu này bởi nó thực sự nói lên được ý chí toàn dân, nhất là trong mười mấy ngày qua khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tôi tin những phát ngôn của Thủ tướng đã được thống nhất trong hàng ngũ lãnh đạo và mong muốn sắp tới Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất sẽ có tuyên bố, nghị quyết mạnh mẽ hơn so với thông cáo vừa phát đi", trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ.