"Chúng tôi quan ngại về tình hình ở vùng Biển Đông và biển Hoa Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng cơ bản của những cơ chế quản lý và giải quyết tranh chấp trong hòa bình", AFP trích nội dung tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G7 sau 2 ngày họp.
Các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố tất cả các nước cần tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, khẳng định mọi tuyên bố chủ quyền phải phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời thúc giục các nước liên quan trong tranh chấp không thực hiện "những hành động đơn phương có thể khiến căng thẳng gia tăng", không sử dụng "vũ lực hoặc cưỡng ép" nhằm thúc đẩy, củng cố các tuyên bố chủ quyền.
Dù tuyên bố chung tiếp tục không nêu cụ thể quốc gia nào, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã lên tiếng chỉ trích gay gắt nội dung tuyên bố. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 27/5 nói Bắc Kinh "vô cùng không hài lòng" về tuyên bố chung của hội nghị G7.
"Hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật Bản tổ chức lần này đã thổi phồng vấn đề Biển Đông, cũng như nói quá về tình hình căng thẳng. Đây là điều không có lợi đối với sự ổn định ở Biển Đông, cũng như không đi đúng với lập trường của G7 là nền tảng để thảo luận về tình hình kinh tế của những nước phát triển", bà Hoa nói.
Lãnh đạo các nước G7 chụp ảnh sau khi ra tuyên bố chung của hội nghị. Ảnh: Reuters |
Trước đó, trong cuộc họp báo đêm 25/5, Thủ tướng Abe nói Tokyo hoan nghênh việc Trung Quốc trỗi dậy hòa bình nhưng phản đối mọi hành động sử dụng vũ lực nhằm làm thay đổi hiện trạng. Ông Abe thúc giục các bên tôn trọng luật pháp quốc tế.
Những ngày trước khi G7 diễn ra, Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ vì lo ngại trở thành tâm điểm chỉ trích của các lãnh đạo G7. Ngày 26/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lớn tiếng cảnh báo các thành viên của G7 phải duy trì “vị trí khách quan và công bằng, thay vì áp dụng các tiêu chuẩn kép hoặc ý kiến riêng của khối".
“Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ cuộc thảo luận hoặc hành động nào có thể khiến căng thẳng trong khu vực thêm trầm trọng”, South China Morning Post dẫn lời ông Vương nói.
Theo ông này, các thành viên G7 có thể quyết định chủ đề thảo luận của nhóm, nhưng “không nên làm bất cứ điều gì ảnh hưởng tiêu cực tới căng thẳng khu vực”.
Hồi tháng trước, cuộc họp các ngoại trưởng G7 cũng đưa ra tuyên bố chung về an ninh hàng hải. Theo đó, các thành viên bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ trước mọi động thái đơn phương mang tính đe dọa, cưỡng ép hay gây hấn có thể làm thay đổi hiện trạng và khiến căng thẳng gia tăng" trong khu vực.
Bắc Kinh ngay lập tức tỏ thái độ tức tối dù tuyên bố chung này dù nó không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc hay các hoạt động xây đảo nhân tạo trái phép của nước này trên Biển Đông.
Hội nghị thượng đỉnh G7 và Hội nghị G7 mở rộng năm nay diễn ra trong hai ngày 26 và 27/5. Các nhà lãnh đạo thảo luận về các vấn đề toàn cầu như tình hình kinh tế, chủ nghĩa khủng bố, người tị nạn, các tuyên bố chủ quyền tranh cãi của Trung Quốc trên Biển Đông và việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
70.000 nhân viên an ninh được triển khai ở 3.500 điểm khắp Nhật Bản, riêng tỉnh Mie có 23.000 cảnh sát, nhằm siết chặt an ninh trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tới Nhật Bản tham dự Hội nghị G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe.