Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ tại TP.HCM, vừa qua đã có nhiều chuyến thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam.
Trao đổi với báo chí, ông khái quát nhiều giải pháp cần tập trung để kiểm soát dịch từ thực tế kiểm tra tại các địa phương.
- Sau khi thị sát các tỉnh phía Nam, ông đánh giá thế nào về công tác phòng chống dịch và các giải pháp cần triển khai để hình thành “vành đai xanh an toàn” chống dịch tại các địa phương này?
- Thực tế kiểm tra tại các tỉnh phía Nam, chúng tôi thấy rằng, các địa phương đã quán triệt nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Một số địa phương đã chủ động triển khai quyết liệt biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý, xây dựng kế hoạch bảo vệ “vùng xanh”; triển khai chiến dịch xét nghiệm cộng đồng; thành lập trung tâm thông tin tác chiến phòng, chống dịch của tỉnh...
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa phương cơ bản ổn định. Điều đó chứng tỏ công tác phòng, chống dịch bệnh của chúng ta đang đi đúng hướng, phù hợp với thực tế, tạo tiền đề quan trọng để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới.
Thượng tướng Võ Minh Lương trong chuyến thị sát, kiểm tra Bệnh viện dã chiến số 5D đặt tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM hồi đầu tháng 8. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tuy nhiên, tại các địa phương phía Nam, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm phát hiện, số bệnh nhân có chuyển biến nặng và nguy kịch cần được thu dung cấp cứu, điều trị tại các cơ sở tuyến cuối, bệnh viện hồi sức Covid-19 tăng cao.
Để hình thành “vành đai xanh an toàn” nhằm sẵn sàng chi viện nguồn lực cho tiền tuyến, các địa phương cần triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp cấp bách. Đồng thời, cần kiểm tra, chấp hành yêu cầu phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, khu công nghệ cao; có thể thực hiện giới nghiêm ở các khu vực nếu thấy cần thiết để tạo ra ngày càng nhiều “vùng xanh”, hạn chế “vùng đỏ”, “vùng vàng”, từng bước đưa địa phương trở về “trạng thái bình thường mới”.
Đặc biệt, khu vực tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nhất là trong điều kiện có khả năng xuất hiện biến chủng mới (Lambda), có tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, có thể kháng các loại vaccine hiện tại.
Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và bổ sung phương án ở mức cao nhất về điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu và các vật tư, trang thiết bị cần thiết khác cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, nhất là cơ sở y tế điều trị tuyến cao, trung tâm hồi sức Covid-19.
Một nhiệm vụ khác là cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; có phương án từng bước cho phép doanh nghiệp có người lao động đã được tiêm vaccine tiếp tục sản xuất, giúp khôi phục chuỗi cung ứng và giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho lao động đang thất nghiệp tạm thời.
- Về công tác điều trị, hiệu quả bước đầu của bệnh viện dã chiến truyền nhiễm và Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Quân y 175, nhằm thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại TP.HCM và Bình Dương thế nào, thưa ông?
- Sau khi thành lập, 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, cùng Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 tiến hành thu dung, điều trị các ca mắc, bước đầu giúp khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống y tế địa phương tại những khu vực điểm nóng về dịch bệnh.
Bệnh viện Quân Y 175 trở thành bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại TP.HCM và Bình Dương. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đến nay, các cơ sở y tế của quân đội đã tiếp nhận, thu dung, điều trị trên 5.000 bệnh nhân, trong đó có trên 1.000 ca bệnh F0 đã được điều trị khỏi. Bệnh viện Quân y 175 trở thành bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại TP.HCM và Bình Dương.
Chỉ sau 3 tuần hoạt động, Bộ Quốc phòng đã quyết định tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhân lực, nâng số giường điều trị ca mắc từ 200 lên 350 để phục vụ cho chiến lược điều trị Covid-19 nặng và vừa theo mô hình tháp của Bộ Y tế.
Từ ngày 19/7, bệnh viện đã tiếp nhận, thu dung trên 365 bệnh nhân F0; điều trị thành công cho trên 100 ca F0 đã ra viện hoặc chuyển về tuyến dưới. Hiện tại, bệnh viện tập trung điều trị cho hơn 200 bệnh nhân trên cơ sở tích cực áp dụng nhiều sáng kiến kết hợp truyền thống và hiện đại để nâng cao hiệu quả.
Sau một thời gian ngắn, Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 175 đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm tuyến đầu. Việc quân đội triển khai các bệnh viện dã chiến là chủ trương rất đúng đắn, sáng suốt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trước mắt và sẵn sàng ứng phó với tình huống phức tạp hơn.
Quân đội duy trì hơn 21.000 tổ, chốt biên giới
Từ trước khi thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã hình thành Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam để kịp thời chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Bộ đã chủ động chỉ đạo lực lượng biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, phối hợp chặt chẽ với các quân khu và lực lượng có liên quan, duy trì trên 21.000 tổ, chốt biên giới đường bộ, đường biển, đường sông và nội địa.
Các đơn vị và các doanh nghiệp quân đội đã hỗ trợ Quỹ vaccine trên 1.200 tỷ đồng. Đặc biệt là, các mô hình “Gian hàng không đồng”, “Phiên chợ nghĩa tình”, “Cây ATM gạo, khẩu trang”, “Hũ gạo tình thương”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, “Tủ đồ dùng thiện nguyện”… của lực lượng vũ trang quân khu 5, 7, 9 giúp giải quyết khó khăn của người dân.