Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La sáng 5/6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh tất cả các quốc gia phải hợp tác và đấu tranh, để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột.
Trao đổi với Zing.vn, tướng Vịnh chia sẻ về cách kết hợp giữa hợp tác và đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông:
- Tại Đối thoại Shangri-La, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng các nước đều đề cao yếu tố lòng tin. Vậy so với quan hệ ngoại giao, lòng tin trong quan hệ quốc phòng như thế nào thưa Thứ trưởng?
- Lòng tin trong quan hệ quốc phòng được thể hiện bằng hành động thực tế. Trong quan hệ quốc phòng, bên cạnh lời nói, các bên thường xuyên có những hành động và việc làm cụ thể. Ví dụ như các hoạt động quân sự, diễn tập, xây dựng các căn cứ quân sự… Lòng tin trong quan hệ quốc phòng luôn luôn so sánh với thực tế đang diễn ra với lời nói.
Nếu có lòng tin về quân sự, quốc phòng thì lòng tin này rất cao. Vì nó đã được thực tế chứng minh. Nếu anh nói mà không đi đôi với làm, thì đó không thể là lòng tin được.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trả lời báo chí Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La ngày 5/6. Ảnh: CT |
- Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh yếu tố vừa hợp tác vừa đấu tranh. Vậy chúng ta đang hợp tác và đấu tranh với Trung Quốc như thế nào trong vấn đề Biển Đông?
- Điều thứ nhất, trong khi đấu tranh, chúng ta phải giữ vững quan điểm chủ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc, đó là những điều tiên quyết. Còn cơ sở để đấu tranh chính là luật pháp quốc tế.
Việc đấu tranh cần dựa trên tinh thần xây dựng, đấu tranh không phải là muốn dồn một bên vào thế phải thua, mà là chọn giải pháp phù hợp cho cả 2 bên.
Thứ 2, việc đấu tranh chỉ diễn ra ở một vài khía cạnh, trên một số vấn đề nhất định. Như việc đấu tranh giữa Việt Nam với Trung Quốc là vấn đề Biển Đông, trong khi 2 nước hợp tác với nhau ở nhiều vấn đề khác.
Chẳng hạn, chúng ta hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề trên bộ, biên phòng, hợp tác trao đổi nghiên cứu chiến lược, hợp tác về đào tạo, gìn giữ hoà bình… Việt Nam và Trung Quốc cũng hợp tác tuần tra chung về hải quân và cảnh sát biển trên vùng Vịnh Bắc Bộ là vùng biển đã được phân định.
Đây đều là những hợp tác hoàn toàn phù hợp với lợi ích của cả 2 bên. Nếu vì vấn đề Biển Đông mà chúng ta trở nên không bình tĩnh hoặc thiếu thiện chí, không chấp nhận hợp tác ở những nội dung khác, thì không thể nào đấu tranh thành công.
Ngược lại, nếu anh chỉ hợp tác mà không đấu tranh thì sẽ không bao giờ có một giải pháp công bằng. Chắc chắn sẽ có một bên bị thua thiệt. Đây chính là tính 2 mặt của một vấn đề.
Nhìn chung, mọi vấn đề đều cần kết hợp sự hợp tác và đấu tranh. Tại Đối thoại Shangri-La lần này, nhiều đại biểu tỏ ra thiên quá về hướng đấu tranh, trong khi không nhiều ý kiến được gợi mở về hướng hợp tác.
Trong bài phát biểu hôm nay, tôi muốn nói với cộng đồng quốc tế rằng cần phải hợp tác với Trung Quốc nhiều hơn. Chúng ta hợp tác ở những khía cạnh hoà bình của họ, như thương mại, khoa học kỹ thuật, đào tạo con người, và nhiều vấn đề khác.
Đừng vì vấn đề Biển Đông mà từ chối hợp tác với Trung Quốc, miễn là các hợp tác ấy phù hợp với luật pháp quốc tế và mang lại lợi ích cho các bên. Đây chính là nội hàm của việc vừa hợp tác vừa đấu tranh.
- Sau Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ sẽ dẫn nhiều công ty quốc phòng sang thăm Việt Nam. Báo chí Ấn Độ cho biết nước này đang xem xét bán tên lửa BrahMos cho Việt Nam. Xin Thứ trưởng nhận định về tầm quan trọng của chuyến thăm, và thông tin mua vũ khí Ấn Độ?
- Trước hết tôi muốn thông tin rằng Việt Nam chưa có kế hoạch mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ.
Về quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, tôi khẳng định đây là mối quan hệ rất tốt. Có thể nói là một trong những mối quan hệ tốt nhất của chúng ta từ trước đến nay, và bây giờ vẫn đang phát triển. Cho nên chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ sắp tới là rất quan trọng.
- TTXVN: Một trong những chủ đề quan trọng tại Đối thoại Shangri-La là tình hình Biển Đông. Xin thứ trưởng cho biết quan điểm của Việt Nam đã được trình bày tại hội nghị, cũng như vấn đề được thảo luận thế nào tại diễn đàn?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông không thay đổi. Đó là chúng ta phải giải quyết vấn đề Biển Đông bằng giải pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước hết, chúng ta thực hiện những chính sách ấy bằng việc khẳng định chủ quyền. Đó là chủ quyền ở các đảo tại Hoàng Sa, Trường Sa, chủ quyền trên thềm lục địa. Việt Nam phản đối những tuyên bố vi phạm chủ quyền của chúng ta. Chủ quyền của Việt Nam mang tính lịch sử và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Kế đến, chúng ta phải nhấn mạnh chủ trương giải quyết bằng biện pháp hoà bình và tuân thủ luật pháp quốc tế. Hiện nay, ai cũng nói về luật pháp quốc tế, nhưng vì sao nó không được thực hiện?
Lý do đầu tiên nằm ở cách hiểu và diễn giải luật pháp khác nhau, có thể do vô tình, nhưng thường là do cố ý diễn giải để có lợi cho mình.
Kế đến, khi anh đã cam kết, thì anh phải thực hiện. Như Bộ trưởng Quốc phòng Pháp phát biểu rất ít những điều được quy định trong Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) đã được thực hiện, trong khi Bộ Quy tắc xứng xử giữa các bên (COC) thì chưa biết khi nào hoàn thành. Đây là thách thức.
Do vậy, Việt Nam luôn mong muốn đàm phán hoà bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, mà phải là những điều luật chính xác, trung thực với các cách hiểu giống nhau.
Chúng ta cũng bày tỏ quan điểm về sự can dự của các nước, bao gồm Mỹ, và sự vươn lên của các nước như Trung Quốc. Việt Nam đồng tình nếu những can dự này tuân thủ luật pháp quốc tế, đem lại sự bình đẳng, thịnh vượng cho khu vực. Nhưng nếu sự can dự dẫn đến xung đột, dẫn đến chạy đua vũ trang, thì chúng ta phải phản đối.